THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 59
Các vị đồng học xin, chào mọi người.
Hôm qua, tôi đã giảng đến câu "Hư vu trá ngụy, công kiết tông thân" (Đặt điều vu cáo hư vọng, xảo trá, dối gạt, công kích thân thuộc).
Bốn chữ phía trước tôi đã giới thiệu qua rồi, bốn chữ phía sau này thì chưa giảng. Trong chú giải của Vựng Biên nói được rất rõ ràng: " Cùng họ là Tông, khác họ là Thân", cho nên tông và thân là có phân ra, nhưng quan hệ đều rất là mật thiết. Trong đây nói rất hay: " Tuy có xa, gần, thân, sơ khác nhau, thật sự đều là những người có mối quan hệ thân thiết với ta". Cha con, anh em,thân tộc cùng một họ, đây là “Tông”, cùng một tổ tông, một mạch truyền thừa tiếp nối. “Thân” là người khác họ mà kết thành hôn nhân, cho nên có gia thân quyến thuộc. Tuy người cùng họ, khác họ có sự khác biệt, thế nhưng sau khi kết hôn thì đều là người một nhà, cho nên đều phải nên lấy “thân ái trung thành” để đối đãi nhau, cùng hoạn nạn, cùng chịu khổ. Đây là từ trên nhân luân mà nói. Nếu từ trên Phật pháp để nói thì phạm vi đó lớn, người thông thường rất khó lý giải, rất khó tiếp nhận, thế nhưng đó là chân tướng sự thật. Điều này chúng ta đọc rất nhiều trong Kinh Luận Đại Thừa, chúng ta nỗ lực nêu ra để cùng thảo luận. Đích thực đây là sự thật. Chân tướng của sự thật là tất cả chúng sanh trong hư không pháp giới là cùng tông với chúng ta. Trong thế pháp, từ trên luân lý mà nói thì cùng tông là cùng một tổ tiên, ở trong Phật pháp thì nói chúng ta là cùng một tự tánh, cùng một chân tâm.
Thế Tôn ở trong Kinh Hoa Nghiêm đã nói được rất hay, vũ trụ vạn pháp từ đâu mà có? "Duy tâm sở hiện". Cái tâm này là cùng chung. Mười pháp giới y chánh trang nghiêm đều là duy tâm sở hiện, duy thức sở biến. Thức là cái gì? Thức là tâm khởi tác dụng. Cho nên, trong Kinh giáo Đại Thừa thường nói: "Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh", nói ra một cái "tâm", nói ra một cái tưởng. Tâm năng hiện, tưởng năng biến. Tưởng chính là thức. Tám thức, 51 tâm sở, chỉ dùng chữ “tưởng” này làm đại biểu, cho nên là tâm hiện, thức biến. Đã là từ tâm tưởng sanh thì làm sao nó không phải từ trong cùng một Tông chứ? Cho nên, Phật cùng các Pháp Thân Đại Sĩ xem thấy tất cả chúng sanh tàn sát lẫn nhau, thì giống như lão tổ tông xem thấy con cháu đời sau tương tàn lẫn nhau. Tình hình này là giống như vậy. Có thể trách họ hay không? Không thể trách họ. Tại vì sao không thể trách họ? Họ không hiểu rõ chân tướng sự thật, không có người dạy họ, cho nên Phật ở trong Kinh Vô Lượng Thọ nói rất hay: "Tiên nhân vô tri, bất thức đạo đức". Đạo đức là gì? Đạo đức chính là chân tướng sự thật. Người thế hệ trước đã lơ là rồi, họ không hiểu rõ chân tướng sự thật, không có người nói với họ, họ tạo những tội nghiệp này thì không thể trách họ.
Chúng ta đọc lịch sử, chúng ta thấy được cổ Thánh tiên vương, những đế vương vào thời xưa hiểu được tường tận, cho nên làm quốc vương, sự việc thứ nhất là giáo học, "kiến quốc quân dân, giáo học vi tiên", phải dạy. Cho nên, thời xưa, không chỉ là người lãnh đạo quốc gia, mà thậm chí đến người lãnh đạo thôn xóm địa phương, gia trưởng trong một gia đình là người lãnh đạo của một nhà, thì đại Thánh đại Hiền đều yêu cầu phải làm được ba chữ "Quân-Thân-Sư". Ý nghĩa này rất sâu rất rộng, chúng ta phải tỉ mỉ mà thể hội. Không chỉ là lãnh đạo, mà đối với người bị lãnh đạo phải có thân tình giống như cha con, anh em, thân bằng quyến thuộc trong nhà vậy, nhiệt tâm yêu thương bảo vệ, cái này là làm đến “thân”. Còn phải làm đến "sư", sư là tận tâm tận lực giáo hóa họ, khiến cho họ tường tận luân thường đại đạo, hiểu được làm người phải như thế nào, làm thế nào tiếp vật, sống như thế nào.
Phật pháp trước khi truyền đến Trung Quốc, người Trung Quốc đã và đang làm rồi. Vào triều Hán Minh Đế, Phật giáo chính thức truyền đến Trung Quốc. Những lời Phật đã nói, những điều Phật đã dạy cùng với cổ Thánh tiên Hiền chúng ta không hẹn mà gặp, cho nên từ triều đình cho đến dân dã đều rất hoan nghênh đối với giáo học của Phật-đà. Giáo học của Phật-đà bổ sung cho giáo học truyền thống của chúng ta, bổ trợ cho nhau. Chúng ta thì ưa thích sự đơn giản, nên nói được cương lĩnh thiết yếu, Phật pháp thì nói rất tường tận, đây là chúng ta được trời ưu đãi. Chúng ta thấy trên địa cầu này, các quốc gia dân tộc khác đều chưa có. Đây là phước của chúng ta. Tổ tiên của chúng ta đích thực đã làm được ba chữ "Quân-Thân-Sư" này, làm được rất viên mãn.