/ 128
1.044

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 60


Các vị đồng học xin, chào mọi người.

Đọc sách Thánh Hiền, quả nhiên có thể khế nhập cảnh giới, tự nhiên giống như Đại đức tông môn xưa đã nói: "Tả hữu phùng nguyên, đầu đầu thị đạo" (mọi nẻo dẫn về nguồn, nơi nơi đều là đạo). Chúng ta lãnh hội được phần ít cảnh giới của Hoa Nghiêm, sau đó sáu căn tiếp xúc với cảnh giới bên ngoài, tất cả đều là "Đại Phương Quảng", tất cả đều là "Phật Hoa Nghiêm". Quay đầu lại mở Cảm Ứng Thiên ra, mỗi câu mỗi chữ trong thiên văn chương này đều tương ưng với "Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm", thế là chúng ta hiểu rõ câu nói trên Kinh Hoa Nghiêm: "Nhất tức nhất thiết, nhất thiết tức nhất" (một là tất cả, tất cả là một).

Ngày trước, chúng tôi ngay trong lúc giảng giải, nhiều lần đã nói đến cái "nhất" này, đây không phải là chuyên nhất, mà là “nhậm nhất” (cái nào cũng đều bao gồm). Tôi nói “nhậm nhất” là nói pháp môn trong Phật pháp, tám vạn bốn ngàn pháp môn, vô lượng pháp môn, bất cứ pháp môn nào cũng đều bao gồm trong đó. Có câu là "nhất tức thị đa, đa tức thị nhất" (một tức là nhiều, nhiều tức là một). Vậy chúng ta muốn hỏi, tám vạn bốn ngàn pháp môn, vô lượng pháp môn, có bao gồm Cảm Ứng Thiên hay không? Thậm chí có bao gồm cả Tân Cựu Ước của Cơ Đốc giáo hay không? Có bao gồm Kinh Cô-Ran của Hồi giáo hay không? Mọi người nghĩ xem. Thảy đều bao gồm! Đây là thật. Chẳng phải chúng ta hay nghe nhà Phật thường nói, sau khi ngộ rồi thì pháp nào không phải là Phật pháp? Cái gì gọi là Phật pháp? "Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm" gọi là Phật pháp. Nếu như không ngộ thì dù bộ Kinh Hoa Nghiêm này ở ngay trước mặt bạn cũng không phải là Phật pháp. Qua đó có thể thấy được, có phải Phật pháp hay không, điều then chốt tuyệt nhiên không ở việc nó có phải là Phật Kinh hay không, mà then chốt chân thật ở việc bạn có giác ngộ hay không. Vì sao vậy? Sau khi giác ngộ mới biết được tất cả chúng sanh trong tận hư không khắp pháp giới là một tự thể. Vậy Cảm Ứng Thiên này chẳng lẽ là ngoài tự thể sao? Ki Tô giáo, Hồi giáo, Do Thái giáo, rất nhiều tôn giáo thế gian là ngoài cái nhất thân này của chúng ta hay sao? Không phải! Hư không pháp giới tất cả chúng sanh là một tự thể. Cho nên, có pháp nào không phải là Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm? Phàm phu ngu muội vô tri, không vào được cảnh giới này. Không những phàm phu không thể vào, mà Nhị Thừa Quyền Giáo Bồ-tát cũng không thể vào. Do nguyên nhân gì? Vọng tưởng, phân biệt, chấp trước chướng ngại. Hay nói cách khác, bạn chưa lìa khỏi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, đây gọi là “thế kiến” (kiến giải theo thế tục). Tại vì sao gọi là thế kiến? Bạn có phân biệt, chấp trước, bạn có chấp trước thời gian của quá khứ, hiện tại, vị lai, bạn có chấp trước không gian cõi này với phương khác, bạn không thấy được chân tướng sự thật. Cho nên, tất cả chư Phật Như Lai, Bồ-tát, Tổ sư Đại đức giáo hóa tất cả chúng sanh không gì khác hơn là buông xả chấp trước mà thôi. Chỉ cần đem vọng tưởng, phân biệt, chấp trước buông xả thì chân tướng của vũ trụ nhân sanh liền rõ ràng, liền tường tận rồi. Đây gọi là Phật pháp. Khi mê, mê có nhẹ nặng, nên tạo ra nghiệp nặng nhẹ cũng không như nhau. Hiện tại chúng ta đọc đoạn này, đây là đại ác, "bội nghịch đại ác". Bội là trái ngược, trái ngược cái gì? Trái ngược với tánh đức của chính mình, không phải trái ngược với thứ khác. Chúng ta chính mình phải giác ngộ.

Nói về đại ác, tổng cộng có bảy đoạn nhỏ, đoạn sau cùng này là " Ương bướng bất nhân, độc ác, tàn nhẫn, tự cho là đúng ". Chúng ta tỉ mỉ phản tỉnh, mỗi điều đều phạm, chỉ khác là mỗi một người đã phạm nhẹ hay nặng không đồng nhau mà thôi.

" Tàn nhẫn, tự cho là đúng" chính là chúng ta bình thường gọi là "lòng dạ độc ác". Đối người, đối việc, đối vật, tạo tội nghiệp cực trọng, quan niệm không tốt, sau khi chết ắt sẽ đọa ba đường. Trong Vựng Biên có những câu như sau: "Kẻ ngang ngược cường bạo, chết bất đắc kỳ tử, hẳn là vậy rồi, nhưng sau khi chết, quả báo tam đồ biết đến bao giờ có thể thoát khỏi". Câu nói này đáng được chúng ta sâu sắc phản tỉnh. Thánh Hiền thế xuất thế gian, chúng ta đọc được trong văn tự ghi chép, các Ngài đối nhân xử thế tỏ rõ vô cùng khiêm tốn, nhẫn nhường. Thánh nhân thế gian như Khổng Tử, trong Luận Ngữ ghi chép, Khổng Tử là một người "ôn-lương-cung-kiệm-nhượng". Ngài đối với người thì ôn hòa, lương thiện, cung kính, tiết kiệm, nhẫn nhường. Không chỉ Khổng Tử cả đời dùng ngôn giáo, mà còn dùng thân giáo làm ra tấm gương để cho chúng ta xem. Đây là Thánh nhân. Có thể phụng hành giáo huấn của Thánh nhân thì xã hội sẽ an định, thiên hạ thái bình, đời sống của nhân dân chân thật có thể đạt đến an hòa lợi lạc. Quan niệm lý luận này không giống như người phương Tây hiện đại. Người phương Tây đề xướng tiêu xài, khích lệ tiêu xài, vì cái gì? Vì để chiếm lợi. Mọi người trong đời sống, nếu như không tiêu xài, không lãng phí thì làm sao họ có thể kiếm tiền? Người người đều giống như Khổng Lão Phu Tử, mỗi thứ đều sống tiết kiệm thì việc buôn bán của họ sẽ không cần phải làm nữa rồi. Do đây có thể biết, khích lệ tiêu xài, chú trọng tiêu xài, mục đích đó là tranh danh đoạt lợi. Có tâm cạnh tranh, có tâm chiếm đoạt, xã hội còn có thể an định được sao? Đời người còn có hạnh phúc gì đáng nói nữa? Những đạo lý này, những sự thật này, chúng ta phải suy xét nhiều. Nghĩ thông rồi, nghĩ tường tận rồi thì bạn sẽ cùng đi với Thánh Hiền nhân hay cùng đi với người hiện đại?

/ 128