/ 128
1.094

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 58


Các vị đồng học xin, chào mọi người.

Trong Cảm Ứng Thiên, kinh văn nói về ác báo rất dài. Bảy đoạn nhỏ phía trước là nói căn bản đại ác, cũng chính là nói cội gốc của vạn ác. "Nếu có kẻ làm những điều phi nghĩa, trái nghịch đạo lý [như sau]: Coi thủ đoạn độc ác là tài năng, nhẫn tâm làm chuyện tàn ác, độc hại, ngầm hại người lương thiện, ngầm khinh vua và cha mẹ, khinh rẻ thầy dạy, phản bội người mình phải phụng sự, lừa kẻ không hiểu biết, gièm báng bạn học, dối trá, hư ngụy, công kích thân thuộc, ương bướng bất nhân, sử dụng những thủ đoạn độc ác, tàn nhẫn". Đến chỗ này, tổng cộng có bảy đoạn nhỏ. Chúng ta mỗi lúc phải nên cảnh giác. Bảy sự việc này, nếu như chúng ta tỉ mỉ mà phản tỉnh, mà tư duy, chúng ta đều phạm rồi, chỉ là mức độ phạm có cạn sâu khác nhau, phạm vi ảnh hưởng có rộng hẹp không như nhau, đương nhiên kết tội quả báo cũng không giống nhau. Tóm lại mà nói, đây là ác nghiệp, do ác nghiệp mới chiêu cảm thiên tai nhân họa, vô số quả báo bất thiện. Nếu như chúng ta không thể phản tỉnh kiểm điểm thật kỹ, sửa đổi làm mới từ căn bản, thì không chỉ đạo nghiệp của chúng ta không thể thành tựu, mà còn sợ thân người cũng không thể giữ được, phước báo nhân gian thì càng không cần phải nói. Đây là điều mà một người học Phật trước tiên cần phải giác ngộ. Đoạn văn này chúng tôi vẫn chưa giảng xong, hôm nay chúng ta xem tiếp đoạn nhỏ thứ sáu:

"Hư vu trá ngụy, công kiết tông thân" (Dối trá, hư ngụy, công kích thân thuộc

"Hư" là hư vọng, không có căn cứ xác thực mà đã tùy tiện bàn luận. "Trá", trong chú giải nói là "Dùng quỷ kế gạt gẫm người khác thì gọi là Trá ", âm mưu ngụy kế, lừa gạt đối với người khác. " Dùng những cách thức dối đời trái lẽ thì gọi là Ngụy ", đó là hư ngụy. Làm người có thái độ và tâm thái như vậy thì không có chút thành ý nào. Hiện tại đích thực như vậy, không chỉ đối với xã hội, đối với đại chúng không có chút thành ý nào, mà đối với vợ con và cha mẹ của mình cũng không có chút thành ý, thêm nữa, cũng không thành ý đối với chính bản thân họ. Hiện tại là xã hội như vậy thì sao mà không gặp nạn? Tại sao có thể có loại tình trạng này? Tại vì sao có sự việc như vậy? Truy đến cội gốc là chúng ta bỏ mất đi giáo dục của Thánh Hiền, cho nên mới rơi vào bước đường này. Chúng ta có may mắn tiếp nhận được một phần nhỏ của giáo dục Thánh Hiền, chúng ta đối với đạo lý của thiện ác, nhân quả của thiện ác có thể hiểu rõ một chút, có được chút năng lực phân biệt, thế nhưng tất nhiên năng lực này của chúng ta vẫn chưa đủ. Thế gian có rất nhiều sự việc tưởng như đúng mà lại sai, nhất là giống như những người ác nói ở chỗ này, tâm địa bất thiện, diện mạo hư ngụy, chúng ta rất khó nhìn thấy được. Hư tình giả ý, ngay đến người thân thuộc, họ cũng công kích bơi móc, cũng đều nhiễu hại, huống hồ người ngoài. Chúng ta ở trong xã hội gặp những sự việc này có thể trách người sao? Không thể nào. Tỉ mỉ mà quán sát, họ làm được không tệ. Tại vì sao không tệ? Tùy thuận phiền não tập khí từ vô lượng kiếp của họ, "tiên nhân bất thiện", cha mẹ không dạy họ, tôn trưởng không dạy họ, thầy giáo không dạy họ, họ không phải Thánh Hiền trời sanh, cho nên họ làm ác là phải rồi. Nếu họ không làm ác thì họ chính là Phật Bồ-tát tái sanh, không phải là phàm phu. Người phàm thì có lý nào không làm ác? Chúng ta có thể từ góc độ này mà quán sát, tâm của chúng ta liền bình. Tâm bình khí hòa, trong đây liền sanh trí huệ, vậy mới thấy được rõ ràng chân tướng sự thật.

Làm thế nào cứu vãn những chúng sanh khổ nạn này? Vẫn là một phương pháp cũ, toàn tâm toàn lực đề xướng giáo dục Thánh Hiền, đề xướng giáo dục Phật-đà, cho dù có một số phê bình ác ý, kháng cự, nhiễu hại cũng không hề gì. Vì sao vậy? Họ vô tri, họ đáng thương. Nếu như họ chân thật tường tận rồi, tự nhiên họ liền sám hối, họ liền quay đầu. Cho nên chúng ta đối với người không rõ lý, người vô tri, lấy thế pháp mà xem thì phải lượng thứ họ, không nên trách cứ họ, dùng Phật Bồ-tát để nhìn thì phải thương xót họ, phải cứu họ. Hiện tại bạn đi cứu giúp họ, có những phương thức họ không thể tiếp nhận, đó là do thiện căn phước đức của họ chưa đạt đến, cho nên cần phải dùng phương tiện khéo léo, trước phải bao dung, phải khoan dung nhẫn nại, ngay đời này không cứu được thì đợi đời sau, đời sau không cứu được thì đời sau nữa. Phật độ chúng sanh thỉ chung không bỏ một người, lúc nào họ chịu quay đầu thì đến lúc đó sẽ giúp đỡ họ. Nếu không thể quay đầu thì đứng ở bên cạnh nhìn, chân thật là nhìn họ tạo nghiệp, nhìn họ đọa lạc, nhìn họ đọa địa ngục, nhìn họ chịu vô số khổ. Vì sao vậy? Bạn nói thiện ngôn thiện ngữ đối với họ, họ nghe không lọt vào, họ không tin tưởng, họ không thể tiếp nhận, họ có phân biệt chấp trước kiên cố. Không phải Phật Bồ-tát không giúp đỡ họ, mà do chấp trước kiên cố của họ quá mạnh, nghe không được lời thiện, không thấy được việc thiện chân thật. Vì sao vậy? Tâm của họ là hư vọng, cái họ thấy được cũng là hư vọng, cho nên chân thành là quan trọng nhất. Trong chú giải nhỏ này nêu ra cho chúng ta rất hay, "Thành là đạo của trời, suy nghĩ chân thành là đạo của người". Chúng ta tu học, đem sự chân thành xếp ở vị trí thứ nhất. Có chân thành sau đó mới có “thanh tịnh, bình đẳng, giác”, có “thanh tịnh, bình đẳng, giác” thì sau mới có “đại từ đại bi”.

/ 128