/ 128
597

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 57

 

Các vị đồng học xin, chào mọi người.

Hai ngày qua, tâm của mọi người đều bị trận động đất ở Đài Loan làm chấn động. Tai nạn vẫn không ngừng liên tục phát sinh. Các nơi cũng đang dần dần triển khai công tác cứu trợ. Trong Kinh Bát Nhã, Phật vô số lần nói với chúng ta: "Tâm đại bi có thể sanh trí huệ". Câu nói này vừa nghe thì không dễ gì thể hội. Tại sao tâm đại bi cùng trí huệ lại gắn kết với nhau? Kỳ thật, đạo lý mà Phật đã nói vô cùng chính xác. Tất cả chư Phật Như Lai cũng không ngoài việc nương tâm đại bi mà thành tựu, cho nên ngay trong Phật pháp thường nói: "Từ bi vi bổn, phương tiện vi môn". Từ bi là động lực.

Còn tất cả chúng sanh thế gian, mỗi ngày thật sự có thể nói là “không tiếc sinh mạng”, trong xã hội ngày nay mọi người thường gọi là "bán mạng", vì cái gì vậy? Kiếm tiền, cho nên tiền là động lực, danh lợi là động lực. Nếu như không có danh lợi thì họ sẽ không làm, họ liền giải đãi. Chư Phật Bồ-tát, người tu hành, tâm danh lợi rất tan nhạt. Người ta muốn tranh, các Ngài căn bản không tranh. Sức mạnh gì đang thúc đẩy các Ngài? Nỗ lực tu hành, giáo hóa chúng sanh, tâm đại bi. Cho nên tâm đại bi có thể sanh trí huệ, sanh phương tiện khéo léo. Ngày nay chúng ta tu hành công phu không đắc lực, tâm đại bi không đủ, không chịu chăm chỉ nỗ lực. Nếu như có tâm thương xót tất cả chúng sanh, tự nhiên sẽ chăm chỉ nỗ lực phấn đấu cầu học. Vì sao vậy? Vì thương xót chúng sanh. Chính mình sau khi học thành rồi mới có năng lực giúp đỡ chúng sanh.

Chân thật giúp đỡ chúng sanh, trong tôn giáo thường nói "cứu giúp chúng sanh", cái gì là đệ nhất? Dạy học là đệ nhất. Cổ Thánh tiên Hiền của chúng ta hiểu được những đạo lý này, cho nên đế vương dạy bảo hết thảy nhân sĩ tham gia việc chánh sự thì phải dùng tâm thái của người làm vua, người làm cha, người làm thầy để lãnh đạo nhân dân, vì nhân dân mà phục vụ. Làm vua chính là làm người lãnh đạo; làm cha chính là làm cha mẹ của nhân dân, quan tâm đến họ, dưỡng dục họ; làm thầy là dạy bảo họ, xem nhân dân như là học trò, xem nhân dân như là con cái của chính mình, thì phần công việc của bạn mới làm tốt được, bạn mới không bị mất chức. Chúng ta xem thấy điển tích trong nhà Nho, xem thấy trong Kinh điển Phật giáo tán thán người làm vua là người lãnh đạo nhân từ. Người làm vua quan trọng nhất chính là giáo hóa chúng sanh. Trong Lễ Ký đã nói: "Kiến quốc quân dân, giáo học vi tiên". Một quốc gia như vậy, một gia đình cũng như vậy. Trong gia đình, cha mẹ đối với con cái, cha mẹ chính là thân trong “quân, thân, sư”, không được quên đi còn phải làm thầy, cũng phải làm vua, làm "quân thân sư", thì chánh sự mới có thể làm được tốt. Chánh sự là việc của mọi người. Trong ba chữ này đều không phân thân sơ, không phân chủng tộc, không phân tộc loại, không phân tôn giáo, bình đẳng đối với các chúng sanh, đối đãi như nhau, đó gọi là "đại từ đại bi". Thánh nhân thế xuất thế gian đều dạy bảo chúng ta như vậy. Cho nên, có tâm đại bi thì tự nhiên có thể đoạn ác, có thể tu thiện.

Phật lại yêu cầu chúng ta tu tất cả thiện phải không dính tướng, "lìa tất cả tướng, tu tất cả thiện". Lìa tướng là trí huệ cao độ, tu thiện là tích đại phước đức. Như thế nào gọi là tu thiện, như thế nào gọi là tạo ác? Tất cả vì chính mình chính là ác, là đại ác, vì chúng sanh là đại thiện. Trong Kinh Phật nói: "Mạng người vô thường, cõi nước mong manh", chúng ta thấy được rồi. Bạn thấy, xây một tòa lầu to mất mấy năm mới xây xong, động đất mấy giây thì hủy diệt hết, biết bao nhiêu gia đình cả nhà đều chết, chỉ trong mấy giây thì nhà tan người mất. Chúng ta xem thấy cảnh tượng này còn không chịu giác ngộ hay sao? Từng câu nói của Phật trong Kinh đều là chân thật.

Con người đến thế gian này để làm gì? Người hiểu rõ, người giác ngộ, sự minh bạch giác ngộ này nhất định phải dạy, không có giáo dục tốt thì họ làm sao có thể giác ngộ, làm sao có thể hiểu rõ? Sau khi tường tận, phải lợi dụng thân thể này để tích công bồi đức, thì ngay đời này không luống qua. Người ngu si thì dùng cái thân thể này để tạo nghiệp. Đây là mê hoặc điên đảo đến cùng tột. Tích công bồi đức, đời sau chí ít cũng là phước báo trời người. Nếu như dùng thân thể này để tạo nghiệp, thì quả báo ở ba đường ác, ở A-tỳ địa ngục. Nếu như lừa gạt chúng sanh, chiếm lấy lợi ích tài vật của chúng sanh, đây là đại trộm cắp, trong giới trộm là đại trộm, cái nợ đó đời đời kiếp kiếp, vô lượng kiếp vẫn trả không hết. Chúng ta là người xuất gia, trong Kinh Phật nói: "Hạt gạo của thí chủ, nặng như núi Tu-di, đời nay không liễu đạo, mang lông đội sừng trả".

/ 128