/ 128
708

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 56


Các vị đồng học xin, chào mọi người.

Hôm qua tôi đã nói, ở trong Kinh, Phật dạy chúng ta làm thế nào để chung sống với bạn bè. Phật đã nói năm điều, chúng ta cần phải nhớ kỹ, phải chăm chỉ nỗ lực mà tu học. Đặc biệt là chư vị đồng học hôm nay ở lớp huấn luyện bồi dưỡng. Chúng ta vừa là đồng học vừa là bạn bè, cho nên quan hệ vô cùng mật thiết, là đồng học, đồng chí. Ở trong Kinh giáo nhất định phải học hỏi, trao đổi lẫn nhau, phải cần mẫn nghiên cứu thảo luận, để đôi bên đều được tiến bộ và có thể làm lợi ích chúng sanh.

Hôm qua, tôi nghe Thường Phổ giảng Kinh, thầy giảng đến “tứ duyên”, cách giảng có vấn đề. Phật ở trong Kinh giảng bốn loại duyên này là “thân nhân duyên, sở duyên duyên, vô gián duyên, tăng thượng duyên”, ý nghĩa này chúng ta nhất định phải phân biệt cho rõ ràng. “Thân nhân duyên” là tất cả chúng sanh mỗi người đều có đầy đủ viên mãn nghiệp nhân của mười pháp giới. Hiện tượng y chánh trang nghiêm ở trong mười pháp giới, đây là “sở duyên duyên”. Chúng ta ngày nay tại sao lại có hiện tượng đời sống này? Tại sao mười pháp giới không giống nhau? Dùng cách nói hiện nay của nhà khoa học để nói, tại sao lại có rất nhiều chiều không gian như thế? Đó là do sở duyên duyên khác nhau. Sở duyên duyên vô cùng phức tạp, chúng ta chỉ nói điều quan trọng nhất, đó chính là phan duyên. Sở duyên duyên chính là phan duyên. Ở trong phan duyên đã bao gồm vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, đây đều là thuộc về sở duyên duyên. Có sở duyên duyên thì liền hiện tướng ngay. Tướng mà chúng ta ngày nay hiện là tướng gì, thì biết sở duyên duyên của mình là gì. Phật và Pháp Thân Đại Sĩ, tướng sở duyên của các Ngài là Nhất Chân Pháp Giới. Tướng mà chúng ta sở duyên là thập pháp giới, là lục đạo trong thập pháp giới. Cõi người và ba đường ác ở trong lục đạo, đây là sở duyên duyên của chúng ta. Hiện tượng trước mắt, đây là cõi người. Ở trong cõi người lại có mười pháp giới, chúng ta duyên cái gì ở trong đây? Duyên tham sân si, tự nhiên trở thành như vậy, một mảy may miễn cưỡng cũng không có, từng giây từng phút, mọi lúc mọi nơi, khởi tâm động niệm đều là tham sân si, đều là nhân ngã thị phi. Tham sân si mạn là ở trong pháp giới người, duyên bốn pháp giới phía dưới. Tại sao hiện tượng này lại nối tiếp nhau trong một thời gian vậy? Đây là “vô gián duyên”. Ý nghĩ này của chúng ta, ý nghĩ sau nối tiếp ý nghĩ trước, duy trì cảnh giới tương tự, đây gọi là vô gián. Nếu như vô gián duyên không còn thì cảnh giới lập tức sẽ chuyển biến. Người đến khi lâm chung, trút một hơi cuối cùng là “vô gián duyên” hết rồi. Giai đoạn “vô gián duyên” này đoạn dứt rồi thì một giai đoạn “vô gián duyên” khác sinh khởi lên, lục đạo luân hồi là như vậy. Cho nên, ba loại duyên này, bản thân đều có đầy đủ, không liên quan gì với cảnh giới bên ngoài. Bạn phải chú ý đến điểm này.

Chúng ta học Phật, sự việc tốt này ở trong pháp giới người, chúng ta duyên pháp giới Phật, sức của duyên này phải mạnh, phải vượt qua tập khí phiền não của mình thì duyên này của chúng ta sẽ không bị gián đoạn. Phật Bồ-tát từ bi gia trì cho chúng ta, môi trường tu học tất cả thuộc về “tăng thượng duyên”. Chúng ta gặp được Phật pháp là tăng thượng duyên, gặp được thiện tri thức là tăng thượng duyên, gặp được hoàn cảnh tu học tốt là tăng thượng duyên, có đồng tham đạo hữu tốt cũng là tăng thượng duyên, đây không thuộc về cái vốn đầy đủ ở trong nội tâm của mình. Tất cả cái bên ngoài, toàn bộ là tăng thượng duyên, điều này chúng ta phải phân biệt rõ ràng. Ba loại duyên phía trước này là cái mà bản thân chúng ta có đủ. Cái không thuộc về tự thân có đủ thì toàn là tăng thượng duyên, đều là cái bên ngoài. Các bạn có nghi vấn thì phải hỏi, nhất định phải phân biệt rõ ràng, không được hiểu sai, càng không được giảng sai.

Người biết dụng công và người không biết dụng công có khác biệt nhau rất lớn. Người biết dụng công, ở trong một đời nhất định thành đạo vô thượng. Hôm qua tôi nhìn thấy các bạn có in một tờ giấy “sống trong thế giới cảm ân”, in rất đẹp. Chúng ta mỗi ngày đọc một chút, mỗi ngày xem một chút, rất có ích đối với việc tu học của mình. Người ở thế gian thường nói: “Làm việc đã khó, làm người càng khó hơn”, nhất là xã hội hiện nay. Người bình thường thiếu đi lời dạy của Thánh Hiền, thuận theo tập khí vô minh phiền não của mình, người như vậy rất khó chung sống, thường xuyên nổi giận với chúng ta. Người biết tu hành thì thấy đây là việc tốt, những người này giúp chúng ta, đây là tăng thượng duyên, thành tựu nhẫn nhục Ba-la-mật cho chúng ta. Phật ở trong Kinh Kim Cang nói: “Tất cả pháp thành tựu từ Nhẫn. Bạn có thể buông xả, có thể giữ quy củ, có thể nhẫn nhục, đảm bảo bạn một đời này thành công. Bạn không thể nhẫn thì chắc chắn bạn thất bại. Tôi là một người học giảng Kinh, tôi hiểu rõ những đạo lý này.

/ 128