/ 128
728

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 55


Các vị đồng học xin chào mọi người.

Đây là đoạn thứ bốn mươi hai của Cảm Ứng Thiên. Đoạn này cũng chỉ có tám chữ:

“Cuống chư vô thức, báng chư đồng học”. (Lừa kẻ không hiểu biết, gièm báng bạn học)

Đây cũng là thuộc vào đại ác.

Ở trong Vựng Biên nói rất hay: “Đối với kẻ chẳng hiểu biết, đúng là phải nên thuận theo từng sự mà chỉ bảo cho họ, dùng nghĩa lý nhắc nhở, dùng điều thiện lẽ ác khiến cho họ động tâm, khiến cho họ giác ngộ, chẳng đọa trong mê hoặc”. Làm sao có thể bởi vì họ ngu muội mà bạn lừa gạt họ? Phía sau đã dẫn một câu nói trong Kinh Lăng Nghiêm: “Kẻ lừa bịp người không hiểu biết, khiến cho chúng sanh nghi ngờ, lầm lạc, sau khi chết sẽ đọa vào địa ngục Vô Gián”. Người ở thế gian, vô tình hoặc cố ý đã tạo tác tội nghiệp cực nặng, tự mình hoàn toàn không biết, cũng không biết quả báo đáng sợ. Ở trong Cảm Ứng Thiên nêu ra những ví dụ này, chúng ta phản tỉnh thật kỹ, những lỗi lầm này bản thân cũng thường hay phạm phải, nhưng mà xưa nay không hề nghĩ đến sẽ có quả báo nghiêm trọng như vậy. Bản thân luôn cho rằng những chuyện này là chuyện nhỏ, thậm chí là nói nó chẳng đáng kể gì. Tại sao lại có sai lầm nghiêm trọng như vậy? Người ngu muội vô tri chúng ta không học Kinh Phật, không hiểu rõ chân tướng sự thật, trong đời quá khứ, bao nhiêu đời nay đã tạo tác rất nhiều nghiệp bất thiện, chiêu cảm đến quả báo như vậy. Phật Bồ-tát thấy rất rõ ràng. Những chúng sanh này chính là đối tượng cứu độ của Phật Bồ-tát, hơn nữa còn xếp họ vào hàng ưu tiên nhất. Tại sao vậy? Người như vậy, nếu như không mau mau giúp đỡ họ, họ trong nháy mắt liền đọa vào địa ngục. Cho nên, Phật Bồ-tát giúp đỡ chúng sanh, chúng sanh nào sẽ bị quả báo nghiêm trọng nhất, khổ nhất thì nhất định là xếp vào ưu tiên hàng đầu. Người tạo tác tội nghiệp tương đối nhẹ, không đến nỗi đọa lạc khổ như vậy thì hơi chậm một chút vẫn không sao. Đây là hợp tình hợp lý.

Một loại tình hình khác tương đối đặc thù, đây cũng là Phật ở trong Kinh thường nói là người có căn cơ chín muồi [được] độ trước. Sao gọi là căn cơ chín muồi? Cơ duyên thành Phật đã đến rồi. Người này cũng phải được ưu tiên giúp đỡ họ thành Phật, sau khi họ thành Phật thì có thể rộng độ chúng sanh. Đạo lý ưu tiên là ở chỗ này. Người thế gian, suy cho cùng, kẻ ngu muội vô thức chiếm đa số. Chúng ta thử nghĩ lại, bản thân chúng ta có phải thuộc loại “vô thức” này hay không? Tư duy thật kỹ, phản tỉnh kiểm điểm, bản thân chúng ta thật sự là thuộc về “vô thức”. Tại sao vậy? Tuy hằng ngày đang học Kinh giáo, nhưng vẫn cứ phạm lỗi lầm như cũ, đây chẳng phải là vô thức sao? Cho nên phải tùy theo việc mà nhắc nhở, ở mọi lúc, mọi nơi, trong tất cả cảnh duyên, nếu như không nhắc nhở thì lại phạm sai lầm nữa. Mặc dù không phạm sai lầm trong lời nói việc làm, nhưng khởi tâm động niệm, ý nghĩ thường đang phạm. Tại sao Phật Bồ-tát phải hằng ngày giảng Kinh vậy? Chỉ vì mỗi một việc này. Có mấy người có thể nghe một lần Kinh, nghe một bộ Kinh mà có thể quay đầu, có thể giác ngộ, có thể chứng quả? Loại người này không phải không có, nhưng quá ít, trong mấy trăm năm chúng ta mới nhìn thấy có một người; ở trong ức vạn người khó có được một người. Từ đó cho thấy, hầu hết mọi người đều có tập khí nghiệp chướng vô cùng sâu nặng (bản thân chúng ta cũng thuộc vào loại này), cho nên cần thiện tri thức từng giây từng phút nhắc nhở chúng ta. Đến đâu để tìm ra thiện tri thức như vậy? Thật sự tìm không ra.

Đại đức xưa dạy chúng ta cúng dường Tam Bảo. Chúng ta cúng dường tượng Phật, cúng dường tượng Bồ-tát, dụng ý ở chỗ nào vậy? Mượn những hình tượng này, từng giây từng phút nhắc nhở mình, nhìn thấy tượng Phật thì liền nghĩ đến lời dạy của Phật Bồ-tát. Không nhìn thấy tượng Phật là quên mất rồi. Dụng ý của cúng tượng Phật là ở chỗ này, chứ không phải xem Ngài giống như thần linh, không phải cầu mong Ngài phù hộ thăng quan phát tài, mà dùng hình tượng Ngài để thường xuyên nhắc nhở mình. Nhắc nhở, điều đầu tiên là đọc Kinh, nhìn thấy tượng Phật thì nghĩ đến phải đọc Kinh. Đọc Kinh chính là nghe Phật Bồ-tát giảng Kinh thuyết pháp, khiến chúng ta hiểu rõ nghĩa lý, là việc nên làm. Những việc nào nên làm, những việc nào không nên làm, đây gọi là “Nghĩa”. “Lý” là chân tướng của vũ trụ nhân sinh. Nội dung của tất cả Kinh mà Phật nói ra, quy nạp lại thì không ngoài hai sự việc này. “Nghĩa” chính là đoạn tất cả ác, tu tất cả thiện, là việc bạn nên làm. “Lý” là minh tâm kiến tánh. Không những mình phải học, mà còn phải giúp đỡ người khác. Làm sao giúp đỡ người khác đây? Làm nên tấm gương cho người ta thấy. Tấm gương gì vậy? “Dùng điều thiện lẽ ác khiến cho họ động tâm”, chúng ta phải thể hiện ra. Chúng ta khởi tâm động niệm, người khác không nhìn thấy, nhưng lời nói việc làm của chúng ta, người ta nhìn thấy. Chúng ta có thể trong một đời, miệng không nói lời ác, trong một đời có thể làm được không vọng ngữ, không lừa gạt người khác. Bắt đầu làm từ đâu vậy? Bắt đầu ngay từ ngày hôm nay, ta ngay từ hôm nay, từ sáng đến tối không vọng ngữ, không ác khẩu. Đây là việc rõ ràng dễ thấy.

/ 128