/ 128
844

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 49


Các vị đồng học, xin chào mọi người.

Hôm qua tôi đã giảng đến "phi nghĩa nhi động, bội lý nhi hành, dĩ ác vi năng" (dấy lòng phi nghĩa, làm chuyện trái nghịch đạo lý. Coi chuyện làm ác là tài năng)

Trong Kinh Phật có một đoạn, ở chỗ này Ngài cũng đã trích lục ra. Phật nói tất cả người ác trong thế gian khi chết đều đọa địa ngục. Trong địa ngục cũng có người quản sự, người này gọi là "Ngưu Đầu A Bàng", nhân gian chúng ta thường hay gọi là Ngưu Đầu Mã Diện, người này là quản lý những hình phạt trong địa ngục. Ngưu Đầu Mã Diện rất là hung ác, một chút tâm từ bi cũng không có, nhìn thấy chúng sanh chịu khổ mà không có chút tâm thương xót, trái lại cho rằng cái khổ của người đã chịu vẫn còn chưa đủ, hình phạt cho người vẫn chưa đủ nặng, cho nên những người này thường hay ôm tâm ác độc. Phật nói, người thọ báo đều là người ở nhân gian bất hiếu cha mẹ, hủy báng Tam Bảo, nhục mạ lục thân quyến thuộc, khinh mạn sư trưởng, hãm hại người hiền, giết hại chúng sanh, tạo các ác nghiệp. Chúng ta nghĩ xem, mấy câu nói này của Phật, chúng ta có hay không? Hiếu thuận cha mẹ, chúng ta nghe nói rồi, chúng ta chính mình có làm được hay không?

Hiếu thuận, cái ý này rất sâu rất rộng, phía trước chúng ta đã nói rất nhiều. Thời kỳ niên thiếu, đi học ở trường, học lực không tốt, hạnh kiểm không tốt, đây là bất hiếu. Thanh niên thời đại này có ai biết được là sau khi hoàn thành việc học, bước vào xã hội, thành gia lập nghiệp, nếu trong nhà bất hòa, ở nơi làm việc cùng với đồng nghiệp, với bạn bè không thể chung sống hòa thuận, thường hay làm cho cha mẹ lo lắng cũng là bất hiếu? Chúng ta đã là người xuất gia, không nỗ lực tu hành, giới-định-huệ tam học không thể nâng cao, ngay trong đời này không thể siêu vượt tam giới, thoát ly sáu cõi luân hồi, đây là bất hiếu. Cho nên, câu "bất hiếu cha mẹ" không phải là Phật nói với người nào khác, mà là nói với chính chúng ta. Mỗi một người ở trên cương vị công tác của chính mình, ở nơi hoàn cảnh công tác hiện tại, làm thế nào tận trung tận hiếu? Trong quần chúng xã hội rộng lớn, cơ duyên tiếp nhận giáo dục Thánh Hiền, tiếp nhận giáo dục Phật pháp càng ngày càng ít. Chúng ta may mắn gặp được, sau khi gặp được rồi thì ở ngay trong đời này nhất định phải nắm lấy cơ hội khó được này, phải làm cho tốt.

Hai chữ "Trung Hiếu" này, chúng ta khái quát cả thảy Phật pháp để xem, tất cả chư Phật Như Lai tự hành hóa tha, hai chữ này có thể khái quát hết rồi. Thế nào là Phật pháp? Trung hiếu chính là Phật pháp, trung hiếu chính là Bồ-đề đại đạo. Trong ba phước của Quán Kinh, hai câu trong phước thứ nhất là "hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng", hai câu này làm đến được tột điểm thì thành Phật. Hai câu tám chữ này, trên quả vị Như Lai mới làm đến viên mãn. Bồ Tát Đẳng Giác vẫn còn một phẩm sanh tướng vô minh chưa phá, cho nên “hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng” còn kém khuyết một phần, chưa đạt đến cứu cánh viên mãn. Cho nên, câu nói của Phật, "bất hiếu cha mẹ", thậm chí đối với Bồ-tát Đẳng Giác mà nói, vẫn là đang nhắc nhở họ rằng: “Hiếu của con chưa làm được viên mãn”. Chúng ta nghe được câu nói này phải nên sanh khởi tâm cảnh giác cao độ, đây gọi là học Phật.

Phật là đại hiếu cứu cánh viên mãn, Phật là phụng sự cứu cánh viên mãn. Sư trưởng của Phật là tất cả chư Phật trong quá khứ, không chỉ tất cả chư Phật trong quá khứ mà tất cả chư Phật hiện tiền, tất cả chư Phật vị lai, Phật đều thừa sự cúng dường. Điều này chúng ta làm gì biết được? Sự việc hủy báng Tam Bảo, chúng ta đã làm quá nhiều. Có lẽ các vị đồng tu khi nghe qua, không cho là việc gì. Kỳ thật, bốn chúng đệ tử chúng ta, tại gia, xuất gia, nam chúng, nữ chúng, nếu không chân thật y giáo phụng hành, ở trong xã hội không biểu hiện ra hình tượng đệ tử Phật chân thật thì chúng ta đã hủy báng Tam Bảo. Để người trong xã hội nói "đệ tử Phật mà như vậy à?", thì các vị nghĩ xem, đây có phải là hủy báng Tam Bảo không? Hình tượng quan trọng như vậy, cho nên bốn chúng đệ tử chúng ta, bất luận là vào lúc nào, ở bất cứ nơi đâu, cùng ở chung với tất cả đại chúng, nếu khiến người lễ kính Tam Bảo, cung kính Tam Bảo, tán thán Tam Bảo, đây là làm rạng rỡ cho Tam Bảo, là lợi ích chúng sanh. Nếu chúng ta vẫn tạo tác ác nghiệp, để người khác hủy báng, để người khác xem thường, để người khác vì ta mà tạo nghiệp, đây không phải hủy báng thì là gì? Cho nên sự hành trì, lời nói, cử chỉ của đệ tử Phật trong đời sống đều phải làm tấm gương tốt cho tất cả chúng sanh. Phật nói những câu này, chúng ta đều phải nỗ lực mà phản tỉnh, tư duy, làm thế nào học tập tránh những lỗi lầm này. Những lỗi lầm này đều là nghiệp nhân của địa ngục A-tỳ.

/ 128