/ 128
510

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 48

 

Các vị đồng học, xin chào mọi người.

Cảm Ứng Thiên, đoạn thứ ba mươi bảy là thuộc đoạn lớn thứ tư nói đến ác báo. Hai câu phía trước: “Phi nghĩa nhi động, bội lý nhi hành” (Nếu có kẻ dấy lòng phi nghĩa, làm chuyện trái nghịch đạo lý) là tổng cương. Ý nghĩa của hai chữ “Nghĩa” “Lý” rất sâu, rất rộng. Có thể hiểu rõ “nghĩa lý”, đây là đại học thức, cổ nhân gọi là “thực học”. Thực học chính là học thức chân thật. Tiêu chuẩn của chân thật là gì vậy? Hoàn toàn có thể có được thọ dụng, không phải huyền học, là kiết hung họa phước thiết thực của chúng ta, đây mới gọi là thực học.

Chúng ta lấy xuất gia để làm thí dụ. “Nghĩa” chính là việc cần nên làm. Việc cần nên làm thì bạn phải làm. “Phi nghĩa nhi động”, “phi” là việc không nên làm. Việc không nên làm mà bạn muốn làm, thì đây là ác, không những ác mà còn là đại ác. Làm thuận theo lý là thiện. Cái lý này là gì vậy? Lý chính là tánh đức. Nếu như trái ngược lý, đó cũng là đại ác. Chúng ta dường như có khi không thấy rõ đây là ác rất lớn, nào ngờ rằng tích lũy lại sẽ biến thành đại ác. Tích ác nhỏ sẽ biến thành ác lớn, tích ác lớn sẽ biến thành cực ác, đạo lý là ở chỗ này.

Người xuất gia chúng ta làm thế nào thuận theo nghĩa lý? Phật đã làm tấm gương cho chúng ta, Bồ-tát đã làm tấm gương cho chúng ta, Tổ sư Đại đức nhiều đời đều đã làm tấm gương cho chúng ta. Tấm gương của Phật là tiêu chuẩn tuyệt đối. Chuẩn mực của Phật Bồ-tát, chuẩn mực của Tổ sư Đại đức đã giảm bớt rồi. Tại sao vậy? Vì sợ chúng ta làm không được nên tiêu chuẩn đã giảm bớt. Giảm bớt rồi, nhưng mà vẫn không có sự trái ngược quá lớn, cho nên họ vẫn có thể thành tựu. Nếu như quên hết hai chữ “nghĩa lý” này, tâm hạnh hoàn toàn trái ngược nhau thì người xuất gia này chắc chắn đọa địa ngục A-tỳ. Điều này chúng ta phải biết.

Chuẩn mực Phật cho chúng ta là gì vậy? Nhất tâm cầu đạo, tu đạo, hành đạo. Đạo là gì? Đạo là “giới-định-huệ” chân thật, đây là đại đạo. Tất cả pháp mà cả đời Như Lai nói ra, quy nạp lại chính là “giới-định-huệ” tam học. Từ đó cho thấy, nghĩa lý cũng có ba cấp; nghĩa lý cao nhất là Huệ học, kế đến là Định học, sau cùng là Giới học. Chúng ta khởi tâm động niệm, lời nói, việc làm có tương ưng với tam học hay không? Chúng ta phải quan sát từ chỗ này. “Định - Huệ” tuy quá cao, nhưng cũng cần phải học. Tại sao vậy? Vì không học thì không thể thành tựu. Nếu muốn dứt sanh tử, ra khỏi tam giới, không có định huệ thì không được. Giới học thù thắng nhất chỉ là phước báo nhân thiên mà thôi, khỏi đọa tam đồ, quí vị nhất định phải hiểu rõ. Nếu muốn ở trong đời này dứt sanh tử, ra khỏi tam giới, mặc dù là niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, nhưng cũng cần phải có định huệ. Công phu niệm Phật thấp nhất cũng phải niệm đến công phu thành khối (thành phiến) mới có thể vãng sanh. Công phu thành khối là định huệ sơ cấp, không đạt đến công phu này thì không thể vãng sanh. Bạn niệm Phật tốt đi nữa, trì giới nghiêm đi nữa, niệm Phật vẫn là phước báo nhân thiên. Cho nên, định là gì, huệ là gì, bạn phải hiểu cho thật rõ ràng, cho thật minh bạch.

Ở Trung Quốc, bất luận là học tông phái nào, bất luận một người học Phật nào, không có ai không đọc Kinh Kim Cang. Kinh Kim Cang chính là tiêu chuẩn của định huệ. “Bất thủ ư tướng, như như bất động” chính là định huệ, chính là thiền định. Nhất tâm cầu sanh Thế giới Tây phương Cực Lạc, đó chính là huệ. Nếu như chúng ta vẫn còn bị cảnh giới bên ngoài cám dỗ, sáu căn tiếp xúc với sáu trần, tâm vẫn bị dao động, thì cho dù chúng ta trì giới tốt đi nữa, niệm Phật niệm tốt đến đâu đi nữa, cũng không thể vãng sanh. Cho nên muốn vãng sanh nhất định là phải ngăn được cám dỗ, không bị cảnh duyên làm dao động, nhất hướng chuyên niệm thì nhất định được sanh. Chúng ta học Phật, mục tiêu cuối cùng là ở chỗ này, quyết không được làm sai.

Những việc phi nghĩa, trái lý, xã hội ngày nay chúng ta nhìn thấy quá nhiều rồi. Sự việc rõ ràng và dễ thấy nhất, nếu như tín đồ ưa thích một Pháp sư nào đó, gần gũi một vị Pháp sư nào đó, sự ưa thích đó có tình cảm ở bên trong thì đó là phi nghĩa, là trái lý. Pháp sư đi nịnh hót tín đồ, vị tín đồ này có quyền có thế, có của cải, sợ vị đại hộ pháp này đi mất, đây là phi nghĩa, đây là trái lý. Tứ sự cúng dường cho bạn, để bạn sống thật thoải mái thì đạo tâm của bạn hoàn toàn không còn nữa. Người thông thường thấy vị đại hộ pháp này tốt, thực ra, ở trong mắt chúng tôi thấy đó là đại ma vương, không phải đại hộ pháp. Vô lượng kiếp đến nay, đời nay khó khăn lắm bạn mới được thân người, được nghe Phật pháp, có cơ hội giải thoát, nhưng bạn lập tức bị họ kéo lại, đó là ma vương. Ngày nay có rất nhiều người xem ma vương là thiện tri thức, xem thập ác nghiệp là thiện tri thức, vậy là sai rồi.

/ 128