/ 128
626

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 50

 

Các vị đồng học xin chào mọi người.

Ở trong Kinh điển, Phật khuyến khích chúng ta phải " ra sức thực hành nhân ái, rộng tu điều thiện, tiêu trừ tam chướng phiền não, làm thanh tịnh sáu căn, niệm Phật trì trai, tham thiền học đạo, vượt thoát tam giới xa lìa tứ sanh ". Mấy câu này có thể nói là Phật đã đem mười phương ba đời tất cả chư Phật, tổng cương lĩnh giáo hóa chúng sanh đều nói ra hết. Tiếp theo, Phật lại dạy bảo chúng ta "đừng buông lung theo tham, sân, si, mà hành giết, trộm, dâm". Chữ "đừng buông lung" này rất là khẳng định, rất là khẩn thiết, nhất định không thể tạo. Tham sân si là ba độc phiền não. Phật Bồ-tát cùng phàm phu khác biệt chính ngay chỗ này. Chư Phật Bồ-tát đã đoạn tham sân si, chắc chắn không có hành vi sát đạo dâm, không chỉ không có hành vi này, mà ý niệm cũng không có, đây chính là Thánh nhân. Phàm phu, ý niệm tham sân si, sát đạo dâm trước giờ chưa từng đoạn, chỉ là không có ngoại duyên nên nó không khởi hiện hành, vừa gặp được ngoại duyên thì nó lập tức hiện hành. Đây là nguyên nhân phàm phu tu hành không thể chứng quả, không thể khai ngộ.

Đồng tu học Phật chúng ta có không ít người thường hay hỏi tôi là làm thế nào mới có thể khế nhập cảnh giới của Phật Bồ-tát. Khế nhập là chứng đắc. Làm thế nào mới có thể khế nhập? Cần phải khai giải, giải mới có thể khế nhập. Giải cùng hành là một sự việc, giải ở trong hành, hành ở trong giải, liền khế nhập được. Nếu như chúng ta chỉ đơn thuần chiếu theo lời Phật nói những nghi qui này mà làm thì không thể thâm giải nghĩa thú, vẫn là không thể khế nhập cảnh giới. Việc này nhất định phải hiểu. Đại Sư Thanh Lương đã nói rất hay trong huyền nghĩa của Hoa Nghiêm Sớ Sao: "Có giải không hành thì tăng trưởng tà kiến. Có hành không giải thì tăng trưởng vô minh", đều không thể thành tựu. Cho nên, người chân thật biết dụng công, người công phu đắc lực nhất định là giải hành đều xem trọng, định huệ đều học. Huệ là giải, định là hành. Hai câu ở chỗ này, "đừng buông lung theo tham, sân, si" là thuộc về giải môn, " đừng tạo sát đạo dâm " là thuộc về hành môn. Có hành không giải, cái hành đó là miễn cưỡng, không thể nào đạt đến cảnh giới của pháp nhĩ như thị (pháp là như vậy). Có giải không hành, cái giải đó chắc chắn không thấu triệt, luôn không tránh khỏi sanh ra thiên kiến, lậu chấp lậu là nông cạn, cho nên hai câu nói này quan trọng. Chúng ta xem thấy xã hội hiện tại, không nên nhìn các nơi khác, mà hãy chuyên xem cửa Phật chúng ta, xem đạo tràng của chính chúng ta, vây quanh bốn bề những đồng tham đạo hữu, có mấy người có thể diệt tham sân si, có mấy người có thể không tạo sát đạo dâm? Chỉ là trên trình độ có khác biệt mà thôi. Những tập khí ý niệm sai lầm này của chúng ta vẫn chưa chân thật buông xả, thì đối với giải hành của chúng ta chắc chắn sanh ra chướng ngại.

Trong Kinh Phật nói với chúng ta, căn tánh tất cả chúng sanh có lợi căn, có độn căn, thường gọi là ba căn "thượng trung hạ". Ba căn từ chỗ nào mà có? Chúng ta thuộc về loại căn tánh nào? Thành thật mà nói, ba căn không phải là nhất định, Phật không có định pháp có thể nói. Bạn chịu buông xả thì bạn thuộc về thượng căn; bạn có thể buông xả một phần, còn có một phần không thể buông xả thì bạn thuộc về trung căn; bạn hoàn toàn không thể buông xả thì bạn thuộc về hạ căn, làm gì có nhất định? Hoàn toàn là ở chính mình. Thân tâm thế giới, thế xuất thế pháp thảy đều buông xả, thì bạn chính là thượng thượng căn. Do đây có thể biết, căn tánh cùng với việc đọc tụng nghe pháp có quan hệ rất mật thiết. Kinh Đại Thừa đọc được nhiều, nghe được nhiều, dễ dàng giác ngộ, hay nói cách khác, nâng chúng ta từ hạ căn đến trung căn, từ trung căn nâng lên đến thượng căn.

Tổ sư Đại đức dạy chúng ta, đọc tụng thì phải hiểu được "tùng văn nhập quán". Tùy theo văn tự của Kinh điển, tùy theo tất cả pháp mà Thế Tôn đã nói, chính mình bất tri bất giác liền vào được cảnh giới, đây là nhập quán. Dùng lời hiện tại mà nói, vô hình trung đã chuyển đổi cách nhìn cách nghĩ của chính mình, đây chính là tùy văn nhập quán. Đọc lâu rồi, đọc nhiều rồi, nghe nhiều rồi, đây chính là nói sức mạnh của huân tu. Huân tu, sức mạnh rõ ràng nhất là "vì người diễn nói", sức mạnh này rất lớn, hiệu quả rất là thù thắng. Vì người khác giảng qua một lần, so với chính mình đọc mười lần, ấn tượng đều sâu sắc hơn. Cho nên, trong bốn vô ngại biện tài của chư Phật Bồ-tát có "nhạo thuyết vô ngại biện tài", hoan hỉ giảng. Chư Phật Bồ-tát đều làm ra tấm gương tốt để cho chúng ta tu học. Chúng ta phải học đến hoan hỉ giảng thì mới có thể có tiến bộ. Chúng ta hoan hỉ hỏi. Người khác không hỏi chúng ta, chúng ta hỏi ngược lại họ, thì đối với trí huệ của chính mình, kiến giải của chính mình đều sẽ thêm lớn. Trí huệ chân thật tăng thêm một phần, thì bạn đối với thế duyên, bao gồm Phật duyên, bạn tự nhiên sẽ buông xả một phần. Xin nói với các vị, thế duyên không nên dính nhiễm, Phật duyên cũng không nên dính nhiễm, cho nên các vị cũng đã từng nghe qua Thiền tông đã nói "niệm Phật một câu, súc miệng ba ngày cũng không sạch". Đó là biểu pháp cho chúng ta xem, nói với chúng ta, Phật pháp cao cấp là cả thế pháp và Phật pháp đều không dính nhiễm. Vậy thì thế pháp và Phật pháp có nên lìa khỏi hay không? Không cần thiết. Vì sao vậy? Vì không có chướng ngại. Bạn lìa khỏi cũng sai, chấp trước cũng sai. Lìa khỏi thì thế nào? Bạn đã khởi tâm động niệm rồi. Chắc chắn phải không khởi tâm không động niệm, tất cả pháp vốn là như vậy. Chúng ta nói buông xả, buông xả là hai bên đều buông xả; bên có phải buông xả, bên không cũng phải buông xả; chấp trước phải buông xả, không chấp trước cũng phải buông xả; phân biệt phải buông xả, không phân biệt vẫn phải buông xả, đó gọi là thật buông xả. Buông xả chấp trước, tất cả đều không chấp trước. Nếu bạn chấp trước vào cái "tất cả đều không chấp trước" thì bạn vẫn là chưa buông xả, có câu là "buông bỏ hai bên, trung đạo không còn", bạn mới có thể vào được cảnh giới của Phật.

/ 128