/ 128
601

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 47

 

Các vị đồng học, xin chào mọi người. Xin mời xem Cảm Ứng Thiên đoạn thứ 37:

“Cẩu hoặc phi nghĩa nhi động, bội lý nhi hành”. (Nếu có kẻ dấy lòng phi nghĩa, làm chuyện trái nghịch đạo lý)

Từ câu này đến câu 44: “Cương cường bất nhân, ngận lệ tự dụng” (Ương bướng bất nhân, độc ác, tàn nhẫn, tự cho là đúng) là nói về đại ác. Toàn văn Cảm Ứng Thiên chẳng qua là khuyến thiện ngăn ác, văn tự khuyến thiện thì ít, văn tự ngăn ác thì nhiều. Dụng ý của ông, chúng ta có thể thể hội được, đúng như điều mà Phật nói trong Kinh Địa Tạng là “chúng sanh Diêm-phù-đề khởi tâm động niệm không gì là không phải tội”. Trong Bách Pháp Minh Môn Luận biểu thị cho chúng ta thấy thiện pháp chỉ có 11 cái, ác pháp có đến 26 cái. Từ đó cho thấy, cái mà Tuân Tử nói là “tánh ác” không phải không có đạo lý. Cái tánh này là tập tánh, không phải bản tánh, bản tánh thì không có thiện ác. Cho nên tánh mà Khổng Phu Tử nói cùng với tánh mà Mạnh Tử và Tuân Tử nói không như nhau. Khổng Tử nói bản tánh, “tánh tương cận”, bản tánh của tất cả chúng sanh đều rất giống nhau. Nhưng ở trong Phật pháp nói bản tánh là một, không phải hai, ý nghĩa đó sâu hơn. “Tập tương viễn”, tánh mà Mạnh Tử và Tuân Tử nói là tập tánh, tập tánh này dần dần đã xa lìa bản tánh. “Tương viễn” tức là đã xa lìa bản tánh, trong Phật pháp gọi là đã mê mất bản tánh. Tập tánh đã mê mất bản tánh, vừa mê liền không biết quay đầu, mê không biết đường về, không biết quay đầu. Không quay đầu thì càng mê càng sâu.

Mười pháp giới, từ pháp giới Phật đến pháp giới Bồ-tát, Duyên Giác, Thanh Văn, đến lục đạo, thẳng đến tam đồ, càng mê càng sâu, thật sự là đời sau tệ hơn đời trước. Đây là hiện tượng thực tế. Cho nên làm khổ lụy chư Phật Bồ-tát phải ở trong lục đạo, mười pháp giới giáo hóa chúng sanh. Người căn tánh lanh lợi, có duyên với Phật Bồ-tát, nghe thấy lời khuyên nhủ thì dễ dàng giác ngộ, chịu quay đầu, đây gọi là được độ. Người duyên phận cạn, không gặp được Phật Bồ-tát thì vô phương rồi. Gặp được Phật Bồ-tát, nghe Phật Bồ-tát chỉ dạy, không thể tin sâu, không thể phụng hành thì vẫn tạo nghiệp đọa lạc như xưa. Nhưng mà nhìn chung ở trong A-lại-da thức đã gieo thiện căn, chỉ là thiện căn yếu kém, phiền não tập khí lớn mạnh, thiện căn không thắng nổi tập khí phiền não, cho nên vẫn phải luân hồi trường kiếp. Chúng ta đời này gặp được Phật pháp, rất may mắn có thể tín thọ phụng hành, phải nên biết đó là thiện căn mà vô lượng kiếp đến nay, đời đời kiếp kiếp nghe pháp tích lũy mà thành, đời này khởi tác dụng; khởi tác dụng thì được độ. Chư Phật Bồ-tát từ bi, gọi là “ở trong cửa Phậ không bỏ một ai”.

Hôm qua, hội trưởng Lý kể với tôi là hai ngày trước, có một lão cư sĩ hơn 60 tuổi bị bệnh rất nặng, thường xuyên niệm Phật ở trong Niệm Phật đường chúng ta. Bà nói với cư sĩ Lý là bà muốn vãng sanh, xin cư sĩ Lý thay bà lo hậu sự. Cư sĩ Lý nói: “Ngày 26 tôi phải đi Trung Quốc. Nếu bà muốn vãng sanh, nhất định phải trước ngày này, tôi mới có thể thay bà lo hậu sự được. Nếu như bà vãng sanh sau thời gian này thì tôi không thể giúp bà được”. Bà nói: “Được” và bà đã đi vào ngày hôm qua (hôm qua là ngày 20), lúc năm giờ chiều, bà đã nói với hội trưởng mấy ngày trước. Hôm qua lúc năm giờ chiều, một giây một phút cũng không sai, bà đã đi rồi. Cư sĩ Lý nhận lời lo hậu sự cho bà. Ông nói, ngày 25 thì việc hậu sự mới làm viên mãn. Sau khi lo hậu sự, ngày 26 đi Trung Quốc. Sự việc này không chỉ một lần, trước đây cũng đã gặp nhiều lần rồi, không những biết trước giờ đi, còn có thể đi trước, cũng có thể kéo dài thêm, ở trong Phật pháp gọi là “sanh tử tự tại”. Bà có thể đi trước, có thể đi sau, muốn đi ngày nào thì đi ngày đó, đây chính là sanh tử tự tại. Quí vị phải biết, đây gọi là chúng sanh căn đã chín muồi. Bà thật sự thành tựu, bà đi đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc làm Phật rồi. Cho nên tôi thường nói, đạo tràng thù thắng, Niệm Phật đường thù thắng không phải là có người nhiều, mà người thật sự vãng sanh được bao nhiêu người, cái này gọi là thù thắng. Chúng ta thấy trong Tây Phương Xác Chỉ, nhóm cộng tu của Bồ-tát Giác Minh Diệu Hạnh chỉ có mười hai người và mười hai người này đều vãng sanh. Bạn nói, sự việc này thù thắng cỡ nào! Sự thù thắng phải nhìn từ chỗ này. Người nhiều là náo nhiệt, không phải thù thắng.

Niệm Phật vì sao có thể vãng sanh? Những đạo lý, phương pháp, cảnh giới này, chúng ta hiện nay đã tương đối hiểu rõ rồi. Tu học như lý như pháp, đúng như điều mà Đại đức xưa nói là “vạn người tu vạn người đi”. Đây đều là chân tướng sự thật. Phàm là người tu hành không thể đi được là do bạn có lưu luyến đối với thế gian này, cũng gọi là không buông được. Đây mới là chướng ngại thật sự. Chúng ta mỗi ngày đọc tụng Đại Thừa, nhất định phải biết rõ thế gian này là hư huyễn, không phải chân thật. “Phàm cái gì có tướng đều là hư vọng”, “Tất cả pháp hữu vi như mộng huyễn bọt bóng”, bất kể sự việc gì đều không được cho là thật, chỉ có niệm Phật vãng sanh mới là chân thật. Hạ quyết tâm, người này chính là vô lượng thọ, chính là vô lượng quang. Vị lão cư sĩ hôm qua vãng sanh, trước khi bà vãng sanh, khi ở Niệm Phật đường niệm Phật, nhiễu Phật chính là vô lượng quang thọ. Vãng sanh là đang sống mà vãng sanh, không phải vãng sanh khi chết, Phật pháp gọi là Phật pháp hiện đời thành tựu. Đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc, cái túi da thối này không cần nữa, vứt đi rồi, đổi một thân thể khác giống như Phật A Di Đà vậy, trong Kinh nói với chúng ta là “tử ma chân kim sắc thân”, tướng hảo quang minh hoàn toàn tương đồng với Phật. Thế giới Tây Phương là thế giới bình đẳng, đây mới là thật. Ngoài cái này ra, toàn là giả. Cái giả để ở trong tâm làm gì? Chúng ta phải biết đạo lý này, phải hiểu rõ những chân tướng sự thật này.

/ 128