THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 46
Các vị đồng học xin chào mọi người.
Hôm qua tôi đã giảng đoạn “Sở tác tất thành, thần tiên khả ký”. Đây là đoạn cuối cùng nói về thiện báo của Cảm Ứng Thiên. Mục đích cuối cùng của Đạo gia là hy vọng thành thần tiên, mục đích tu hành của nhà Phật là thành Phật, còn mục tiêu của nhà Nho là thành Thánh Hiền. Nói tóm lại, đây đều là cảnh giới cao nhất của đời sống tu dưỡng. Tuy cách nói khác nhau, nhưng nguyện vọng tu học là cực kỳ giống nhau. Tam giáo đều là dạy người đoạn ác tu thiện, tu dưỡng tâm tánh mới có thể đạt đến cảnh giới này, nhưng chỗ mà Phật pháp nói rất là vi tế, bởi vì phiền não cực kỳ vi tế, không những là không dễ dàng đoạn, mà thật sự là rất khó phát hiện. Phiền não thô nặng thì dễ dàng phát hiện, nói ra chúng ta đều có thể lý giải; còn phiền não vi tế thì chúng ta không có cách gì lý giải, như vọng tâm, vọng niệm, cái mà Phật gọi là sát-na sinh diệt, đây là chỗ mà chúng ta không có cách gì nhìn thấy, cũng không có cách gì thể hội được.
Thần tiên chưa ra khỏi Tam giới, hay nói cách khác, những phiền não mà họ có thể chế phục được chính là kiến tư. Họ chế phục được kiến tư, nhưng hoàn toàn chưa đoạn. Trong Kinh Phật nói cho chúng ta biết, tứ thiền bát định đều là định công rất cao thâm, không phải công phu bình thường, ở trong cảnh giới này có thể nhìn thấy tình trạng của lục đạo luân hồi. Ở trong lục đạo, đặc biệt là cõi địa ngục, trong Kinh Địa Tạng nói với chúng ta rất hay, nếu như không phải Bồ-tát, hoặc không phải người tạo tác tội nghiệp thì chắc chắn không nhìn thấy địa ngục, thế nhưng người có định công rất sâu, họ có thể nhìn thấy cảnh giới này. Qua đó chúng ta biết, cảnh giới trong định đã đột phá được giới hạn của không gian và thời gian. Cho nên họ có thể nhìn thấy lục đạo, có thể nhìn thấy quá khứ, có thể nhìn thấy vị lai. Thiền định của Phật pháp còn sâu hơn cái này, phương diện mà họ nhìn thấy còn rộng hơn cái này. Họ có thể nhìn thấy tâm hạnh của tất cả chúng sanh trong hư không pháp giới, trong Lăng Nghiêm gọi là “tịnh cực quang thông đạt”, tịnh đến cực điểm.
Nói thực ra, tịnh đến cực điểm chính là bình thường chúng ta nói là buông xả, buông xả đến cực điểm. Ngay cả cái ý niệm buông xả này cũng buông xả luôn thì bản năng của tự tánh sẽ hoàn toàn hồi phục, hiệu quả của đoạn ác tu thiện, tu tâm dưỡng tánh viên mãn hiện tiền rồi. Thứ mà người thế gian mong cầu như công danh phú quí, khỏe mạnh trường thọ, đó là chuyện nhỏ, đương nhiên có thể cầu được. Quí vị đã nhìn thấy trong Liễu Phàm Tứ Huấn, trong chú giải của Cảm Ứng Thiên cũng có rất nhiều những điển hình này. Sự thay đổi vận mạng, nói thật ra, đó thuộc về sự thay đổi trên quả. Tại sao trên quả đã xảy ra thay đổi vậy? Do trên nhân đã xảy ra thay đổi. Nhân quả là tương ưng. Nhân là khởi tâm động niệm. Trước đây không hiểu những đạo lý này, khởi tâm động niệm tạo ác, tùy thuận phiền não, cho nên quả báo bất như ý. Khi tiếp nhận lời dạy của Thánh Hiền, hiểu rõ về sự việc này rồi, biết ác niệm, ác hạnh là sai lầm, có thể đem nó điều chỉnh trở lại, đây là hạ công phu trên nhân. Nhân thay đổi rồi, quả đương nhiên sẽ khác. Thiện nhân có thiện quả, ác nhân có ác báo, đây là sự thật. Thánh nhân Tam giáo đều dạy chúng ta như vậy. Ở trong Cảm Ứng Thiên trích dẫn chuyện này rất nhiều, quí vị đều có thể làm tham khảo.
Ở trong đây có một đoạn là Lý Đoan Nguyện thời triều Tống hỏi Thiền sư Đạt Quán là thiên đường, địa ngục rốt cuộc có hay không. Vấn đề này không phải là vấn đề của mỗi một mình ông, có rất nhiều người thắc mắc về vấn đề này, nhất là vào xã hội hiện nay, người đưa ra vấn đề này quá nhiều quá nhiều. Có lẽ bản thân chúng ta tương lai cũng sẽ gặp phải rất nhiều người đưa ra vấn đề này với chúng ta. Vấn đề này rốt cuộc là có hay không? Đạt Quán là thiền sư, nên dùng thiền ý để trả lời, cảnh giới của thiền. Ngài trả lời không sai, cái cảnh ý này rất cao, tôi nghĩ, người hiện nay có thể nghe hiểu được thì không nhiều. Câu trả lời của Ngài là: “Chư Phật nói có ở trong không, mắt thấy hoa đốm giữa hư không”. Ngài nói: “Thái úy ông thì tìm không ở trong có”. Tước vị của Lý Đoan Nguyện thời đó là Thái úy, địa vị này rất cao, làm quan lớn. Thiền sư nói với ông: “Tìm không trong có, mò trăng đáy nước”. Câu trả lời này rất hay. Nhưng mà ngày nay có người đưa ra vấn đề này với chúng ta, chúng ta đem hai câu nói này trả lời họ, chắc chắn họ không hiểu. Người hiện nay hỏi thì chúng ta thẳng thắn nói cho họ biết là sự việc này chắc chắn có. Tại sao nói chắc chắn là có vậy? Không giống như câu trả lời của thiền sư, câu trả lời của thiền sư là “chẳng có chẳng không”, cái cảnh giới đó cao. Tại sao nói chắc chắn là có vậy? Bởi vì bạn có tâm, bạn có tâm thì có, bạn vô tâm thì không, đây là chân tướng sự thật. Có tâm, cái tâm này là ý niệm, bạn có ý niệm thì có, bạn không có ý niệm thì không. Ý niệm là gì vậy? Vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Lục đạo là do vọng tưởng, phân biệt, chấp trước biến hiện ra. Thập pháp giới cũng là do vọng tưởng, phân biệt, chấp trước biến hiện ra, ở trong đó không có chấp trước. Cho nên xa lìa vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, không những lục đạo không có, mà thập pháp giới cũng không có. Chúng ta phải hiểu được đạo lý này. Đạo lý này đã hiểu rồi, chúng ta mới biết được đoạn tất cả ác, tu tất cả thiện là lẽ đương nhiên.