THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 45
Mời xem hai đoạn 33, và đoạn 34:
“Sở vị thiện nhân, nhân giai kính chi, thiên đạo hựu chi, phước lộc tùy chi, chúng tà viễn chi, thần linh vệ chi”. (Người được coi là thiện nhân ai cũng đều kính trọng, đạo trời giúp đỡ họ, phước lộc thuận theo, các thứ tà quái tránh xa, do họ được thần linh hộ vệ.)
Tiêu chuẩn làm người thiện rất nhiều, tiêu chuẩn cao nhất đó là đại Thánh đại Hiền, trong Kinh Vãng Sanh gọi là “nơi các bậc thượng thiện cùng hội tụ”. Câu nói này không phải là Phật tùy tiện nói, mà thật sự là Phật đã lập ra tiêu chuẩn cho chúng ta. Tiêu chuẩn này chính là “Tịnh Nghiệp Tam Phước” ở trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật. Ba điều mười một câu đều làm được thì đó chính là thượng thiện. Nếu như làm được hai điều phía trước, một điều phía sau chưa làm được thì đó là trung thiện. Nếu chỉ có thể làm được điều thứ nhất, còn điều thứ hai và điều thứ ba chưa làm được thì là hạ thiện. Thế nhưng điều thứ nhất người làm được không nhiều, cho nên người niệm Phật nhiều, mà người vãng sanh ít. Tại sao vậy? Sanh về Thế giới Tây Phương Cực Lạc nhất định phải là người thiện.
Ở trong điều thứ nhất có bốn câu; câu thứ nhất là “hiếu dưỡng phụ mẫu”, câu thứ hai là “phụng sự sư trưởng”, câu thứ ba là “từ tâm bất sát”, câu thứ tư là “tu thập thiện nghiệp”. Bốn câu này chúng ta có làm được hay chưa? Nếu như bốn câu này bạn chưa làm được thì cho dù bạn niệm Phật ngày đêm không gián đoạn, cổ nhân gọi là bạn niệm đến mức giống như tường đồng vách sắt, nhưng vẫn không thể vãng sanh. Tại sao vậy? Vì bạn không phải người thiện. Thế giới Cực Lạc là nơi người thiện tụ hội, không những là người thiện, mà là người thượng thiện tụ hội, vậy bạn sao có thể đến đó được? Trong Kinh Vô Lượng Thọ nói điều kiện với chúng ta là “phát Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm”.
Câu “phát Bồ-đề tâm” này là ở chỗ nào vậy? Trong Tam Phước, câu đầu tiên của điều thứ ba: “Phát Bồ-đề tâm, thâm tín nhân quả, đọc tụng Đại Thừa, khuyến tấn hành giả”, đây là thượng thiện. Cho nên, người phát tâm Bồ-đề chính là người thượng thiện. Thế nào gọi là tâm Bồ Đề? Tâm Bồ-đề là tâm giác ngộ chân chánh. Bồ-đề là tiếng Phạn, ý nghĩa là giác ngộ, thật sự giác ngộ rồi. Tiêu chuẩn của giác ngộ là gì? Trong Kinh Kim Cang nói “phàm cái gì có tướng đều là hư vọng”, đây chính là tiêu chuẩn của giác ngộ. Nếu như bạn đối với câu nói này thật sự giác ngộ rồi, thì cái gì bạn cũng buông xả hết, làm gì còn có cái không thể buông xả chứ? Là hư vọng mà, không có gì mà không buông được! Buông xả được thì không còn là phàm phu, mà là đại Thánh. Đại Thánh đã buông xả triệt để rồi. Câu Kinh văn này chúng ta đọc rất quen thuộc, nhưng mà đạo lý bên trong vẫn chưa có thấu. Chúng ta chưa buông xả là chúng ta chưa có giác ngộ. Phật dùng ví dụ nói cho chúng ta biết, chân tướng của vũ trụ nhân sinh “như mộng huyễn bọt bóng, như sương như điện chớp”, bảo chúng ta “nên quán sát như thế”. Cách nhìn như vậy là cách nhìn của chư Phật Như Lai, là cách nhìn chân thật nhất, không hề thấy sai tí nào cả. Thật sự thấy tất cả pháp rõ ràng, thấy minh bạch rồi, bạn vẫn còn có lo buồn, còn có phiền não sao? Trong tâm bạn còn có vướng bận sao? Không có, không lo nghĩ gì nữa. Đó chính là chỗ mà Đại Sư Huệ Năng đã nói: “Xưa nay không một vật, chỗ nào dính bụi dơ”. Tại sao Ngài có thể làm được? Đối với hai câu nói của Phật, Ngài thật sự hiểu rõ rồi, đây chính là tâm Bồ-đề. Tâm Bồ-đề hiện tiền, thực hiện vào trong đời sống thì hiếu dưỡng phụ mẫu mới có thể làm viên mãn.
Sao gọi là hiếu? Phần trước đã nói với quí vị rất nhiều rồi, cổ nhân nói rất hay, chữ “hiếu” này là gộp cha mẹ, anh em, vợ chồng, con cái thành một người, đây là hiếu. Nó không phải phân chia ra, mà nó là một chỉnh thể. Cha con, anh em, vợ chồng, con cái là một chỉnh thể. Chúng ta xem ra cũng khá, nói thật là có mấy phần giống, là tiểu hiếu. Bạn thử xem chư Phật Như Lai, Pháp Thân Đại Sĩ, các Ngài gộp hư không pháp giới tất cả chúng sanh thành một thể, cái hiếu này mới viên mãn. Nếu chúng ta đối với cha mẹ, anh em, vợ chồng, con cái, “anh là anh, tôi là tôi”, thì là đại bất hiếu. Ý nghĩa của chữ “hiếu” bạn cũng không hiểu thì bạn làm sao thực hiện được? Chư Phật Như Lai, chư đại Bồ-tát, các Ngài đương nhiên là như ở đây đã nói: “Nhân giai kính chi, thiên đạo hựu chi”. Chữ thiên đạo đó là thiên thần phù hộ họ, bảo vệ họ. Họ gộp tất cả chúng sanh trong hư không pháp giới thành một thể, cho nên mới có cảm ứng như vậy, đó mới gọi là người thiện chân thật. Chúng ta tự mình thử nghĩ, đến khi nào mới có thể đạt đến trình độ này? Nói ở trên lý, chỉ trong khoảng một niệm, chỉ cần bạn đem ý nghĩ chuyển trở lại, bạn liền chuyển phàm thành Thánh, liền chuyển mê thành ngộ. Ý nghĩ không chuyển lại được thì vĩnh viễn trầm luân trong sinh tử của phàm phu. Ý nghĩ chuyển trở lại rồi, liền siêu phàm nhập Thánh.