/ 128
720

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 44


Các vị đồng học xin chào mọi người. Xin xem đoạn thứ 33:

 Sở vị thiện nhân”. (Gọi là người hiền thiện)

Đoạn này chỉ có một câu bốn chữ. Bắt đầu từ chỗ này đến “Thần tiên khả ký” là nói về người thiện. Từ câu ba mươi ba đến câu ba mươi lăm, văn tự không dài, đều là nói thiện báo.

Gieo nhân thiện nhất định được quả thiện. Phước báo của người thiện không những rất lớn, mà chắc chắn là không sai. Lịch sử trong và ngoài nước, xưa nay chúng ta nhìn thấy, ở xã hội hiện nay chỉ cần lưu ý quan sát thì cũng có thể thấy rất rõ ràng, nhân duyên quả báo không mảy may sai chạy.

Thiện báo như thế, ác báo cũng như thế. Chúng ta chỉ cần quan sát tỉ mỉ thì sẽ thấy, Nho gia gọi là “không phải không báo, do chưa đến lúc”. “Do chưa đến lúc”, câu nói này cũng có đạo lý. Do trong đời quá khứ dư phước (phước lành còn sót lại), dư ác (quả báo xấu ác còn sót lại), đời này hành thiện nhưng chưa đạt được quả thiện là do nghiệp ác trong đời quá khứ quá nhiều, cho nên ác báo mà ta thọ nhận chưa hết, nên thiện báo không thể hiện tiền. Đây là nguyên nhân vì sao tu thiện mà chưa đạt được thiện quả. Người tạo ác vẫn hưởng phước là do trong đời quá khứ họ tích phước nhiều, tích thiện nhiều, phước thiện của họ chưa hưởng hết, đời này họ làm ác, khi phước dư của họ hưởng hết rồi thì quả báo liền hiện tiền. Đạo lý là như vậy. Người lơ là sơ ý, họ chỉ thấy trước mắt, cho nên có khi nảy sinh cách nghĩ sai lầm là người làm ác hưởng phước, người hành thiện thọ khổ, thế là ý nghĩ đoạn ác tu thiện của họ không còn nữa. Đây là cách nhìn sai lầm, cách nghĩ sai lầm.

Trong chú giải có mấy câu nói rất hay, nói cho chúng ta một tổng nguyên tắc như thế nào là thiện. “Cốt lõi của thiện nhân được bắt nguồn từ chỗ chẳng lầm lẫn giữa đúng và sai, tức là trí và dũng đều trọn vẹn. Cuối cùng là [kiến chấp có] ta và người hai đằng đều chẳng còn, ắt nhân từ và khoan dung sẽ cùng được hành.”. Hai câu nói này rất hay, đều nói đến thiện thế gian và thiện xuất thế gian. Cho nên văn tự của Cảm Ứng Thiên là của Đạo giáo, nhưng phần chú giải có Nho gia, có Đạo gia, có nhà Phật đều hòa hợp cùng nhau, thật vô cùng hiếm có. Lời dạy của cổ Thánh tiên Hiền thảy đều ở trong đó.

Một việc lo buồn nhất của cả đời Khổng Lão Phu Tử chính là “Học mà không giảng giải, có lỗi mà không sửa”. Từ nỗi lo buồn của Phu Tử, chúng ta có thể tự kiểm tra thấy, Thánh nhân, tại sao có thể gọi họ là Thánh nhân? Phật Bồ-tát, tại sao các Ngài có thể tu thành Phật Bồ-tát? Hai sự việc này của Phu Tử, nếu như bạn hiểu rõ ràng, hiểu minh bạch thì đáp án này bạn đã tìm ra rồi, một cái là dạy học, một cái là sửa lỗi. Dạy học là giải môn, sửa lỗi là hành môn; giải hành tương ưng, định tuệ đẳng học, vậy mới có thể trở thành đại Thánh đại Hiền, nhà Phật gọi là siêu phàm nhập Thánh.

Khổng Lão Phu Tử cả đời dạy học, sửa lỗi, mỗi ngày đều sửa lỗi. Thích-ca Mâu-ni Phật cũng vậy, 49 năm mỗi ngày dạy học, mỗi ngày sửa lỗi, khuyên người sửa lỗi. Đây là điểm chúng ta cần phải học. Ý nghĩa ở đây vô cùng sâu, vô cùng rộng. Phàm phu không biết mình có lỗi lầm. Chúng ta thử nghĩ ở trong Phật pháp Đại Thừa, đến Bồ-tát Đẳng Giác vẫn còn đang sửa lỗi. Chúng ta muốn hỏi Bồ-tát Đẳng Giác còn lỗi lầm gì? Họ còn một phẩm sanh tướng vô minh chưa phá, đây chính là lỗi lầm của họ. Bồ-tát Đẳng Giác còn như thế, chúng ta đâu có chuyện không có lỗi lầm. Cho nên, bạn có thể phát hiện lỗi lầm của bạn là bạn đã giác ngộ rồi, đem lỗi lầm sửa trở lại, đây gọi là tu hành chân chánh, đây chính là người thiện. Ở trong chú giải nói là “cốt lõi của người thiện”.

Làm thế nào mới được gọi là người thiện? “Chẳng lầm lẫn giữa đúng và sai”, đây là nói khởi đầu ở mức thấp nhất. Họ có năng lực phân biệt đúng sai, họ có năng lực phân biệt tà chánh, họ có thể phá tà pháp, hành chánh đạo, cho nên “trí và dũng đều trọn vẹn”. Trí là có thể phân biệt, dũng là có lấy bỏ, lấy thiện bỏ ác, đây là người thiện.

“Chung” là nói đến cảnh giới cao. Cảnh giới cao nhà Phật gọi là “quên cả nhân ngã”, trong Kinh Kim Cang nói là “phá bốn tướng”; không tướng ngã, không tướng nhân, không tướng chúng sanh, không tướng thọ giả thì tâm đại từ bi bộc lộ ra, đây chính là người đại thiện. Từ trên tiêu chuẩn này của Ngài mà nói, người đại thiện là Phật Bồ-tát, người tiểu thiện là Hiền nhân quân tử của thế gian. Câu nói này chúng ta phải đặc biệt coi trọng. Tại sao vậy? Ở trong Kinh luận Phật nói rất nhiều về “thiện nam tử, thiện nữ nhân”, các bạn đọc quá nhiều rồi, vậy các bạn thử nghĩ, tâm hạnh của mình có phù hợp với tiêu chuẩn ở trong Kinh Phật nói hay không? Khi chúng tôi nghiên cứu Kinh giáo cũng đã từng nhắc qua với quí vị, nhà Phật nói “thiện nam tử, thiện nữ nhân” cũng có ba phẩm thượng, trung, hạ. Bậc hạ phẩm là nói tiêu chuẩn của thiện ở mức thấp nhất. Chúng ta dùng Tịnh Nghiệp Tam Phước để nói thì mọi người dễ hiểu, đây cũng là ý của Phật.

/ 128