/ 128
739

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 43

 

Hôm qua tôi giảng đến “Thi ân bất cầu báo, dữ nhân bất truy hối” (Ban ân chẳng mong được báo đáp, đã cho người khác sẽ chẳng hối hận). Hai chữ “thi ân” chúng ta phải chú ý, “thi ân” là bố thí ân đức, làm thiện cho người. Trong các buổi giảng chúng tôi thường nói là phải thường giữ tâm thuần thiện, ý nghĩ thuần thiện, niệm niệm suy nghĩ cho người khác, đây là bố thí ân đức.

Bố thí ân đức là cách nghĩ của Ngài, là cách nói của Ngài. Nếu bản thân chúng ta vẫn còn có một niệm tâm bố thí ân đức là sai rồi. Sai ở đâu vậy? Chúng ta dính tướng rồi. Dính tướng là không viên mãn, dính tướng là nhân thiện ở trong tam giới lục đạo, không tương ưng với tánh đức. Đạo lý này rất sâu, rất rộng, người học Phật không thể không biết. Nếu bạn không biết thì không có được tâm thanh tịnh. Quí vị phải biết rằng, tâm thanh tịnh mới là chân thiện, là đại thiện.

Hôm qua chúng tôi tham gia buổi đại hội biểu dương các bà mẹ vĩ đại của Hồi Giáo. Chúng tôi không biết buổi lễ này lại là nơi tập trung những người có địa vị. Có ba vị Bộ trưởng, có sự tham dự của tiền tổng thống Singapore và ứng cử viên tổng thống sắp tuyển cử, ông Nathan cũng có tham dự, còn có một số Đại sứ của Đại Sứ Quán các nước. Chúng tôi trò chuyện ở trong phòng khách quý. Họ gặp tôi đều rất hoan hỷ. Họ nói với tôi, xem ra tôi rất trẻ, hỏi tuổi tác của tôi và sau đó hỏi tôi giữ gìn sức khỏe như thế nào. Tôi bèn nói với họ là “thanh tâm quả dục”. Thanh tâm quả dục không phải là không làm việc, việc gì cũng làm cả, làm rất nhiệt tâm, làm rất cần mẫn, nỗ lực, nhưng làm bằng cách nào? Không dính tướng, chú tâm mà làm. Nếu làm mà niệm niệm không quên, điều này thì không được.

Tôi giảng thanh tâm quả dục, giảng buông xả vọng tưởng, chấp trước, họ nghe xong đều hiểu. Nhưng vẫn khó, không dễ dàng làm được. Nói thực ra, có gì khó đâu? Khó ở chỗ là chưa thật sự hiểu rõ chân tướng vũ trụ nhân sinh, khó là ở chỗ này. Cho nên Thế Tôn năm xưa khi còn tại thế, trong 49 năm hằng ngày khai thị cho chúng ta chẳng qua là nói rõ sự thật này. Đã hiểu rõ sự thật rồi thì không khó. Sự thật là gì vậy? Năng đắc và sở đắc đều không thể được. Nhà Phật thường nói: “Vạn pháp giai không”, bạn vẫn còn khởi vọng tưởng sao?

Tiên sinh Viên Liễu Phàm hiểu rồi, ông hiểu vẫn chưa phải là đạo lý rất sâu này, chỗ ông hiểu chẳng qua là đạo lý nhân quả báo ứng, “giọt nước hạt cơm đều do tiền định”, đây là sự tướng trên sự. Bạn ở trong đời này, công danh, phú quý, yểu thọ, bần tiện đều là do trong đời quá khứ tu mà có, quả báo cảm được trong đời này không mảy may sai chạy. Đây là chân tướng rất thô thiển trên sự tướng, ông đã hiểu rồi. Sau khi hiểu rồi, ông liền như như bất động, vọng tưởng, phân biệt, chấp trước tuy chưa đoạn, nhưng nhẹ rồi, so với người bình thường đã nhẹ hơn rất nhiều, rất nhiều rồi. Ông ngồi ở trong thiền đường với Thiền sư Vân Cốc ba ngày ba đêm mà không khởi một vọng tưởng nào. Nguyên nhân gì vậy? Ông hiểu rồi, ông hiểu “giọt nước hạt cơm đều do tiền định” nên ông buông xả. Thế nhưng đây vẫn chưa phải là chân tướng sự thật. Người hiểu rõ chân tướng sự thật, tâm mới thật sự thanh tịnh. Tiên sinh Liễu Phàm sau khi gặp được Thiền sư Vân Cốc, Ngài đã khai thị cho ông. Ông phát tâm đọc sách, cầu đạt được công danh, cải tạo vận mệnh của mình. Ông là tấm gương tốt của người thế gian, tấm gương tốt của chúng sanh lục đạo, chưa phải là người học Phật. Tuy không phải học Phật, nhưng đó là nền tảng tốt cho việc học Phật. Học Phật quả thật xây dựng từ trên nền tảng này, đây là điều không thể phủ nhận.

Phật pháp là đại thiện thế xuất thế gian. Đại thiện nhất định xây dựng trên căn bản của tiểu thiện, đạo lý này hiện nay rất ít người hiểu được. Vào thời xưa người hiểu được nhiều, nhưng chưa chắc có thể làm được. Tại sao làm không được vậy? Có hai nguyên nhân, thứ nhất là hiểu chưa đủ triệt để, thứ hai là buông không được tập khí phiền não, không ngăn nổi sự cám dỗ của danh vọng lợi dưỡng. Chúng ta hiểu rõ rồi, sau khi hiểu rõ rồi thì phải biết làm như thế nào. Phải nương theo lời dạy của Phật thì chắc chắn không sai, dùng thiện tâm thiện hạnh giúp đỡ người khác. Người ta lừa gạt chúng ta, chúng ta vẫn phải dùng thiện tâm, thiện hạnh đối xử với họ, quyết không thể bởi vì họ lừa gạt ta, mà ta bèn lẩn tránh, không muốn quan tâm họ, vậy chúng ta vẫn là khởi tâm động niệm, chúng ta vẫn là rơi vào trong phân biệt, chấp trước. Người ta có thành ý đối với ta hay là lừa gạt ta, chúng ta không thể không biết, không biết là mê muội. Mọi thứ rõ ràng, một chút cũng không mê muội, nhưng chúng ta vẫn dùng tâm chân thành đối xử với người, đây là Phật Bồ-tát, hạnh Bồ-tát, đây là chân thật thi ân.

/ 128