/ 128
1.356

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 40


Các vị đồng học, xin chào mọi người.


Hôm nay chúng ta xem tiếp đoạn thứ 31 của Cảm Ứng Thiên: "Thọ sủng nhược kinh” (được sủng ái mà lo sợ).


Câu này nói về “vô si”, cùng hai câu phía trước liên kết lại thì ba câu này chính là ba thiện căn mà nhà Phật đã nói. Ý nghĩa của câu nói này rất sâu, thật không dễ gì thể hội được.


“Vinh sủng”, người hiện tại gọi là vinh dự. Người khác cho chúng ta cái danh dự, chúng ta chính mình phải nghĩ xem, cái vinh dự này nên có hay không? Nếu như không nên có được mà lại có được thì nhất định không phải là việc tốt. Lão Tử đã nói: “Họa là chỗ dựa của phúc, phúc là nơi ẩn náu của mối họa”. Lời nói này rất có đạo lý. Cho dù vinh dự này đáng nên có thì cũng phải hết sức khiêm tốn, nếu không mà nói thì sẽ rước lấy họa hại. Họa hại gì vậy? Nếu các vị bình tâm quán sát thì không khó thấy được, những sự đố kỵ chướng ngại quá nhiều. Nếu bạn làm việc tốt, bạn là người tốt, xã hội các nơi biểu dương bạn, nhưng rất nhiều người xem thấy trong lòng không phục, nhất là thời đại này. Vào thời xưa, lòng người thuần hậu, nói cách khác, người đố kỵ ít, không phải không có. Người hiện đại đã hoàn toàn không có duyên phận để tiếp nhận giáo dục của Thánh Hiền. Từ nhỏ thứ họ thấy, nghe, học tập được đều là tranh danh đoạt lợi, vì vậy khi xem thấy sự vinh sủng của người khác, họ có thể cho qua được hay không? Cho nên ở thế gian hiện tại này, làm việc tốt rất khó. Làm việc tốt, bị người hủy báng, người người nhục mạ, nhưng họ vẫn có thể tồn tại. Còn làm việc tốt, mà thường được người tán dương thì sợ rằng họ sẽ không được dài lâu. Các vị thử nghĩ xem, hiện tại xã hội này có phải vậy không? Cho nên, câu nói này ngày nay chúng ta xem thấy thì cảm xúc rất là sâu sắc. Chúng ta phải hiểu đạo lý, sau khi rõ lý thì liền biết được chúng ta phải nên làm như thế nào. Bất luận làm bất cứ việc gì, càng là việc tốt to lớn thì tư thế càng phải thấp, càng hạ mình càng thấp càng tốt. Làm việc tốt, không để cho người biết thì càng tốt. Cảm Ứng Thiên nói cho chúng ta nghe về tích âm đức, âm đức chính là làm việc tốt mà không cần phải cho người biết, để cho người biết thì không phải là việc tốt nữa rồi. Thế nhưng ngày nay thông tin rất phát triển, làm được một chút việc tốt liền có một số ký giả nghe ngóng được tin tức đều đến biểu dương bạn, người khác xem thấy thì đố kỵ, chướng ngại, đến gây phiền phức. Những sự việc này chúng ta có suy nghĩ qua hay không? Việc xấu nhất định không thể làm, việc tốt thì phải nên làm. Làm việc tốt, sự việc quan trọng nhất là quyết không được cầu báo đáp, nếu có cái nhân mong cầu phước báo thì không những phước không thể có, mà ngược lại còn có họa hại. Vào thời xưa có, hiện tại thì càng nhiều. Nói như vậy thì có nên đi làm việc tốt hay không? Xin nói với các vị, việc tốt phải nên làm, nhất định phải làm. Vì ai mà làm? Vì chúng sanh mà làm, mong cầu xã hội an định, thế giới hòa bình, quyết định không phải vì chính mình mà làm.


Hôm qua tôi xem xong băng ghi hình của cư sĩ Tề. Bà kể những sự việc có thật gần đây nhất, một người vào ban đêm kéo một chiếc xe với năm người ở trên, năm người này không phải là người mà là năm con quỷ, kéo đến cửa nhà của một người nọ, họ liền bước vào, là đi đầu thai, đầu thai vào bụng heo, heo nhà người đó sanh ra năm con heo con. Việc này chứng tỏ sáu cõi luân hồi là thật, không phải là giả. Những sự việc này rất nhiều. Lần trước cư sĩ Lôi ở Hong Kong cũng đã nói cho chúng ta nghe sáu cõi luân hồi là thật, đích thân ông đã trải qua, ông đã kể với chúng tôi, chúng tôi cũng đã dùng máy ghi hình để ghi lại. Các vị cũng thường xem thấy những sự việc này, nghe qua sự việc này rồi, đây không phải là giả, không phải mê tín, thế nên vấn đề là tầm nhìn của chúng ta phải xa một chút. Chúng ta đời sau đi đến cõi nào, có biến thành heo hay không, có thể biến thành độc xà, mãnh thú hay không? Sau khi chết thì đi đến nơi nào, đều ở trong một niệm. Phật nói với chúng ta, một niệm sau cùng quyết định bạn sẽ đi đến cõi nào.


Phật Bồ-tát, Tổ sư Đại đức khuyên chúng ta niệm Phật. Đó là việc tốt. Nhưng niệm Phật có thể vãng sanh hay không, quyết định là ở một niệm sau cùng, một niệm sau cùng là niệm Phật, vậy thì chắc chắn vãng sanh. Nếu một niệm sau cùng mà thay đổi, có một việc không vui, quên đi Phật hiệu, khởi lên một niệm tâm sân hận thì đi vào ba cõi ác; một niệm tâm tham ái thì có lẽ bạn sẽ đi đến ba đường lành, do bạn tham ái phú quý trời người. Quyết định ở một niệm sau cùng. Do đó, chúng ta là người học Phật thì phải biết rằng sức tín tâm và nguyện lực phải mạnh. Bất luận là thuận cảnh hay nghịch cảnh, vĩnh viễn không thay đổi thì chúng ta mới đạt đến được mục tiêu mong cầu của chính mình. Vì vậy việc đoạn ác tu thiện, tích công bồi đức, chúng ta thường nói là dùng những công đức này hồi hướng Tịnh Độ, hồi hướng Bồ-đề, hồi hướng cho chúng sanh, không vì chính mình. Chúng ta ngay đời này tiếp nhận kiết hung họa phước cũng không hề gì, tâm địa thản nhiên, không để ở trong lòng, thế nhưng nhất định phải đoạn ác tu thiện, nhất định phải tích công bồi đức, tuân theo giáo huấn của Phật Bồ-tát mà làm là chính xác. Tâm lượng nhất định phải mở rộng.

/ 128