/ 128
840

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 41


Các vị đồng học, xin chào mọi người.

Chúng ta đã đọc qua ba tiết phía trước của Cảm Ứng Thiên là:

"Thôi đa thủ thiểu

Thọ nhục bất oán"

Thọ sủng nhược kinh".

Nhà Phật nói, "Thôi đa thủ thiểu" ([Khi phân chia], nhường cho người khác phần nhiều, giữ cho mình phần ít) là không tham; "Thọ nhục bất oán" (Bị nhục chẳng oán) là không sân; "Thọ sủng nhược kinh" (Được sủng ái mà lo sợ) là không si. Đây chính là ba thiện căn mà trong Kinh điển thường nói. Ba câu mười hai chữ này dạy chúng ta làm thế nào thực tiễn ba thiện căn này, làm thế nào áp dụng vào trong cuộc sống thường ngày, nơi nơi đối nhân xử thế tiếp vật, như vậy mới không đến nỗi luống uổng.

Người thông thường rất không dễ dàng sống ở trong hoàn cảnh tịch tịnh, cho nên cái vui trong tịnh chỉ có đại Thánh đại Hiền mới có thể làm được. Người phàm, nếu như không có việc gì thì họ liền nghĩ tưởng lung tung, liền nghĩ càn làm quấy. Đây là do nguyên nhân gì? Ba độc phiền não tham sân si quá nặng, quá nhiều. Đạo lý cùng chân tướng sự thật này, chúng ta đều phải tường tận. Cần phải đem sự việc này sửa đổi, đây mới là công phu tu hành. Nhất là người đọc sách, người làm học vấn, nếu không khéo dụng tâm thì học nghiệp, đạo nghiệp chắc chắn không thể thành tựu.

Chúng ta xem người của nửa thế kỷ về trước, cư sĩ Giang Vị Nông, cư sĩ Từ Úy Như, những đại cư sĩ này ở tại gia; trong xuất gia như Đại Sư Ấn Quang, Pháp sư Đế Nhàn, các vị đều quen biết Pháp sư Viên Anh, Pháp sư Tánh Từ, những vị này thế gian gọi là người đọc sách, người làm học vấn. Các Ngài có thể đem tinh thần thời gian chuyên chú vào pháp môn chính mình đã học, đã tu. Thực tế mà nói, một ngày 24 giờ đồng hồ họ không đủ dùng, họ làm gì có thời gian để khởi vọng tưởng, làm gì có thời gian để làm những việc ngoài bổn phận của chính mình? Những việc này đáng để chúng ta tham khảo, cũng đáng để chúng ta cảnh giác. Cho nên ở trong Kinh Phật khuyến khích người học, thứ nhất là phải "phát tâm Bồ-đề". Người chân thật phát tâm Bồ-đề, tu hành chứng quả làm gì phải cần đến ba đại A-tăng-kỳ kiếp? Ngay đời này chắc chắn thành tựu. Chúng ta xem thấy Thiện Tài Đồng Tử ở trong Kinh Hoa Nghiêm, Thiện Tài Đồng Tử vì sao có thể ngay đời thành tựu? Chân thật "phát tâm Bồ-đề". Chân thật phát tâm Bồ-đề, dùng lời thế gian chúng ta mà nói, Ngài chân thật là tận trung, hành hiếu. Trung thành với cương vị của chính mình, đây chính là chân thật phát tâm Bồ-đề. Làm công việc bổn phận của chính bạn đến tận thiện tận mỹ, toàn tâm toàn lực chuyên chú mà làm, đó chính là phát tâm Bồ-đề. Thế xuất thế gian bất luận là ngành nghề nào, một lòng chuyên chú thì thành công, không chỉ thành công mà còn thành công viên mãn. Phàm hễ không làm đến được viên mãn là bạn chưa tận tâm, chưa tận lực.

Ba thiện căn dạy chúng ta, thuần là tâm thiện, thuần là ý thiện. Tâm thiện là thể. Trong tâm thiện quyết định không có ác niệm. Tâm thiện quyết không phải cái thiện của thiện ác mà chúng ta thường nói. Thiện của thiện ác không phải là tâm thiện, mà tâm thiện chính là tâm Bồ-đề, tâm thiện chính là tâm thanh tịnh, tâm chí thành, bên trong không có thiện ác, không có chân vọng, không có tà chánh. Kinh Duy Ma Cật nói "bất nhị pháp môn" là chân thiện. Thế giới Tây Phương Cực Lạc là "chư thượng thiện nhân câu hội nhất xứ", là người như vậy, không phải người thiện trong thiện ác. Người thiện trong thiện ác còn kém rất xa, đó chỉ là người của ba đường thiện. Chúng ta phải nhận biết rõ ràng.

Tâm địa thuần chánh đến tột điểm, chân thành đến tột điểm, thuần là tâm thiện, cũng chính là thuần là tâm chân thật, thuần là tâm thanh tịnh. Tâm thiện khởi dụng, đây là ý thiện. Ý thiện là nghĩa thứ hai, tâm thiện là nghĩa thứ nhất. Ý thiện là gì? Là đại từ đại bi, từ trong tâm thiện mà sanh ra. Việc này chúng ta phải nên hiểu. Đối với tất cả người, đối với tất cả việc, đối với tất cả vật, thuần nhất ý thiện. Ý thiện chắc chắn không có ý niệm ác.

Ý niệm ác là gì? Các vị luôn phải biết, ý niệm tự tư tự lợi là ác niệm, bao gồm tất cả ác nghiệp đều là từ ý niệm này mà sanh ra. Người không có tự tư tự lợi thì họ chắc chắn sẽ không tạo ác nghiệp. Gốc của tự tư tự lợi, như trên Tướng tông đã nói là "ngã chấp". Đây là gốc, là gốc của sáu cõi luân hồi. Chỉ cần ý niệm này tồn tại thì bạn đừng nghĩ ra khỏi sáu cõi luân hồi. Sáu cõi luân hồi từ đâu mà ra? Chính là từ cái gốc này mà biến hiện ra, tự làm tự chịu. Cái gốc này, ở trong Tướng tông đã nói là "ngã si, ngã kiến, ngã mạn, ngã ái", bốn câu này các vị tỉ mỉ mà thể hội về chữ "ngã".

/ 128