THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 38
Hôm qua tôi đã giảng đến câu thứ hai mươi chín: “Thôi đa thủ thiểu” (nhường cho người khác phần nhiều, giữ cho mình phần ít). Dưới đây là câu thứ ba mươi: “Thọ nhục bất oán” (bị nhục chẳng oán), câu thứ ba mươi mốt: “Thọ sủng nhược kinh” (được sủng ái phải sợ). Ba câu này chính là ba thiện căn “vô tham, vô sân, vô si” mà nhà Phật nói.
Phật nói cho chúng ta biết, tất cả thiện pháp trong thế gian đều từ ba cái căn bản này mà sinh khởi, nói cách khác, ba thiện căn này có thể sinh ra vô lượng vô biên thiện pháp. Ngược lại của ba thiện căn là tham sân si tam độc. Tam độc phiền não có thể sinh ra vô lượng vô biên ác pháp. Câu nói này người xưa nay thường nói, có đồng tu học Phật nào mà chẳng biết? Tuy người nào cũng biết, nhưng có người nào chịu thật lòng đi làm? Không thể thật lòng làm là vì đối với ý nghĩa chân thật của ba thiện căn hoàn toàn chưa hiểu rõ. Ba độc, ba thiện căn là lợi - hại trực tiếp của chúng ta. Đây là sự nhận biết đối với tất cả pháp, có thể nói là ở mức thấp nhất. Người có trí huệ bậc cao có thể phân biệt chân vọng, tà chánh của vũ trụ nhân sinh. Người bậc trung có thể biện biệt thị phi, thiện ác. Người bậc hạ biết được lợi hại. Nói lời thành thật, ở trong Phật pháp, chúng ta ngay cả bậc hạ hạ căn cũng còn chưa được. Nguyên nhân ở đâu vậy? Lợi hại thiết thực đối với bản thân cũng không biết, vậy thì làm sao có thể cầu lành lánh dữ?
Sáng sớm hôm nay, thầy Ngộ Hoằng gởi đến hai bức thư điện tử qua máy vi tính. Hai bức thư này dường như đều là từ Mỹ gửi đến. Vấn đề mà hai người hỏi là giống nhau. Mọi người đều quan tâm mấy tháng sắp tới sẽ có tai nạn liên tiếp xảy ra. Rốt cuộc có xảy ra hay không, đều vẫn thuộc về tin đồn. Mấy hôm nay tôi giảng Kinh tại Hồng Kông, ở Hồng Kông cũng có đồng tu đến từ Canada và từ các nơi khác, họ nói với tôi là tai nạn chắc chắn sẽ xảy ra. Tôi hỏi họ: “Duyên cớ gì?”. Họ nói, họ cảm thấy có rất nhiều điềm báo trước, hiện tượng rất không tốt lành, khí hậu biến đổi thất thường, gió thổi vào cây thì cây đó bị chết, xưa nay chưa từng thấy, đã xảy ra rồi. Tâm người cũng thất thường, biến đổi thế nào vậy? Biến thành tê dại. Họ nói, thật sự có một số người dường như sống ở thế gian này không còn bình tĩnh nữa, họ bảo là có tai nạn này cũng hay, chết sớm càng tốt. Hiện nay người có quan niệm này rất nhiều, đây là hiện tượng bất thường. Tai nạn thật sự có xảy ra đột ngột, nhưng phần lớn vẫn là có điềm báo trước. Chỉ cần chúng ta thật bình tĩnh quán sát là có thể nhìn thấy rất rõ ràng. Mọi người quan tâm là làm sao có thể tránh khỏi tai nạn này. Các tín đồ tôn giáo trên toàn thế giới, bất luận họ tin tôn giáo nào, không có người nào mà không thành kính cầu nguyện. Sự thành kính cầu nguyện này có hiệu quả hay không? Chúng ta biết, hiệu quả là điều chắc chắn. Chúng ta cũng nghe được lời đồn đại này từ rất sớm. Cho nên Niệm Phật đường của Thôn Di Đà Cư Sĩ Lâm, trước khi vẫn chưa có cách gì xây dựng, thì trước tiên tận dụng tầng 4 của tòa nhà Cư Sĩ Lâm để mở Niệm Phật đường. Mấy tháng gần đây, Niệm Phật đường mở cửa 24 giờ, có không ít đồng tu đang niệm Phật ngày đêm không gián đoạn. Chúng ta là học trò của Phật, đã học theo Phật nhiều năm, lời dạy của Phật đối với chúng ta, ý nghĩa trong Kinh điển chúng ta đã thể hội được bao nhiêu? Khẳng định tất cả pháp mà Phật nói thật sự là lưu xuất ra từ trong tự tánh.
Đầu năm Dân Quốc, Đại Sư Âu Dương Cánh Vô nhắc nhở chúng ta, Ngài nói cho mọi người biết: “Phật pháp không phải tôn giáo, không phải triết học, mà là cái mà người hiện nay cần”. Cho nên Phật pháp không phải là duy tâm, cũng không phải là duy vật. Phật pháp rốt cuộc là gì vậy? Người xưa nói rất hay, những lý luận mà chư Phật Bồ-tát đã nói không gì ngoài tự tánh. Hết thảy sự tướng mà chư Phật Bồ-tát đã nói không gì ngoài nhân quả. Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu là nhân quả. Trồng đậu thì không thể được dưa, trồng dưa thì không thể được đậu. Trồng nhân gì thì sẽ được quả báo gì, sự việc này không phải duy tâm, duy vật, mà đây là chân tướng sự thật. Cho nên tôi giới thiệu Phật pháp với mọi người, lời Phật nói là gì vậy? Điều Phật nói là chân tướng sự thật của vũ trụ nhân sanh. Kinh Bát Nhã thường nói “chư pháp thực tướng”, đây là chư Phật Bồ-tát nói. Chư pháp thực tướng cũng chính là chân tướng sự thật, không nằm ngoài tự tánh và nhân quả. Do vậy, thiện tâm nhất định được thiện quả. Tai nạn hiện tiền, tôi đã nói rất nhiều lần, các nhà tôn giáo đều khuyên con người phải nên hối cải. Câu này cũng không phải không có đạo lý. Vì sao vậy? Vì tất cả tai nạn là do sự bất thiện của chính mình mà chiêu cảm đến. Trong kinh Phật đã nói nguồn gốc của vũ trụ, nguồn gốc của sinh mạng cho chúng ta biết. Mọi hiện tượng biến đổi trong thế gian, Phật nói là “duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”. Tâm với tánh đều rất khó hiểu, nhận thức ý nghĩa của chữ này chúng ta đều không hiểu. Cái tâm ở trong ý thức, trong tưởng tượng của chúng ta không phải là cái tâm mà Phật nói. Tại sao biết không phải cái tâm mà Phật nói vậy? Các vị thử đọc Kinh Lăng Nghiêm thì sẽ rõ ngay. Kinh Lăng Nghiêm vừa mở đầu là một đoạn Kinh văn rất dài. Đoạn Kinh văn đó là để chúng ta hiểu rõ Phật nói ý nghĩa của “tâm”. Cuộc đối thoại giữa Thích-ca Mâu-ni Phật với tôn giả A-nan, sau khi chúng ta xem xong, mới biết được chính chúng ta đã hiểu sai ý đối với những danh từ thuật ngữ này trong Kinh Phật. Thiền tông nói rất hay: “Nếu người ngộ được tâm, đại địa không tấc đất”. Ý nghĩa của lời nói này là: nếu hiểu rõ ràng, sáng tỏ hai chữ “tâm tánh” này rồi, bạn liền thành Phật, bạn không phải là phàm phu. Hay nói cách khác, phàm phu đối với hai chữ này có khái niệm mơ hồ, không rõ ràng; thật sự hiểu rõ ràng thì bạn chính là Phật, bạn chính là Bồ-tát. Lời nói này là thật, không phải giả. Thật sự nhận biết được hai chữ “tâm tánh” này rồi, mức thấp nhất bạn là Bồ-tát Sơ Trụ của Viên Giáo, là Pháp Thân Đại Sĩ. Người ở trong mười pháp giới không có năng lực này.