/ 128
566

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 37

 

Các vị đồng học, xin chào mọi người! Mời xem Cảm Ứng Thiên đoạn thứ 28:

 “Át ác dương thiện (Ngăn chặn điều ác, tuyên dương điều lành.)

Trong chú giải, vừa mở đầu nói rất hay: “Những điều ác của con người vốn chẳng phải do bản tánh tạo thành. Do vì tập khí nhiễm đắm đã sâu mà [tội ác] mênh mông, không có cách cứu vãn! Hoặc là biết rõ mà cố phạm, hoặc do không biết, trót làm quấy. Xét theo cái đã hình thành thì sẽ tạo ra tội lỗi ngập trời, thế mà cái gốc thoạt đầu, chỉ là vì một niệm sai lạc!. Mấy câu nói này, chúng ta cần phải bình tĩnh tư duy, thể hội thật kỹ. Trung Quốc vào thời xưa, trẻ con đi học, có lẽ bộ sách học đầu tiên chính là Tam Tự Kinh. Mở đầu Tam Tự Kinh liền nói: “Nhân chi sơ, tánh bổn thiện. Tánh tương cận, tập tương viễn”, ý nghĩa hoàn toàn tương đồng với đoạn này.

Con người tại sao lại tạo ác vậy? Tánh người vốn dĩ là thiện. Cái thiện này không phải cái thiện của thiện ác. Cái thiện của thiện ác đã là nghĩa thứ hai, không phải nghĩa thứ nhất. Cho nên, đại Thánh Khổng Tử của Nhà Nho nói là “tánh tương cận”, nhưng Tuân Tử, Mạnh Tử thì nói đó chính là “tập tương viễn”. Mạnh Tử chủ trương tánh thiện, Tuân Tử nói tánh ác. Cái “thiện ác” này là đối lập nhau, là tập tánh, không phải bản tánh. Cái mà Khổng Tử nói là bản tánh. Bản tánh của tất cả chúng sanh đều giống nhau. Trong Phật pháp nói mười pháp giới y chánh trang nghiêm là cùng một tâm tánh. Tạo thiện, tạo ác đều là tập tánh. Cho nên, chỗ này nói “Nhân chi ác nguyên”, đó chính là nguồn gốc của tạo ác, không phải tự tánh.

Chư Phật Bồ-tát minh tâm kiến tánh, không những tuyệt đối không tạo ác mà ý nghĩ ác cũng không có; không những không có ý nghĩ tạo ác, mà ý nghĩ hành thiện cũng không có. Tại sao vậy? Vì tập khí đã đoạn hết rồi. Hành thiện, tạo ác là tập khí, chúng ta nói là “tập tánh”, tập quen thành tự nhiên. Loại tập tánh này không phải một đời bồi dưỡng nên, mà trong đời quá khứ đời đời kiếp kiếp, từ vô thỉ kiếp đến nay đã hình thành nên một thói quen. Người không biết cho rằng là thiên tánh. Chỉ có người triệt để giác ngộ, minh tâm kiến tánh mới biết ở trong thiên tánh không có. Từ đâu mà có vậy? Từ tập tánh đã huân thành, “tập nhiễm ký thâm” (tập nhiễm đã quá sâu nặng) vô lượng kiếp đã khởi huân tập. Phàm phu không thể làm Phật, không thể làm Bồ-tát chính là do tập tánh này làm chướng ngại. Ở đây dùng chữ “tập nhiễm” rất hay. Trong vô lượng kiếp, loại tập khí này đã làm ô nhiễm chân tánh của mình, thế là tạo tác vô lượng vô biên tội nghiệp. Khi tạo tội, có khi mình biết rõ mà vẫn cố phạm, nhưng có khi mình không biết việc mình tạo tác là tội nghiệp. Cho dù bạn biết hay không biết, ở đây nói, nếu truy cứu nguồn gốc của nó thì đó là do “nhất niệm sai trì” (một niệm sai lầm trì trệ). “Nhất niệm sai trì”, nhà Phật gọi là “một niệm mê hoặc”. Tại sao bị mê vậy? Tập nhiễm quá sâu. Thánh Hiền thế xuất thế gian bảo chúng ta sửa lỗi, bảo chúng ta quay đầu. Quay đầu từ đâu? Quay đầu từ tập nhiễm. Đây mới là quay đầu thật sự, triệt để quay đầu.

Thế nhưng quay đầu cũng phải có chỗ bắt tay làm, Kinh Lăng Nghiêm gọi là “phương tiện tối sơ”. Chúng ta bắt tay làm từ đây. Bốn chữ này chính là dạy chúng ta phương pháp để bắt tay làm. Bốn chữ này sâu cạn đều không có cùng tận. Chúng ta là người sơ học, công phu cạn. Đến Bồ-tát địa thì công phu đó sâu rồi. Ác phải dùng sức ngăn chặn, cũng chính là nói phải khắc phục nó, phải đè nén nó xuống. Đè cái gì xuống? Ác niệm, ác hạnh. Không những là hành vi ác chúng ta phải khống chế, không được tạo tác, mà ý nghĩ ác cũng không được phép có. Ác niệm không phải vô minh thì là vọng tưởng, những thứ này hại chúng ta đời đời kiếp kiếp chịu khổ, chịu nạn ở trong lục đạo. Khổ nạn không phải người khác gây ra cho ta, mà bạn tự làm tự chịu, chính là bạn khởi tâm động niệm không tương ưng với tự tánh.

Trong tự tánh không có thiện - ác, tự tánh là thanh tịnh. Cho nên không những là ác niệm tổn hại chúng ta, mà thiện niệm cũng làm tổn hại. Phật ở trong Kinh nói rất rõ ràng, ác niệm cảm được quả báo ba đường ác, thiện niệm cảm được quả báo ba đường thiện. Ba đường thiện với ba đường ác chính là lục đạo luân hồi. Thiền tông thường dạy người: “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác”. Câu nói này ý nghĩa là gì vậy? Đem thiện niệm, ác niệm thảy đều đoạn sạch, lúc này bản lai diện mục của bạn liền hiện tiền. Bản lai diện mục là gì? Minh tâm kiến tánh. Bồ-tát thị hiện trong lục đạo độ hóa chúng sanh, quả thật là thiện niệm, ác niệm đều không có, cho nên Bồ-tát “không trụ sanh tử, không trụ Niết Bàn”. Thiện niệm, ác niệm đều không có, đó là không trụ sanh tử. Phương pháp, phương tiện độ hóa chúng sanh của Bồ-tát, việc thiện việc ác đều có, đó là không trụ Niết Bàn, sanh tử - Niết Bàn hai bên đều không trụ. Hai bên đều không trụ chính là hai bên đều trụ. Cho nên, giáo hóa chúng sanh phải xem căn tánh của chúng sanh. Chúng sanh căn tánh lương thiện thì dùng thiện pháp độ họ, chúng sanh căn tánh bất thiện thì dùng ác pháp độ họ. Bồ-tát độ chúng sanh, việc thiện ác thảy đều có, đó chỉ là sự, không có tâm. Sự là phương tiện giáo hóa chúng sanh, không phải mục đích. Đại Thánh đại Hiền tâm địa vĩnh viễn “thanh tịnh, bình đẳng, giác”, ý nghĩ thị phi, thiện ác đã đoạn sạch rồi, không giống như phàm phu. Phàm phu chúng ta tập nhiễm từ vô thỉ kiếp đến nay nhất thời chắc chắn không đoạn hết. Cổ đức thường nói: “Lý có thể đốn ngộ, sự phải tiệm trừ”. Nếu bạn nghe hiểu đạo lý rồi, bạn có thể giác ngộ rất nhanh. Thế nhưng cái tập khí đó của bạn không phải trong chốc lát có thể đoạn được, mà đoạn từ từ. Phương pháp đoạn, trước tiên phải khống chế được ý nghĩ ác, hành vi ác, không để nó phát sinh, không để nó khởi lên. Người niệm Phật, chúng ta thường hay nói, niệm vừa khởi, lập tức đề khởi câu “A Di Đà Phật” lên. Niệm thứ nhất bất kể là thiện niệm hay là ác niệm, niệm thứ hai liền là A Di Đà Phật. Dùng cái niệm A Di Đà Phật này thay cho ý niệm phía trước của bạn, đây chính là “át ác”. Quí vị phải biết, chữ “át” này chính là chỉ ý niệm, đây là tu từ trên căn bản.

/ 128