/ 128
751

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 32


Các vị đồng học, xin chào mọi người!

Tối hôm qua, chúng ta đã làm một cuộc diễn giảng tại Thiền tự Tịnh Đức, bàn đến truyền thống cổ xưa của Trung Quốc, đó là “ngũ phúc, lục cực”. Ngũ phúc là nhân thiện, quả thiện. Lục cực là nhân ác, quả ác. Những việc này không những ở trong lịch sử chúng ta thấy rất nhiều mà ngay trong xã hội hiện thực, nếu chúng ta lưu ý một chút thì sẽ thấy, báo ứng thiện ác đều ngay nhãn tiền. Nếu chúng ta mong cầu hướng lành, lánh dữ thì những báo ứng này không những là hình mẫu tốt nhất cho chúng ta học tập, mà nó cũng đủ để cảnh giác cho hành vi tạo tác, khởi tâm động niệm của chúng ta.

Trong đoạn này của Cảm Ứng Thiên có kể một câu chuyện cho chúng ta. Vào thời triều Tùy, có một vị xuất gia tuổi tác đã ngoài 100 tuổi, vô cùng khỏe mạnh. Ông thông đạt giáo nghĩa “Pháp Hoa”, thường nói với người khác là quả báo mà ông có được rất thù thắng, khiến người rất ngưỡng mộ. Nói quả thì nhất định phải có nhân. Nhân như thế nào tạo thành vậy? Ông y giáo phụng hành lời dạy của Phật Bồ-tát. Bồ-tát Phổ Hiền dạy người: “Lễ kính chư Phật, xưng tán Như Lai, quảng tu cúng dường, sám trừ nghiệp chướng”, bốn câu này ông đã làm được rồi. Ông nói, cả đời ông tôn kính đối với người già giống như đối với cha mẹ của mình. Cách nói này người trước đây có sự thể hội rất sâu, người ngày nay thì khó rồi. Khó ở chỗ nào vậy? Ngày nay con cái bất hiếu, bất kính cha mẹ. Bạn bảo: “Tôi đối với tất cả người già giống như đối với cha mẹ”, họ nghe xong rất thản nhiên. Đây là phong khí xã hội, giáo dục xã hội. Vào thời đại này, bảo người có thể hồi tâm chuyển ý thật sự là khó, khó gấp nhiều lần so với trước đây.

“Tôn kính đối với tất cả chúng sanh giống như tôn kính Phật Bồ-tát”. Cách nói này, ngày nay chúng ta nghe đến đã khá thờ ơ rồi. Tại sao vậy? Vì người hiện nay bất kính Phật Bồ-tát, bất hiếu với cha mẹ. Bất kính Phật Bồ-tát, bất hiếu với cha mẹ cho nên mới dẫn đến tai nạn to lớn này. Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam, một ngày trước khi vãng sanh nói với một số học trò là tai nạn này, Phật Bồ-tát, thần tiên cũng không thể cứu nổi. Thầy nói lời này xong, ngày hôm sau thầy liền vãng sanh. Chúng ta thử nghĩ, lời nói này rất có đạo lý. Ngày nay, ở trong xã hội này không có tấm gương tốt về hiếu thuận cha mẹ, không có tấm gương tốt về tôn kính Phật Bồ-tát. Một người thật sự hiếu thuận cha mẹ, tôn kính Phật Bồ-tát, thì không những không dám làm càn làm bậy, mà ngay cả khởi một niệm ác cũng cảm thấy có lỗi với cha mẹ, thấy trái ngược với lời dạy của Phật Bồ-tát. Hiện nay ở trong xã hội này tìm ở đâu một người như vậy? Người thế gian đều là thấy lợi quên nghĩa, chung sống giữa người với người là quan hệ lợi hại, đạo nghĩa không còn nữa, vậy thì làm sao mà họ không gặp nạn được?

Người tuổi tác cao, từng trải nhiều, đối với nguyên nhân của tai nạn tương đối dễ dàng hiểu rõ, có sự thể hội rất sâu. Thế nhưng chúng ta khuyên bảo người khác, người ta không tin được. Bản thân chúng ta có thể tin hay không? Nếu bản thân chúng ta thật sự tin được thì nhất định quay đầu rồi. Ở nơi nào có tai nạn, chúng ta đến nơi đó để cùng nhau đảm đương với người bị nạn, tuyệt đối không có ý nghĩ trốn tránh. Có ý nghĩ trốn tránh tai nạn là bạn tự tư tự lợi, ý nghĩ đó chưa buông xả.

Chúng ta tìm một nơi an toàn để cất giữ pháp bảo, hy vọng pháp bảo không bị hủy diệt ở trong tai nạn này. Chúng ta xem thấy Thạch Kinh Phòng Sơn ở gần Bắc Kinh, đó chính là đại biểu tốt nhất mà người xưa đã làm. Người xưa đem toàn bộ Đại Tạng Kinh khắc vào trong đá, cất giữ ở trong núi sâu. Bộ Đại Tạng Kinh này vô cùng hoàn chỉnh. Tất cả Kinh điển có được ở trong Đại Tạng Kinh hiện nay của chúng ta đều có trong Thạch Kinh Phòng Sơn. Ngoài ra còn có một số Kinh mà trong Đại Tạng Kinh hiện nay của chúng ta không có, những Kinh điển bị thất truyền thì trong đó vẫn còn có một số, thật quá hiếm có! Mấy trăm người làm việc trong một ngàn năm đã làm viên mãn việc lớn này rồi. Tại sao họ làm vậy? Lưu truyền cho người sau, chỉ sợ Phật pháp bị hủy diệt ở trong tai nạn. Trong lịch sử Trung Quốc, mọi người đều biết “Tam vũ diệt pháp”. Cho nên mọi hành động đều là vì chúng sanh, vì Phật pháp. Tổ sư Đại đức thường nói, Kinh luận Phật pháp là “con mắt của trời người”, là trí huệ chân thật, do đó phải bảo tồn.

Trong đời này tôi cũng làm công việc lưu thông Phật pháp. Lượng Phật pháp quá lớn, quá rộng, năng lực, tài lực của bản thân chúng tôi vô cùng hữu hạn, cho nên tôi lưu thông có nguyên tắc. Thứ nhất là lưu thông Kinh điển thất truyền. Nhìn thấy Kinh điển này số lượng rất ít, lượng lưu thông không lớn, sợ rằng ở trong chiến loạn, ở trong tai nạn bị thất truyền, cho nên chúng tôi phải in lượng lớn để tặng khắp thế giới, dùng phương pháp này để bảo tồn. Một nơi có tai nạn tổn thất rồi thì còn có một nơi khác không gặp nạn. Chúng tôi không vì chính mình. Tôi không có thời gian để đọc những Kinh luận này, vì muốn bảo tồn những Kinh sách này, cho nên tôi ấn tống khắp các nơi. Còn một cái khác cần phải in nữa, chính là chúng tôi hiện nay đang giảng, đang học tập một số Kinh luận, sách tham khảo này. Bản thân tôi một đời in Kinh, trọng điểm là ở chỗ này. Những Kinh sách khác là do có rất nhiều người ủy thác, đó là tự họ đem tiền đến, nhờ chúng tôi in thay cho họ. Số lượng khoảng một ngàn bản trở lên, chúng tôi tính giá cho họ bao nhiêu tiền, họ đem tiền đến, chúng tôi gánh vác trách nhiệm thay họ in, thay họ tặng. Đây là gặp phải sự hạn chế về nhân lực, tài lực, bất đắc dĩ mới dùng phương pháp này để lưu thông. Trước đây, điều lo lắng nhất là Tứ Khố Toàn Thư sẽ bị hủy diệt trong tai nạn, nếu không thể lưu truyền lại được thì là điều đáng tiếc lớn nhất. Điều này không phải chỉ một mình tôi, mà đó cũng là mối lo trong giới học thuật Trung Quốc. Từ cuối đời nhà Thanh, gần như là trong nửa thế kỷ, ở trong giới học thuật có không ít người muốn đem Tứ Khố Toàn Thư phiên dịch, in ra, lưu hành, hy vọng nó không bị mất đi, nhưng mà phân lượng quá lớn, không có tài lực lớn như vậy, cũng không có những cơ duyên này. Sau khi triều Thanh mất nước, cục diện Trung Quốc bị quân phiệt cát cứ, bị ngoại xâm áp bức, tiếp đó là kháng chiến. Mãi cho đến mười mấy năm gần đây, ở Đài Loan kinh tế chuyển biến tương đối tốt, có tài lực nên mọi người bèn nghĩ đến vấn đề Tứ Khố Toàn Thư. Cho nên, thương vụ Ấn Thư Quán dốc hết sức, in 300 bộ không lấy tiền. Đây hoàn toàn là vì sự bảo tồn văn hóa. Khi họ in, có người đến nói cho tôi biết, tôi đoán khoảng 300 bộ, hỏi họ thì quả nhiên là đúng 300 bộ. Tại sao không in nhiều? In nhiều thì sợ không có người mua, cũng không có chỗ dùng, sách nhiều như vậy ai cần làm chi? Chỉ có thư viện lớn. Sách này cho bạn, bạn cũng không có chỗ để. Chúng tôi đến nơi đó mua được một bộ cuối cùng. Một bộ cuối cùng này là người Nhật Bản nhường cho chúng tôi, người Nhật Bản đặt với họ rồi mà không có tiền thanh toán, nên họ nhường cho chúng tôi. Người Nhật Bản còn yêu cầu chúng tôi trả phí giới thiệu là hai vạn Đài tệ, tôi cũng đưa cho họ. Chúng tôi có được một bộ cuối cùng. Ngoài ra, còn một bộ cũng vô cùng quý báu, đó là Tứ Bộ Bị Yếu. “Tứ Khố” đương thời chỉ có bảy bộ, được viết tay. Trong thời kỳ chiến loạn đã mất hết một nửa, hiện nay chỉ còn ba bộ hoàn chỉnh. Trung Quốc đại lục có một bộ, Đài Loan có một bộ và dường như viện bảo tàng Anh Quốc cũng có một bộ (không biết có phải là viện bảo tàng Anh Quốc không, tôi nhớ không rõ lắm). Có ba bộ hoàn chỉnh và một số bộ bị thiếu, chỉ còn lại vụn vặt. Ba trăm bộ này được cất giữ trên toàn thế giới ở các thư viện lớn như thư viện trường học, vậy là không dễ gì bị mất rồi. Nếu như không phải hủy diệt cả thế giới thì những sách vở này có thể bảo tồn được. “Bị Yếu” thì vô cùng quí báu, chỉ còn lại một bộ, độc bản, cho nên mọi người đặc biệt coi trọng. Thư cục Trung Hoa ở Đài Loan đem nó in ra rồi. Một mình tôi đã mua của họ 34 bộ, chia tặng cho thư viện trường học của Trung Quốc mỗi một tỉnh, mỗi một thành phố đặc biệt. Bản thân tôi đã giữ lại hai bộ, một bộ để ở Dallas - Mỹ, một bộ hiện nay để ở Brisbane. Chúng tôi đều là vì nghĩ cho những trân bảo này. Đây là trân bảo vô giá mà mấy ngàn năm nay, liệt tổ liệt tông, cổ Thánh tiên Hiền, trí huệ của các Ngài, sự kết tinh của các Ngài đối với thể nghiệm cuộc sống đã lưu truyền cho người đời sau. Việc chúng tôi làm là sự việc này. [Sách] không phải con người, con người chẳng sao cả, người là sinh vật sống, thật sự tai nạn đến còn có thể trốn tránh, còn những bộ sách này, nếu có tai nạn đến thì không thể chuyển dọn đi được, sự tổn thất này còn nghiêm trọng hơn so với tổn thất mạng sống của chúng ta. Cho nên chúng ta phải biết hết sức quý trọng, biết vì hạnh phúc của toàn nhân loại, vì trí tuệ của toàn nhân loại mà chúng ta có trách nhiệm gìn giữ, có trách nhiệm vì họ bảo quản thật ổn thỏa, đời đời truyền nhau. Khởi tâm động niệm quyết không phải vì cá nhân, quyết không phải vì đoàn thể nhỏ, mà phải vì quốc gia dân tộc, vì toàn thể nhân loại. Ý thức này phải càng ngày càng tăng, tuyệt đối không được sút giảm. Nếu ý thức này bị sút giảm thì liền đọa lạc tam đồ, đọa lạc ác đạo, chúng ta phải hiểu rõ. Nếu như ý thức này thật sự càng ngày càng tăng, từng ngày có tiến bộ thì đây là một động lực quan trọng cho việc tu đạo, học Phật của chúng ta, thúc đẩy chúng ta dũng mãnh tinh tấn một cách tự nhiên, không cần tác ý, hằng ngày ở đó tích lũy công đức. Đây cũng chính là như ở trong Kinh, Phật vì chúng ta dặn dò vậy. Phật mong chúng ta có thọ mạng lâu dài, cần mẫn hành trì tất cả thiện pháp; dặn dò chúng ta có trí huệ, có phước đức để có thể giúp đỡ tất cả chúng sanh khổ nạn. Lời dặn dò của Phật Bồ-tát chúng ta có tiếp nhận hay không? Những lời dặn dò, văn tự dặn dò này, chúng ta nghe rồi, thấy rồi, nhưng nếu không lưu ý thì không khởi tác dụng được. Sao gọi là lưu ý vậy? Nghe rồi, thấy rồi thì lưu vào trong ý thức của chúng ta. Chúng ta phải thường xuyên tư duy, thường xuyên thể hội, chăm chỉ nỗ lực phụng hành, đem nó ứng dụng vào trong đời sống chúng ta thì chúng ta thật sự tiếp nhận được lời dặn dò của Phật Bồ-tát. Cho nên tất cả phải nghĩ vì chúng sanh, nếu nghĩ vì chính mình là hoàn toàn sai rồi.

/ 128