THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 31
Các vị đồng học, xin chào mọi người!
Trong Cảm Ứng Thiên, câu thứ 22: “Căng cô tuất quả, kính lão hoài ấu” (Thương xót con côi, cứu giúp quả phụ. Kính già, thương trẻ).
Ở trong đoạn này, phần chú giải có trích dẫn một đoạn trong Kinh Hoa Nghiêm:
BỐN NGUYỆN TRONG KINH HOA NGHIÊM:
- “Nguyện nhất thiết chúng sanh, phát Bồ-đề tâm, cụ túc trí huệ, vĩnh bảo thọ mạng, vô hữu chung tận”.
- “Nguyện nhất thiết chúng sanh, cụ túc tu hành, ly lão tử pháp, nhất thiết tai độc, bất hại kỳ mạng”.
- “Nguyện nhất thiết chúng sanh, cụ túc thành tựu, vô bệnh não thân, thọ mạng tự tại, năng tùy nguyện trụ”.
- “Nguyện nhất thiết chúng sanh, đắc bất lão bất bệnh, thường trụ mạng căn, dũng mãnh tinh tấn, nhập Phật trí huệ”.
Bốn nguyện này là điều mà tất cả chúng sanh thế gian chúng ta đều niệm niệm mong cầu. Có thể cầu được không? Đương nhiên có thể cầu được, vì nếu không cầu được thì Phật nhất định không nói những lời này. Nếu Phật nói ra những đạo lý mà chúng ta không hiểu, nói ra phương pháp mà chúng ta không làm được thì cách nói này của Phật là không khế cơ, còn gọi là lời nói rỗi hơi, làm sao có thể tương ưng với ngũ ngữ như trong Kinh Kim Cang đã nói. Từ đó cho thấy, từng câu từng chữ trong Kinh luận đều là cái mà năng lực chúng ta có thể lý giải, có thể thực hiện, đây mới được xem là lời dạy chân thật.
Nguyện thứ nhất, “Nguyện nhất thiết chúng sanh, phát Bồ-đề tâm, cụ túc trí tuệ, vĩnh bảo thọ mạng, vô hữu chung tận”.
Trong nguyện này, điểm quan trọng nhất chính là “Phát tâm Bồ-đề”, hay nói cách khác, bốn loại nguyện vọng đều là lấy tâm Bồ-đề làm căn bản. Nếu không phát tâm Bồ-đề thì chúng ta muốn vãng sanh về Thế giới Cực Lạc cũng không thể đi được. Kinh Vô Lượng Thọ vì chúng ta khai thị rõ ràng, vãng sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc, điều kiện quan trọng nhất là phải “phát tâm Bồ-đề, nhất hướng chuyên niệm”. Niệm Phật đường của chúng ta ngày nay niệm Phật 24 giờ không gián đoạn, không phải bảy ngày hay bảy mươi ngày, mà là trường kỳ. Đây là chúng ta đã làm được “nhất hướng chuyên niệm” rồi, nhưng nếu không phát tâm Bồ-đề thì vẫn không thể vãng sanh, cho dù một ngày niệm Phật 24 giờ không gián đoạn, thậm chí niệm cả đời cũng không thể vãng sanh. Chúng ta không thể trách Phật, Phật đã nói rất rõ ràng, đã nói tám chữ, nhưng bạn chỉ mới làm được bốn chữ. Bốn chữ này làm viên mãn đi nữa cũng chỉ được 50 điểm, vẫn chưa đạt tiêu chuẩn. Qua đó có thể thấy, phát tâm Bồ-đề là quan trọng.
Tâm Bồ-đề là gì? Là tâm giác ngộ chân chánh. Giác ngộ điều gì vậy? Giác ngộ chân tướng vũ trụ nhân sanh minh bạch, rõ ràng. Chân tướng hình dáng ra sao? Trong Kinh Kim Cang nói: “Phàm những gì có tướng đều là hư vọng”, “Tất cả pháp hữu vi, như mộng huyễn bọt bóng”. Đây là chân tướng mà chư Phật Bồ-tát nhìn thấy. Nói rõ hơn một chút là tất cả mọi hiện tượng đều là nghiệp nhân quả báo, thiện nhân - thiện quả, ác nhân - ác báo, nhân quả tương tục, kéo dài không dứt. Đây là chân tướng sự thật. Sâu thêm một tầng, Phật nói với chúng ta: “Tất cả chúng sanh trong hư không pháp giới đều cùng chung một thể mạng sống”. Đây là nói đến tầng sâu hơn, đều là nói chân tướng sự thật. Hiểu rõ chân tướng sự thật rồi thì gọi là tâm Bồ-đề. Sau khi hiểu rõ rồi, điều quan trọng nhất là giúp mình cầu giải thoát, làm sao thoát khỏi lục đạo luân hồi, làm sao thoát khỏi thập pháp giới, giống như chư Phật Bồ-tát, sống trong Pháp Giới Nhất Chân bình đẳng. Đây mới là giác ngộ chân chánh, mới là Bồ-đề chân thật. Không những phải giúp bản thân mà còn phải giúp đỡ tất cả chúng sanh khổ nạn.
Các vị nên biết, người giác ngộ ở trong thế gian này tương đối vất vả, không như các bạn tưởng tượng là người giác ngộ nhất định rất tự tại, rất vui sướng, sự thật hoàn toàn ngược lại với điều này. Người giác ngộ chịu đựng hết tất cả oan uổng, chịu đựng hết tất cả sự lăng nhục, chịu đựng hết tất cả sự giày vò. Những oan uổng, lăng nhục, giày vò này từ đâu mà đến? Là từ bên chúng sanh bất giác đưa qua, cho nên bạn phải chịu đựng được. Không những ở trong Phật pháp, mà ở trong pháp thế gian cũng như vậy. “Người tốt thì bị người ta bắt nạt, người tốt thì bị kẻ xấu ức hiếp”, lời này chẳng phải thường nghe nói sao? Người tốt ứng xử thế nào vậy? Người tốt vẫn là làm người tốt, người tốt tình nguyện bị ức hiếp, vả lại không oán giận chút nào cả, đó mới gọi là người tốt. Người tốt là người sáng suốt, chung sống với những người không sáng suốt này, người tốt còn phải giúp đỡ họ quay đầu, giúp đỡ họ giác ngộ, còn phải chịu đựng sự giày vò của họ, chịu đựng sự đổ oan của họ. Nếu không phải người giác ngộ chân chánh thì không thể làm được. Chỉ có người giác ngộ thật sự thì tâm địa chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, đại từ đại bi đều bộc lộ ra trong đời sống. Người mê hoặc điên đảo không thể nhìn ra được. Ai có thể nhìn ra được vậy? Phật Bồ-tát nhìn ra được. Phật Bồ-tát an ủi họ, Phật Bồ-tát âm thầm hộ trì họ, tự hành hóa tha, vì tất cả chúng sanh tiêu tai miễn nạn. Chúng ta phát tâm muốn làm người tốt, người tốt rất vất vả.