/ 128
606

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 33

 

Các vị đồng học, xin chào mọi người!

Hôm qua chúng ta giảng đến câu thứ hai mươi ba: “Côn trùng thảo mộc, do bất khả thương” (Côn trùng, thảo mộc chớ nên thương tổn). “Côn trùng” là động vật, “thảo mộc” là thực vật. Hôm qua chúng ta đã giảng đến những loại côn trùng nhỏ, ví dụ như: muỗi, kiến, v.v…

Thánh nhân thế xuất thế gian bảo chúng ta phải dưỡng tâm từ bi. Không chỉ là phải yêu quý những động vật nhỏ mà thảo mộc, thực vật cũng phải từ bi yêu quý thì tâm từ bi này mới là thật. Người yêu quý động vật thì có, thế nhưng ngay cả thực vật cũng có thể không làm tổn thương thì tương đối ít. Trong chú giải có trích dẫn lời trong Kinh Viên Giác, nói rõ “tình và vô tình là một thể, cùng chung mạng sống”. Lời nói này rất khó hiểu. Trong Kinh Đại Thừa Phật nói rất nhiều. Chúng ta hãy tư duy, thể hội thật kỹ. Đây là chân tướng sự thật. Phật nói tổng nguyên tắc cho chúng ta là: tất cả chúng sanh trong hư không pháp giới, tất cả sự vật hiện tượng đều do nhiều duyên hòa hợp mà sinh ra, đều là duy tâm sở hiện, duy thức sở biến, đều là từ tâm tưởng sinh. Từ đó cho thấy, thật sự là cùng một thể sinh mạng. Trong Đại Kinh cũng thường nói: “Ba đời mười phương Phật cùng chung một pháp thân”, chính là cùng một thể sinh mạng. Thực vật đương nhiên cũng không ngoại lệ. Kinh Lăng Nghiêm nói hay hơn nữa: Như Lai thường thuyết, chư pháp sở sanh, duy tâm sở hiện, nhất thiết nhân quả, thế giới vi trần, nhân tâm thành thể” (Đức Như Lai thường dạy: Các pháp sinh khởi đều do tâm hiển hiện, hết thảy nhân quả cho đến các thế giới nhiều như bụi nhỏ đều nhân nơi tâm mà thành tánh thể.) Có thể dùng mấy câu nói này để giải thích tám chữ trong Kinh Hoa Nghiêm: “Duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”. Cho nên hợp chung hai bộ Kinh này lại tham khảo thì ý nghĩa vô cùng rõ ràng. Trong Kinh Lăng Nghiêm còn nói vi tế hơn: “Kỳ trung nãi chí, thảo diệp lũ kết, cật kỳ căn nguyên, hàm hữu thể tánh” (Trong đó cho đến cỏ cây dây gút, xét đến cùng nguồn gốc đều hàm chứa tánh thể.) “Thảo diệp” là thực vật, “lũ kết” là hình tướng sự vật. Chúng ta cầm một sợi dây thừng, thắt cái gút, đây là sự tướng, đều có căn nguyên của nó, đều có thể tánh của nó. “Thể tánh” là pháp tánh, “căn nguyên” là tự tánh. Cho nên trước đây tôi đã từng nói: “Khẳng định tất cả chúng sanh trong hư không pháp giới là chính mình”. Đây chính là Phật tri, Phật kiến.

Người nhập Phật tri kiến chính là cái mà Đại Sư Thiên Thai gọi là quả vị Phật phần chứng, trong Kinh Hoa Nghiêm gọi là 41 quả vị Pháp Thân Đại Sĩ. Kiến giải của họ chính là như vậy, đây gọi là nhập Phật tri kiến. Nếu chúng ta thật sự khẳng định rồi thì bạn chính là người thượng thượng căn, pháp thượng thượng thừa. Chúng ta từ địa vị phàm phu bỗng vượt đến địa vị Như Lai, bỗng vượt đến địa vị Pháp Thân Đại Sĩ. Sự việc này có thể làm được hay không, vấn đề là ở trong một niệm của chúng ta có thể chuyển lại được hay không.

Kinh giáo Đại Thừa huân tập lâu rồi, ánh sáng này giống như tia chớp vậy, tạm thời phóng ra. Thiện căn mỗi người không giống nhau. Người thiện căn sâu dày thì tần số phóng ánh sáng gia tăng, số lần tăng lên nhiều, nhưng đáng tiếc là không duy trì được, một niệm vừa giác ngộ thì niệm thứ hai lại quên mất. Đây là nguyên nhân gì? Tập khí phiền não quá nặng, chớp mắt là đã mê rồi. Nếu có thể duy trì được nguồn ánh sáng này thì bạn liền chứng quả, bạn liền nhập địa vị Phật, địa vị phần chứng Phật. Sự hành trì của bạn không khác gì với chư Phật Bồ-tát, bạn một lòng từ bi đối với tất cả động vật nhỏ, thực vật và đối với chư Phật Như Lai, đối với cha mẹ của mình nhất định không có khác nhau. Yêu thương muỗi, kiến, yêu thương hoa cỏ cũng giống chăm sóc cha mẹ, phụng sự chư Phật thì bạn chính là Pháp Thân Đại Sĩ. Nếu bạn còn có tâm phân biệt thì bạn là phàm phu.

Chúng ta đời này được thân người, được nghe Phật pháp, cái duyên này thù thắng không gì sánh bằng. Chúng ta thử xem trong quá khứ 2.000 năm qua ở Trung Quốc, các bậc Tổ sư Đại đức, thiện nam tử, thiện nữ nhân tại gia, người tu hành chứng quả không ít. Họ cũng là phàm phu, tại sao có thể chứng quả Thánh? Chính là nghe pháp liên tục, tu hành không gián đoạn, cho nên mới có thể thành tựu. Tại sao chúng ta không thể thành tựu? Vì trên hai phương diện nghe pháp và tu hành, chúng ta thường xuyên gián đoạn, gián đoạn thì sức mạnh liền yếu đi. Nếu lại cộng thêm tập khí phiền não ở bên trong, bên ngoài có ngũ dục lục trần cám dỗ thì công phu về hai phương diện “giải - hành” của chúng ta gần như bằng không. Không những không thể tiến bộ mà từng ngày đang thụt lùi, lùi mãi đến địa ngục A-tỳ. Hiện tượng này ở ngay trước mắt chúng ta cũng thấy rất nhiều.

/ 128