/ 128
823

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 30


Các vị đồng học, xin chào mọi người!

Chúng tôi vì mọi người giới thiệu Cảm Ứng Thiên. Toàn bài văn này không dài, chỉ có hơn một ngàn chữ. Về phần phân đoạn, chúng tôi căn cứ theo Cảm Ứng Thiên Vựng Biên để giới thiệu. Hầu như mỗi câu đều có chú giải, dẫn chứng rất tường tận. Đây là một bộ sách hay, rất hiếm có. Số thứ tự mà mỗi lần tôi báo cáo với quí vị chính là thứ tự đã được sắp xếp trong Vựng Biên.

Kinh văn đoạn thứ 22: “Căng cô tuất quả, kính lão hoài ấu”. Tám chữ này trước đây khi tôi giới thiệu, đã từng sắp xếp thành một phân đoạn. Phần trước nói “Chánh kỷ hóa nhân”, đây là hóa tha. “Chánh kỷ hóa nhân” là câu đầu tiên trong hóa tha, là nói tổng quát. Trở về sau thì liệt kê các khoa mục cặn kẽ hơn. Đoạn thứ hai mươi hai này là nói về hành nhân, cũng chính là nói làm sao thực hiện nhân từ, nhân ái. Ở đây trích dẫn việc thi hành biện pháp chính trị của người xưa: “Sự cai trị của Văn Vương cũng chẳng ngoài xót thương những người cô quạnh.”. Ngôn ngữ rất đơn giản, thật sự phù hợp với yêu cầu của thời xưa là giản - yếu - tường - minh. Bốn chữ này đã hoàn toàn nói ra đường lối, mục đích trị quốc của Chu Văn Vương rồi. Thương xót những người già, trẻ em và người cô quả, khiến họ có thể tránh được một số lo buồn khổ nạn, được an dưỡng tuổi già, đây là nền chính trị nhân từ. Làm người lãnh đạo của một quốc gia mà có thể thi hành nền chính trị nhân từ, đây chính là Thánh vương. Từ đó suy ra, quan chức địa phương cũng phải biết đạo lý này, thúc đẩy nền chính trị nhân từ.

Ở trong nhà Phật chúng ta, Thế Tôn dạy nhân sĩ tham gia công tác chính sự. Trong Kinh Phật có một bộ Kinh Nhân Vương Hộ Quốc, Kinh này ở trong bộ Bát Nhã. Kinh Nhân Vương Hộ Quốc Bát Nhã Ba La Mật, trước đây chúng tôi cũng đã từng giảng qua. Quản lý đất nước, lãnh đạo quần chúng, việc cần phải làm là những việc nào? Phật cũng đem lòng thương xót, cứu tế những cô nhi quả phụ già yếu, tàn tật, không có người chăm sóc, phải đặc biệt thương yêu họ hơn nữa, đặc biệt quan tâm đến họ, hiện nay chúng ta gọi là sự nghiệp phúc lợi xã hội, sự nghiệp phúc lợi người già. Mỗi quốc gia, mỗi khu vực đều đang tiến hành rất nghiêm túc. Những điều này đều được nói đến ở trong đoạn này.

Tiếp theo nói: “Chí của Phu Tử cũng chẳng ngoài yêu già, quan tâm trẻ”. Khổng Phu Tử là nhà giáo dục lớn của phương Đông chúng ta, Ngài cũng dạy chúng ta mỗi một việc này. Từ đó cho thấy, đại Thánh đại Hiền thế xuất thế gian đều dạy chúng ta sự việc này, nhất là ở trong Phật pháp dạy nhân quả. Chúng ta không tôn kính người già, không yêu thương người già, không chăm sóc người già, vậy thì thử hỏi xem, bản thân chúng ta có bị già không? Bản thân chúng ta khi già rất mong có người trẻ chăm sóc, được hầu hết mọi người tôn trọng. Phật ở trong Kinh thường dạy chúng ta “tin sâu nhân quả”. Ý nghĩa của lời nói này rất sâu xa, chúng ta cần nên thể hội thật sâu. Tôn trọng người khác chính là tôn trọng chính mình, yêu thương người khác chính là yêu thương chính mình, chăm sóc người khác chính là chăm sóc chính mình. Ở đây điều quan trọng nhất là tâm chân thành, đây chính là Bồ-tát đạo.

Phật ở trong Kinh luận dạy Bồ-tát sáu cương lĩnh tu học. Sáu nguyên tắc này, danh từ trong Kinh Phật gọi là “sáu Ba La Mật”. Thông thường trong lúc giảng Kinh chỉ đem sáu danh tướng này mô tả sơ qua một chút là xong rồi, để người nghe thấy tưởng đúng mà lại sai, giống như hiểu rồi, nhưng thực ra một chút cũng không hiểu. Sáu cương lĩnh này, Thích-ca Mâu-ni Phật thuyết pháp 49 năm, ngày ngày đều giảng. Từ đó cho thấy, ý nghĩa của nó rất sâu rộng. Điều quan trọng nhất là phải thực hiện sáu cương lĩnh này.

Thứ nhất là “Bố thí”. Đối với những người già không có người chăm sóc, chúng ta phải đặc biệt quan tâm họ. Quan tâm là bố thí, bố thí tâm thương yêu, bố thí tâm từ bi. Bố thí tâm thương yêu, bố thí tâm từ bi, bố thí tâm chân thành, bố thí tâm thanh tịnh, những loại bố thí này rất ít người nói đến. Chúng ta chỉ biết nhìn thấy họ không có quần áo mặc thì đi mua mấy bộ quần áo tặng họ, họ không có gì để ăn thì chúng ta tặng họ một ít lương thực, chứ chúng ta không có cho tâm yêu thương chân thành, cho nên công đức này làm sẽ không viên mãn. Không những là không viên mãn, nói thực ra là không có công đức. Những việc mà chúng ta làm là thuộc về phước đức, phước đức này vẫn không phải phước đức viên mãn, vì ở trong phước đức viên mãn là có tâm yêu thương chân thành. Bố thí chăm sóc, từ bi cứu tế chân thật.

/ 128