/ 128
628

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 29

 

Các vị đồng học, xin chào mọi người!

Trưa hôm qua, tôi từ Úc châu trở về. Hôm kia ở Toowoomba bắt đầu khóa tu Phật thất. Lần này mọi người phát tâm khởi tu mười Phật thất, cũng chính là bảy mươi ngày, hai mươi bốn giờ chấp trì danh hiệu không gián đoạn. Đây là một nhân duyên rất hy hữu. Tôi đến bên đó để chủ trì khai mạc lễ “Sái Tịnh”, khích lệ các đồng tu phải cố gắng niệm Phật.

Hiện nay mọi người đều biết thế gian có tai nạn. Tai nạn chắc chắn là có. Chúng ta từ trong Phật pháp học được rất nhiều đạo lý. Căn cứ vào những đạo lý này, hiểu rõ chân tướng sự thật. Phật nói nguyên lý, nguyên tắc cho chúng ta là: “Tâm sanh thì các pháp sanh, tâm diệt thì các pháp diệt”; “Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh”. Những lời khai thị này, các đồng học đều nghe rất quen, nhưng nghĩa lý ở trong đây rất sâu xa, rất không dễ dàng thể hội được. Nếu như thật sự thể hội được, thật sự sáng tỏ chân tướng sự thật thì tất cả vấn đề của thế xuất thế gian đều có thể giải quyết dễ dàng.

Phật Bồ-tát thị hiện ở thế gian, việc giúp đỡ chúng sanh phá mê khai ngộ là vấn đề chủ yếu, những việc khác đều là thứ yếu. Tại sao vậy? Bởi vì chúng sanh đã mê mất tự tánh, cho nên mới chiêu cảm đến khổ nạn vô tận. Nếu một khi giác ngộ rồi, đó thật sự là giống như trong Bạch Y Thần Chú gọi là “tất cả tai ương hóa thành bụi”. Đây là sự thật. Cho nên Phật pháp dạy học, ở trong hầu hết các tông chỉ thường là hai câu nói: “Phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui”. Lìa khổ được vui là nói từ trên quả. Phá mê khai ngộ là nói từ trên nhân. Chúng ta học Phật, nhất định phải lấy Phật làm chuẩn mực, lấy Tổ sư Đại đức làm điển hình. Học Phật phải giống một vị Phật, học Bồ-tát phải giống Bồ-tát, điểm này là quan trọng hơn cả. Có không ít đồng tu đến nói với tôi: “Thưa pháp sư! Khó quá, không dễ dàng làm được”. Nhưng Tổ sư Đại đức nói với chúng ta, sự việc này nói khó mà không khó, nói dễ mà không dễ. Lời này nói đúng trọng tâm, nói rất hay. Tại sao nói không khó? Đây không phải cầu người, việc cầu người thì rất khó, việc này cầu ở chính mình, cho nên nói khó mà không khó. Tại sao nói dễ mà không dễ? Không thể khắc phục tập khí phiền não của mình, vậy thì không dễ dàng rồi. Cho nên, nhất định phải khắc phục hết tập khí phiền não của mình.

Tứ Hoằng Thệ Nguyện dạy chúng ta nguyên tắc cương lĩnh tu hành, thứ nhất là phải phát tâm “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”. Tâm niệm này là chánh giác, là tâm giác ngộ chân chánh. Thế nhưng câu nói này phải giảng như thế nào? Rất nhiều người còn mơ hồ chung chung, không hiểu nghĩa của nó. Câu nói này dùng cách nói hiện nay để nói chính là quên mình vì người, vì tất cả chúng sanh phục vụ, đây chính là “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”. Chúng ta ngày nay nói với người thông thường là hy sinh lợi ích của mình, thành toàn lợi ích của tất cả chúng sanh. Đây chính là ý nghĩa của câu nói này.

Cái khó xả nhất của chúng ta ngày nay là “lợi ích của mình”. Bạn không chịu xả, không chịu từ bỏ thì bạn sao có thể giúp đỡ chúng sanh được? Chư Phật Bồ-tát, Tổ sư Đại đức, chúng ta quan sát thật kỹ, người nào cũng có thể quên mình vì người. Điều kiện đời sống vật chất của các Ngài giảm xuống đến mức thấp nhất, không thể thấp hơn nữa; đời sống tinh thần thì vô cùng phong phú, niềm vui của đời sống tinh thần không có ai biết được, quả thật là pháp hỷ sung mãn, hết sức từ bi, đạt đến chỗ chí thiện. Phàm phu thông thường chúng ta đâu thể biết. Đây là điều chúng ta phải rõ ràng, phải sáng tỏ.

Chúng ta thử xem thật kỹ, thanh thiếu niên của xã hội hiện đại nghĩ điều gì, xem điều gì, nghe điều gì và nói điều gì? Sau đó trong tâm chúng ta đã đoán ra rồi, Thế Tôn ở trong Kinh nói: “Thời kỳ Mạt Pháp, tà sư thuyết pháp như Hằng hà sa”, điều đó chúng ta nhìn thấy rồi. Truyền hình, điện ảnh mà họ xem, chúng tôi rất ít tiếp xúc. Hôm qua tôi ở trên máy bay, trên máy bay thiết kế mỗi một vị trí ngồi thì có một cái ti-vi nhỏ, có mười mấy kênh. Chúng tôi ngồi trên máy bay không mở cái ti-vi này. Vì sao vậy? Ánh sáng của ti-vi này cách mắt quá gần, chắc chắn không tốt đối với sức khỏe. Nhưng chúng tôi nhìn thấy thanh niên ngồi dãy phía trước mở lên xem, tiết mục ở trong đó là bạo lực, rất khủng khiếp, vô cùng không lành mạnh. Hằng ngày họ xem những thứ này, nghe những thứ âm nhạc quằn quại, hỗn độn này, chúng tôi không cách gì tiếp nhận. Họ sống như vậy trở thành thói quen rồi. Bạn phải nghĩ đến não của họ đã bị tổn thương, không chỉ hằng ngày bị sóng điện quấy nhiễu, mà còn bị nội dung phim ảnh kích thích, sau này đến suốt đời tâm trạng sẽ trở nên căng thẳng, không ổn định, nghĩ ngợi lung tung, thường xuyên sợ hãi, thế nên nhất định họ sẽ làm sai việc. Những tiết mục này sẽ hại chết người, so với những tiết mục điện ảnh truyền hình của nửa thế kỷ trước thì hoàn toàn khác. Càng về trước nữa thì những tiết mục giải trí càng chất phác, nó dạy người làm thiện. Tiết mục hiện nay không phải dạy người làm thiện, mà đang xúi giục người khởi phiền não, xúi giục người suy nghĩ lệch lạc, xúi giục người làm ác, bạn nói điều này nguy hiểm cỡ nào? Hôm qua tôi ở trên máy bay đã nhìn sơ qua, tôi cảm thấy chúng sanh của thế kỷ sau khó độ. Những người trẻ tuổi các bạn, tương lai sau này, lớp người này là đối tượng độ chúng sanh của các bạn, vậy các bạn thử nghĩ, phải làm thế nào để có thể giúp họ quay đầu? Đây là bài học vô cùng nghiêm túc đã bày ra ngay trước mắt, hơn nữa vô cùng cấp bách. Do đó, “chánh kỷ hóa nhân” là quan trọng hơn hết. Nói cách khác, bản thân bạn bất chánh mà bạn muốn dạy họ thì tuyệt đối không thể được. Họ ngày nay là vô cùng bất chánh, bạn phải dùng thuần chánh trên cả vô cùng đó thì mới có thể cảm hóa được họ. Cho nên, bản thân chúng ta bất chánh thì nhất định không thể dạy người. Nếu bản thân bạn không đứng vững trong dòng thác lũ của thời đại lớn này thì bạn nhất định sẽ bị cuốn trôi, bạn sẽ bị kéo xuống biển. Người bị kéo xuống biển quá nhiều, quá nhiều rồi. Đối với sóng to gió lớn này, nhất định phải có định huệ chân thật. Vậy thì chúng ta bắt đầu tu từ đâu? Vẫn là một câu nói xưa, bắt đầu chuyển từ trên ý niệm: không nên vì bản thân nữa, không có chính mình. Trong Kinh Kim Cang nói rất hay: “Không tướng ngã, không tướng nhân, không tướng chúng sanh, không tướng thọ giả”. Thật sự có thể làm được “không bốn tướng”, lìa bốn tướng thì chúng ta mới có thể chánh được, “tâm chánh, thân chánh, hạnh chánh”. Nếu không thể xa lìa bốn tướng thì khó. Làm sao để có thể lìa bốn tướng? Chuyển đổi ý niệm trở lại, tất cả vì chúng sanh, ta đến thế gian này để phục vụ tất cả chúng sanh, sống để phục vụ tất cả chúng sanh, mà chết cũng để phục vụ tất cả chúng sanh, quyết định không phải vì mình mà đến. Cách chuyển đổi này thì bạn đã chuyển nghiệp lực thành nguyện lực, nhà Phật nói là “thừa nguyện tái lai”. Ý niệm vừa chuyển liền thành thừa nguyện tái lai. Công việc mà chúng ta phục vụ cho tất cả chúng sanh là gì? Phải nhớ kỹ, giúp đỡ tất cả chúng sanh phá mê khai ngộ. Đây là hạng mục phục vụ duy nhất của chúng ta, còn những hạng mục phục vụ khác thì thế gian có rất nhiều người đã và đang làm rồi, chúng ta không cần phải nhiều chuyện nữa. Thân phận của chúng ta là đệ tử xuất gia của Thế Tôn, người xuất gia chỉ đơn thuần làm một sự việc này.

/ 128