/ 128
850

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 28


Các vị đồng học, xin chào mọi người!

Phần trên chúng tôi đã giảng đến hóa tha, ý nghĩa tổng quát lại là “chánh kỷ hóa nhân”. Ở trong chú giải nói rất hay: “Bản thân đã chánh đáng, chẳng ép buộc mà người khác sẽ hành theo. Đã đổ công dốc sức giữ mình chánh đáng, sẽ có nhiều loại diệu dụng giáo hóa người khác. Người có thể giữ mình chánh đáng, chưa hề chẳng thể khiến cho muôn loài đều chánh đáng theo”.

Những lời nói này đều vô cùng khẳng định, muốn giúp đỡ người khác, giúp đỡ xã hội, điều quan trọng nhất vẫn là ở chính mình. Bản thân bất chánh, muốn giúp đỡ người khác sẽ vô cùng khó khăn, đương nhiên sẽ gặp biết bao chướng ngại, nhất là ở xã hội hiện đại này của chúng ta. Sự và lý chúng ta cũng phải thật rõ ràng, thật minh bạch. Bản thân chúng ta tâm chánh, ngôn chánh, hạnh chánh thì tự nhiên sẽ được đại chúng tôn trọng. Không những đại chúng tôn trọng bạn, mà quỷ thần cũng tôn trọng bạn, từ trong âm thầm tự nhiên được ủng hộ, càng có thể được chư Phật hộ niệm. Bản thân muốn hành chánh, điều quan trọng nhất là tâm chánh. Mỗi người chúng ta đều muốn học, rất mong được học, nhưng tại sao không học được? Nguyên nhân của không học được chính là không thể buông bỏ ý nghĩ tự tư tự lợi, đều bị thứ này chướng ngại mất rồi. Cho nên, nếu muốn tâm hạnh của mình được chánh, nhất định phải đem những chướng ngại này xả sạch. Có một số đồng tu nói: “Chúng con cũng rất muốn buông xả mà không thể buông xả được”. Nguyên nhân ở chỗ nào vậy? Nói thực ra, nguyên nhân là chưa hiểu rõ đối với thực tướng của các pháp. Thích-ca Mâu-ni Phật thuyết pháp 49 năm, nội dung 49 năm nói pháp là gì vậy? Chỉ một câu: “thực tướng của các pháp”, dùng cách nói hiện nay để nói, chính là “chân tướng của vũ trụ nhân sinh”. Hiểu rõ chân tướng rồi thì tự nhiên sẽ dễ dàng buông bỏ, không hề khó khăn chút nào cả. Thế nhưng chân tướng của vũ trụ nhân sinh đã sâu lại rộng, rất khó hiểu rõ, cho nên Phật phải dùng thời gian dài như vậy. Đặc biệt là Kinh Bát Nhã chỉ chuyên nói mỗi sự việc này. Phật thuyết pháp 49 năm, nhưng nói Kinh Bát Nhã trong 22 năm, gần như chiếm toàn bộ một nửa thời gian. Ngài dùng thời gian dài như vậy hết lòng khuyên bảo, chỉ có một mục đích là giúp chúng ta nhìn thấu. Sau khi nhìn thấu rồi thì tu hành, trên đường Bồ-đề sẽ không còn chướng ngại lớn nữa. Đường Bồ-đề là đường gì vậy? Là con đường sống hạnh phúc mỹ mãn. Bồ-đề là tiếng Ấn Độ, nghĩa là giác ngộ. Chúng ta sống ở trong biển đại giác sáng suốt, đối với người, với việc, với vật đều không còn mê hoặc điên đảo, đây gọi là đường Bồ-đề. Cho nên đường Bồ-đề chính là đời sống, chính là công việc thường ngày, chính là loại hoạt động bình thường đối với người, với việc, với vật. Hoạt động bình thường chính là đời sống của Bồ-tát, đời sống của Phật. Chúng ta học Phật mục đích cũng là ở chỗ này. Đây là điểm mà chúng ta trước tiên cần nhận thức rõ ràng. Không được phép xem Phật Bồ-tát là thần linh. Cầu khẩn thần linh phù hộ chúng ta, quan niệm này sai rồi!

“Chánh kỷ hóa nhân”. Ở trên công phu, đương nhiên trước tiên phải xây dựng một vũ trụ nhân sinh quan chính xác, cũng chính là nói, cách nhìn đối với nhân sinh, cách nhìn đối với môi trường sống của chúng ta có nhận thức chính xác. Đây là trí huệ. Có trí huệ rồi, còn phải có công phu. Công phu là gì? Là khắc phục tập khí phiền não của mình. Tập khí phiền não hình thành từ vô lượng kiếp đến nay, nhà Nho gọi là “tập tánh”, tập quen thành tự nhiên. Tập tánh này rất đáng sợ, rất phiền phức, rất không dễ dàng đoạn hết. Nếu không thể đoạn hết thì dù lý giải được cũng không lợi ích gì, vẫn tạo ra lục đạo luân hồi, vẫn phải đọa ba đường ác. Vì sao đọa ba đường ác? Thị phi, nhân ngã, tham - sân - si - mạn. Những quan niệm này, những hành vi này là nghiệp nhân đọa ba đường ác. Chúng ta đem nhân tố này tiêu trừ rồi, xả sạch rồi, vậy mới không bị đọa ba đường ác. Thế nhưng có mấy người có thể tiêu trừ được? Tại sao không thể tiêu trừ? Họ không chịu khắc phục tập khí phiền não của mình, sáu căn tiếp xúc cảnh giới sáu trần bên ngoài, họ liền tự nhiên sinh khởi tham - sân - si - mạn, tự nhiên sinh khởi tự tư tự lợi, phiền phức này quá lớn rồi.

/ 128