/ 128
661

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 27

 

Các vị đồng học, xin chào mọi người!

Câu tiếp theo của Cảm Ứng Thiên là chánh kỷ hóa nhân”. (Sửa mình chân chánh, cảm hóa người khác).

Những gì mà phần trước nói đều là để hoàn thành đức hạnh của chính mình, mục đích là nhằm giúp đỡ người khác. Trí huệ, đức hạnh của mình chưa thành tựu thì không thể giáo hóa chúng sanh. Cho nên, nếu muốn giáo hóa chúng sanh thì trước tiên bản thân phải tu cho tốt. Đây là đạo lý nhất định. Bất kể là cổ Thánh tiên Hiền Trung Quốc hay chư Phật Bồ-tát của Ấn Độ, mỗi người cũng đều phải làm như vậy, thậm chí là tất cả chư Phật mười phương thế giới cũng không có ngoại lệ. Cho nên chúng ta bắt buộc phải tuân theo con đường này, nhất định trước tiên phải tu bản thân cho tốt. Phần trước đề cập đến Tứ Hoằng Thệ Nguyện với quí vị. Muốn thực hiện được câu “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ” của Tứ Hoằng Thệ Nguyện thì nhất định trước tiên phải đoạn phiền não, thành tựu pháp môn, sau đó mới có thể hóa độ người. Đoạn phiền não là hoàn thành đức hạnh của mình. Học pháp môn là thành tựu trí huệ của mình, chúng ta thường nói là “phẩm học kiêm ưu” (phẩm hạnh và học vấn đều ưu tú).

Bản thân chúng ta là đệ tử Phật, bất luận là đệ tử xuất gia hay là đệ tử tại gia đều có sứ mạng hóa độ chúng sanh. Xuất gia, tại gia đều là Bồ-tát, cho nên giáo dục của Phật, thành tựu của Ngài là pháp giới Bồ-tát. Thế giới Hoa Tạng trong Kinh Hoa Nghiêm là pháp giới Bồ-tát. Thế giới Cực Lạc trong Kinh Vô Lượng Thọ nói rất rõ ràng, không những là pháp giới Bồ-tát mà còn là pháp giới của Bồ-tát Phổ Hiền, “tất cả cùng tu theo đức của Phổ Hiền Đại Sĩ”, câu này quí vị đều đã đọc qua. Chúng ta thử suy nghĩ, chúng ta có cái đức của Phổ Hiền Đại Sĩ chưa? Nếu như chưa có đức của Phổ Hiền Đại Sĩ thì không thể vãng sanh, điểm này chúng ta phải đặc biệt lưu ý.

Tất cả cùng tu theo đức của Phổ Hiền Đại Sĩ”, đây là câu Kinh văn đầu tiên sau phần liệt kê đại chúng thượng thủ trong Kinh Vô Lượng Thọ. Phật chỉ dạy chúng ta như thế nào, chúng ta cần phải học tập như thế ấy. Sau đó thử nghĩ tiếp, người niệm Phật rất nhiều, nhưng tại sao người vãng sanh lại ít như vậy? Lưu ý một chút đối với Kinh văn thì sẽ rất rõ ràng, rất minh bạch. Tuy người niệm Phật rất nhiều nhưng chưa đủ đức của Phổ Hiền Đại Sĩ, cho nên không thể vãng sanh. Đức của Phổ Hiền Đại Sĩ mấu chốt ở chỗ nào vậy? Mấu chốt là ở chỗ tâm lượng. Tâm lượng của Bồ-tát Phổ Hiền giống như hư không pháp giới, Ngài thật sự là “tâm bao thái hư, lượng châu sa giới”. Tâm lượng của chúng ta nhỏ như vậy, mỗi ngày niệm mười vạn tiếng Phật hiệu cũng không thể vãng sanh. Lời nói này là thật, không phải giả. Đại đức xưa nói: “Miệng niệm Di Đà tâm tán loạn, đau mồm rát họng cũng uổng công”. Nếu như có cái đức của Phổ Hiền Đại Sĩ thì chỉ cần niệm một tiếng Phật hiệu cũng vãng sanh rồi, đâu cần thiết niệm nhiều như vậy. Tâm của họ chính là tâm Phật, hạnh của họ cũng chính là hạnh Phật, tâm và hạnh tương ưng, từng nguyện tương ưng thì đâu có đạo lý nào không vãng sanh? Chúng ta phải hiểu rõ, hằng ngày tụng niệm Kinh Vô Lượng Thọ mà không tu đức của Phổ Hiền Đại Sĩ thì sao có thể thành tựu được.

Đức của Phổ Hiền Đại Sĩ vô lượng vô biên, chư Phật Như Lai đồng kể ra cũng kể không hết. Thế Tôn vì chúng ta quy nạp thành mười loại lớn, gọi là “Phổ Hiền Thập Đại Nguyện Vương”, khi chúng ta tu học sẽ tương đối thuận tiện. Nguyện thứ nhất là “Lễ kính chư Phật”, chúng ta có làm được chưa? Ý này chính là dùng tâm chân thành, cung kính mà đối xử với tất cả người, tất cả việc, tất cả vật, đó gọi là lễ kính chư Phật. Chúng ta chưa làm được thì phải xem lại. Nếu chúng ta đối với người, với việc, với vật có tâm thái hoàn toàn tương phản, vậy là đại bất kính. Hằng ngày cặp mắt giống như kẻ trộm vậy, chỉ chuyên tìm thói xấu của người khác, chuyên thấy khuyết điểm của người khác, sưu tập lỗi lầm của người khác, đây chính là đại bất kính, vậy thì bạn niệm Phật có gào rát cổ họng cũng uổng công.

/ 128