/ 128
760

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 26


Các vị đồng học, xin chào mọi người!

Trong hơn một ngàn chữ của Cảm Ứng Thiên, câu quan trọng nhất chính là “Trung hiếu hữu đễ”. Câu này có thể nói là hạt nhân của toàn bài, quan hệ lớn vô cùng, là đạo lý lớn để một người lập thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ ở trong xã hội. Người xuất gia tu hành, khai ngộ, chứng quả, làm Bồ-tát, làm Phật, mấu chốt cũng ở bốn chữ này. Cho nên, Thánh nhân thế xuất thế gian, tôi đã nói rất nhiều lần, mục đích, nguyện vọng của bậc Thánh Hiền chỉ là hy vọng tất cả chúng sanh tương thân tương ái, chung sống hòa thuận. Tuy nhiên, chủng loại quả báo của tất cả chúng sanh không như nhau. Những khác biệt này từ đâu mà có? Là từ nhân hạnh hiện tại và quá khứ của họ không giống nhau. Cho nên, từ trên quả chúng ta có thể nhìn thấy nhân, từ trên nhân có thể nhìn thấy quả, vậy thì chúng ta đã có trí huệ rồi. Sự việc này nếu muốn đạt đến mục đích thật sự thì chính trị không thể làm được. Nếu chính trị có thể đạt được mục đích này thì Thích-ca Mâu-ni Phật với thân phận của một vương tử, Ngài có thể làm quốc vương. Ngài biết chính trị không thể đạt được, vũ lực cũng không thể giải quyết nổi vấn đề này. Chúng ta thấy trong Kinh điển, Thích-ca Mâu-ni Phật lúc còn trẻ võ nghệ cao cường, Ngài có thể làm tướng quân, có thể làm thống soái, nhưng Ngài từ bỏ tất cả. Ngài biết sự việc này vũ lực không thể đạt được, kể cả kinh tế và khoa học kỹ thuật cũng đều không thể làm được. Phương pháp duy nhất có thể thu được hiệu quả tốt là chỉ có giáo dục, cho nên Thích-ca Mâu-ni Phật chọn công việc giáo dục xã hội, cả đời toàn tâm toàn ý dấn thân vào công việc giáo dục xã hội đa nguyên văn hóa. Thích-ca Mâu-ni Phật là một người như vậy, chúng ta cần nhận thức rõ ràng. Lý tưởng và ý chí vĩ đại của Ngài là muốn giúp tất cả chúng sanh lìa khổ được vui, tương thân tương ái, chung sống hòa mục.

Hôm nay, tại nơi đây có rất nhiều thầy cô đều là những người dấn thân vào công tác giáo dục. Công việc này vô cùng vĩ đại, thế nhưng ngày nay trên thế giới, người nhận thức nó quá ít. Tôi nghe một số đồng học nói, hiện nay thầy không dễ làm, học trò không dễ dạy. Vấn đề này tôi cũng đã từng thảo luận rồi, hiện nay sư đạo suy rồi, có thể nói đã không còn nữa. Hiếu đạo mất hết rồi. Hiếu đạo không còn nữa thì sư đạo đương nhiên là không còn, bởi vì sư đạo là xây dựng trên nền tảng của hiếu đạo. Người không biết hiếu thân thì làm sao biết tôn sư? Không thể nào!

Vào thời xưa, một người học trò tốt là cần có cha mẹ hợp tác mật thiết với thầy, mới có thể nuôi dưỡng cây non này lớn lên được, khiến họ tương lai trở thành nhân tài trụ cột xã hội. Tôi còn nhớ, khi tôi khoảng bảy - tám tuổi, lần đầu tiên đi học, vào thời đó vẫn còn tư thục, không phải trường học. Tư thục được bố trí ở trong một từ đường, một người thầy dạy khoảng hai mươi mấy học trò. Phụ thân tôi mang theo lễ vật cúng dường thầy, ở ngay đại sảnh đó của thầy. Đại sảnh đó chính là đại điện ở trong từ đường. Ngay giữa bàn thờ cúng dường có bài vị của chí Thánh tiên sư Khổng Lão Phu Tử. Phụ thân dắt tôi theo, phụ thân ở phía trước, tôi theo ở phía sau, trước tiên hướng về bài vị Khổng Lão Phu Tử hành lễ tôn kính nhất là ba lần quỳ, chín lần lạy. Sau khi hành lễ hoàn tất thì mời thầy ngồi vào ghế trên, phụ thân của tôi ở phía trước, tôi theo ở phía sau, cũng hướng về thầy hành lễ ba lần quỳ, chín lần lạy. Sau đó dâng lễ vật lên, đem con trẻ giao cho thầy. Phụ huynh đối với thầy tôn trọng như vậy, nếu thầy không thể dạy con trẻ tốt thì sao xứng đáng với phụ huynh? Nghi lễ này hiện nay không còn nữa. Khi tôi ở Đài Trung, lão sư Lý đã từng mở một lớp học gọi là “Lớp nghiên cứu nội điển”. Trong lớp học này có tám học trò, chính thầy là người phụ trách lớp học này, thầy đã mời năm vị thầy, tôi cũng là một trong số đó. Ngày khai giảng, lão sư Lý đại biểu cho phụ huynh của học trò đảnh lễ ba lạy với chúng tôi - những người làm thầy. Các phụ huynh không biết, nên lão sư Lý đại biểu cho phụ huynh hành lễ. Chúng tôi không dám tiếp nhận, thế nhưng không dám tiếp nhận cũng không được, thầy bảo chúng tôi hãy ngồi nghiêm chỉnh ở đó, chúng tôi y giáo phụng hành, đành phải ngồi ở đó để thầy lạy ba lạy. Nhận kiểu đối xử theo nghi lễ long trọng này, nếu không thể nghiêm túc dạy học thì đó chính là tội lỗi. Hiện nay nghi lễ không còn nữa. Hiện nay nghe nói thầy dạy dỗ học trò, phụ huynh còn muốn kiện thầy. Cho nên, thế gian này có tai nạn cực lớn sắp hiện tiền. Đây là gì vậy? Đúng như nhà tôn giáo nói là ông trời trừng phạt, Thượng Đế trừng phạt. Chúng ta xem thấy trong sách “Lời Tiên Tri” nói, người ta nhìn thấy tương lai trên thế gian này có rất nhiều người chết, bảy tháng chôn cất cũng không hết. Quả báo này từ đâu mà có vậy? Từ nhân bất thiện.

/ 128