/ 128
1.281

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 25

 

Các vị đồng học, xin chào mọi người!

Hai chữ “trung hiếu” ở trong Cảm Ứng Thiên, chúng tôi đã giảng không ít lần. Trong Vựng Biên, chú giải cũng đã dùng số trang rất lớn để dẫn chứng đối với hai chữ này. Đây là có đạo lý. Hai chữ này mọi người đều biết đọc, mọi người đều biết nói, nhưng hàm nghĩa đích thực của nó, người nhận thức được hoàn toàn không nhiều. Nếu như thật sự minh bạch rồi thì họ nhất định có thể làm được. Họ không làm được chính là do không nhận thức được hai chữ này, hoặc giả là nhận thức chưa đủ thấu triệt. Đây là sự thật. Điều mà cổ nhân và nhất là Phật pháp nói là “biết thì khó, làm thì dễ”. Hành trung hành hiếu, tận trung tận hiếu thì không khó, nhưng đối với ý nghĩa của hai chữ “trung hiếu” này mà thông đạt, sáng tỏ triệt để thì quả thật là quá khó.

Ở phần trước tôi đã báo cáo với quí vị rồi, chư Phật Như Lai vì pháp giới chúng sanh mà nói ra vô lượng Kinh luận, nhưng quy nạp chung lại cũng chính là hai chữ “trung hiếu” này. Qua đó có thể thấy, hàm nghĩa của hai chữ này thật sự có thể nói là tận hư không, khắp pháp giới, không thể nào nói hết được. Thế Tôn thuyết pháp 49 năm, cũng chẳng qua là vì chúng ta nêu ra cương lĩnh này mà thôi. Chúng ta cần phải từ trong cương lĩnh này mà thể hội, mà nhận thức, lĩnh hội thêm, sau đó chắc chắn có thể y giáo phụng hành.

Chữ “hiếu”này, nhà Phật gọi là toàn thể của tâm tánh, trong Kinh Bát Nhã nói là ký hiệu của thực tướng các pháp. Từ chữ này, chúng ta có thể thể hội được ý nghĩa mà nó biểu thị: tất cả chúng sanh trong hư không pháp giới với mình là một thể. Ai có thể nhận thức được điều này? Ở trong Kinh Phật nói là Pháp Thân Đại Sĩ. Tại sao họ có thể nhận biết vậy? Bởi vì họ chứng được pháp thân. Sao gọi là chứng được pháp thân? Khẳng định tất cả chúng sanh trong hư không pháp giới là chính mình, sự khẳng định này mới gọi là chứng được pháp thân. Ý nghĩa này, chúng tôi ở phần trước đã báo cáo qua với quí vị rồi. Giữa chúng ta với tất cả chúng sanh có biết bao nhiêu mâu thuẫn, có biết bao sự hiểu lầm, có bao nhiêu là xung đột, tất cả đều là do chưa hiểu rõ chân tướng sự thật. Nếu hiểu rõ chân tướng sự thật thì không có những sự việc này. Những sự việc này xảy ra là giống như một người bị bệnh vậy. Bị bệnh là gì? Nhà Phật nói “tứ đại không điều hòa” thì người này bị bệnh. Chúng ta với tất cả chúng sanh không thể điều hòa thì pháp thân bị bệnh, có thể điều hòa với tất cả chúng sanh thì pháp thân khỏe mạnh. Thứ làm chướng ngại pháp thân điều hòa là gì vậy? Phật ở trong Kinh nói rất rõ ràng, rất minh bạch, đó là kiến tư phiền não, trần sa phiền não, vô minh phiền não, những thứ mà chúng tôi ở trong các buổi giảng gọi là “vọng tưởng, phân biệt, chấp trước”. Bạn có những thứ này, cho nên tứ đại không điều hòa, pháp thân bất hòa, vì vậy khởi tâm động niệm, lời nói, việc làm đã trái ngược pháp tánh. Pháp tánh chính là tự tánh. Tự tánh chính là chân tâm, người thế gian chúng ta gọi là lương tâm. Chúng ta làm trái với lương thiện chân thuần rồi. Làm trái thì liền tạo tác vô lượng vô biên tội nghiệp. Tạo tội nghiệp thì liền chiêu cảm khổ báo luân hồi. Quả báo làm sao hiện tiền vậy? Phật nói rất hay: “Duy thức sở biến”, “Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh”, cho nên bạn tư duy thiện thì quả báo sẽ thiện, hoàn cảnh đời sống của chúng ta sẽ trở nên thiện; bạn có tư tưởng ác thì hoàn cảnh đời sống của bạn sẽ trở thành ác. Hoàn cảnh thuận nghịch, thiện ác mà chúng ta ở đều là do chính mình làm chủ tể, không liên can gì đến người khác, tự mình phải chịu trách nhiệm; không những chịu trách nhiệm với chính mình mà còn phải chịu trách nhiệm với tất cả chúng sanh. Người thế gian đọc sách rõ lý thì hiểu được, người tu hành học Phật cũng hiểu được. Thế nhưng ngày nay người đọc sách không hiểu, mà người tu hành cũng không biết, nguyên nhân này ở chỗ nào vậy? Người đọc sách thì không đọc sách Thánh Hiền, người tu hành thì không hiểu lời giáo huấn của Phật Bồ-tát. Tùy thuận theo tập khí phiền não của mình thì đâu có đạo lý nào mà không tạo nghiệp?

/ 128