THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 24
Các vị đồng học, xin chào mọi người!
Mấy ngày nay, chúng ta đã giảng hai chữ “trung hiếu”. Hai chữ này làm sao thực hiện và hình thức thực hiện như thế nào? Ở trong pháp thế gian, Khổng Lão Phu Tử thực hiện rồi, Mạnh Phu Tử cũng thực hiện rồi. Tâm hạnh cả đời của các Ngài chính là tấm gương của áp dụng thực tiễn. Ở trong Phật pháp, chư Phật Như Lai đã thực hiện rồi, chư đại Bồ-tát, Thanh Văn, Duyên Giác cũng thực hiện rồi. Hình tượng của các Ngài cũng chính là tấm gương thực hiện một cách chân thật.
Chúng ta học Phật thì phải biết, Phật giáo là giáo dục Thánh Hiền. Mục đích học Phật của chúng ta chính là học làm Thánh nhân, học làm Hiền nhân, dùng thuật ngữ của Phật pháp để nói là học làm Phật, học làm Bồ-tát. Phật Bồ-tát là người chí thiện. Nhà Nho nói: “Đạt đến chí thiện”, bốn chữ này chư Phật Như Lai thật sự làm được rốt ráo viên mãn.
“Chí thiện” là sự lưu lộ của tánh đức viên mãn. Hay nói cách khác, chúng ta cần phải làm một người chí thiện, chúng ta cần phải làm Phật, làm Bồ-tát. Làm Phật, làm Bồ-tát, đối với tất cả chúng sanh mà nói, đó là đạo lý muôn đời. Chúng ta hiện nay là phàm phu, đã mê mất tự tánh, nhất là sinh vào thời đại hiện nay, khổ nạn quá nhiều rồi. Sự đày đọa của những khổ nạn này đối với con người dĩ nhiên là đáng kinh sợ, nhưng cũng có thể khiến phàm phu tỉnh giác. Một gậy này đã đánh thức chúng ta. Sau khi tỉnh ngộ rồi thì chúng ta mới chịu quay đầu. Người thật sự quay đầu, triệt để quay đầu, khôi phục lại bản tánh của mình thì chính là Phật, chính là Bồ-tát, chính là đại Thánh đại Hiền mà nhà Nho gọi.
Khi chúng ta khởi tâm động niệm, hành vi đời sống, đối nhân xử thế tiếp vật, phải thường xuyên nghĩ những việc nào nên làm, những việc nào không nên làm. Bạn có thể làm rõ ràng, làm sáng tỏ việc nên làm và không nên làm thì bạn sẽ không còn mê hoặc điên đảo. Trí huệ của bạn đã mở, bạn tu học làm người, công phu tự nhiên sẽ đắc lực. Đây chính là phân biệt chân - vọng mà ở trong giáo huấn Phật pháp thường nói.
“Chân - Vọng”. Chân là điều chúng ta nên làm, hư vọng là điều không nên làm.
“Chánh - Tà”. Chánh là điều chúng ta cần phải làm, tà là điều không nên làm.
“Thị - Phi” (Đúng-Sai). Thị là điều nên làm, phi là điều không nên làm.
“Thiện - Ác”. Thiện thì nên làm, ác thì không nên làm.
“Lợi - Hại”. Lợi thì nên làm, hại thì không nên làm.
Sự “lợi - hại” này không phải đối với bản thân. Thế gian có rất nhiều người học Phật xem lợi hại là lợi hại của cá nhân mình. Điều này là sai rồi! Sự “lợi-hại” này là nói có lợi hay là có hại đối với xã hội, có lợi hay là có hại đối với quốc gia, có lợi hay là có hại đối với tất cả chúng sanh, chứ không phải là lợi hay hại đối với bản thân. Nếu như cái lợi hại này là nói đối với bản thân là sai rồi, đó không phải Phật pháp, mà đó là pháp luân hồi. “Lợi - hại” là như vậy thì bốn cặp đối nhau nói phía trước cũng là như thế. Chân vọng không phải nói đối với mình, tà chánh cũng không phải nói đối với mình, thị phi, thiện ác cũng đều không phải nói đối với mình. Bạn từ chỗ này đem ý nghĩ chuyển trở lại thì bạn đã có thể học Phật rồi. Nếu như đem những tà chánh, thị phi, thiện ác, lợi hại này thảy đều lấy bản thân làm tiêu chuẩn thì bạn vẫn là phàm phu, bạn có học như thế nào cũng không thể thoát khỏi lục đạo luân hồi. Nếu không thể thoát khỏi lục đạo luân hồi thì chắc chắn là đọa ba đường ác. Phật nói rất rõ ràng và mọi người chúng ta cũng đều hiểu rõ. Chúng sanh trong lục đạo, thời gian ở ba đường ác thì dài, còn thời gian ở ba đường thiện thì ngắn. Tôi thường nói (trong Kinh điển Phật cũng có ví dụ này), chúng ta đến ba đường thiện cũng giống như nghỉ phép đi tham quan du lịch vậy. Đọa ba đường ác là bạn lại trở về quê hương rồi. Quê nhà của chúng sanh lục đạo là ba đường ác. Phật ở trong Kinh tuy thường hay nói, nhưng có mấy ai xem lời Phật nói là quan trọng đâu? Nếu như thật sự xem lời giáo huấn của Phật là quan trọng thì họ sẽ tha thiết nỗ lực, tìm đủ mọi cách thoát khỏi luân hồi. Thế nhưng họ không xem lời giáo huấn của Phật là quan trọng, nghe như gió thổi ngoài tai, nghe xong liền quên mất, vẫn cứ làm xằng làm bậy, vẫn cứ làm chuyện lục đạo luân hồi. Phật Bồ-tát quả thực từ bi đến cực điểm. Chúng ta là người phản nghịch, ngoan cố như vậy, nhưng Phật không hề từ bỏ chúng ta, đời đời kiếp kiếp vẫn ở bên cạnh nhắc nhở chúng ta, gợi ý cho chúng ta, nhắc đi nhắc lại chỉ dạy chúng ta vô số lần. Ân đức của Phật, cha mẹ cũng không thể sánh bằng. Ân đức của cha mẹ đối với chúng ta là chỉ một đời, còn ân đức của Phật Bồ-tát đối với chúng ta là đời đời kiếp kiếp; vô lượng kiếp đến nay, các Ngài chưa bao giờ ruồng bỏ chúng ta.