/ 128
779

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 23


Các vị đồng học, xin chào mọi người!

Nhà Phật nói tu hành, định nghĩa của hai chữ này chúng ta nhất định phải hiểu cho rõ ràng. Tu hành chính là điều chỉnh hành vi sai lầm của chúng ta. Hành vi thì rất nhiều, Phật đem nó quy nạp thành ba loại lớn là “Thân-Khẩu-Ý”. Cho dù hành vi có nhiều đi nữa cũng không thể vượt khỏi ba phạm vi này. Hành vi của thân chính là động tác cử chỉ của chúng ta; hành vi của khẩu là lời nói; hành vi của ý là tư tưởng, kiến giải. Hành vi đã có sai lầm, đem sai lầm điều chỉnh trở lại thì gọi là tu hành. Chúng ta phải hiểu cho thật rõ ràng, thật minh bạch điều này.

Tổ sư Đại đức dạy chúng ta, tu hành phải “tu từ căn bản”. Cái gì là căn bản? Ý niệm là căn bản, tư tưởng là căn bản. Cho nên, tu từ căn bản cũng tức là nói, hành vi cho dù có nhiều đi nữa thì cũng đều phát sinh từ tư tưởng. Tư tưởng thuần chánh thì tất cả đều thuần chánh, tư tưởng tà lệch thì tất cả đều bất chánh. Đây là ý nghĩa của việc khuyên chúng ta tu từ căn bản. Thế nhưng cách nói này rất cạn, ý nghĩa đích thực của căn bản này là gì, chúng ta nhất định phải biết. Đó chính là “xứng tánh khởi tu, toàn tu tại tánh” (khởi sự tu hành tương hợp với tự tánh, hết thảy pháp tu đều ở nơi tự tánh). Đây mới thật sự tìm ra được căn bản.

Tu tánh, tánh là căn bản của tâm; tánh là thể, tâm là tác dụng. Ở trong Phật pháp Đại Thừa thường gọi tâm là thức (tâm thức hay thức tâm). Đây là tác dụng của nhất niệm tự tánh. Khi đang mê, phàm phu gọi nó là tám thức, năm mươi mốt tâm sở. Từ đó cho thấy, tác dụng của nó tuy tương đối phức tạp, nhưng thể của nó là một, là nhất niệm tự tánh. Mười pháp giới y chánh trang nghiêm chính là từ gốc này sinh ra. Trong Kinh Hoa Nghiêm nói rất hay: “Duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”. Hiện tượng của mười pháp giới là tâm tánh, hiện tượng thiên biến vạn hóa. Sự biến hóa này từ đâu mà có vậy? Là do “thức” biến. “Thức” chính là ý nghĩ, chính là tư tưởng, chính là kiến giải. Phật nói cho chúng ta biết, sự thiên biến vạn hóa của mười pháp giới sinh ra từ tư tưởng, ý nghĩ của chúng ta, đây mới là căn nguyên. Người tu hành phải bắt tay làm từ chỗ này. Căn nguyên này chính là “trung hiếu” mà chúng tôi giảng mấy ngày nay.

Ý nghĩa của“thuận thân, dưỡng chí” (thuận theo cha mẹ, nuôi dưỡng tâm chí) rất sâu. Hiếu nhất định phải thuận, không thuận thì không gọi là hiếu, cho nên “hiếu - thuận” là đi cùng với nhau. Phải thuận như thế nào mới được xem là hiếu chân thật vậy? Phải thuận tánh, vậy mới là thật sự biết hiếu, nhận thức được hiếu. Phật pháp Đại thừa nói: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”, tùy thuận Phật tánh mới là đại hiếu, mới là chân hiếu. Cha mẹ của chúng ta có Phật tánh, chúng ta tùy thuận Phật tánh của cha mẹ mà tận hiếu, không phải tùy thuận phiền não. Cha mẹ cũng là phàm phu, họ có phiền não, chúng ta không thể tùy thuận theo phiền não của họ, mà là tùy thuận Phật tánh của họ. Ý nghĩa này chúng ta phải thể hội cho được. Giúp đỡ cha mẹ làm Phật, giúp đỡ cha mẹ giác ngộ, vậy mới được xem là tận hiếu. Từ đó cho thấy, nếu chúng ta muốn giúp đỡ cha mẹ giác ngộ, nhưng bản thân chúng ta không giác ngộ thì làm sao có thể giúp đỡ được? Cho nên chúng ta phải biết, muốn tận hiếu, hành hiếu thì trước tiên cần tự mình giác ngộ, cần tự mình thành tựu, vậy mới có thể giúp đỡ người khác. Giúp đỡ người khác, đối tượng đầu tiên là cha mẹ.

Chữ “hiếu” này chính là nhất niệm tự tánh mà Phật nói trong Kinh. Chữ “trung” này chính là Phật hạnh, Bồ-tát hạnh. Phát tâm Bồ-đề, hành Bồ-tát đạo chính là tận trung. Đây là cách giảng sâu hơn một bậc của hai chữ này, là ý nghĩa đích thực của hai chữ này. Ý nghĩa đích thực này, nhà Nho cũng có nói, nhưng nói không nhiều. Tại sao không nói nhiều vậy? Vì nói người ta không thể hiểu, cho nên không chịu nói sâu, chỉ nói ở mức cạn, dạy cho người sơ học. Trong Phật pháp nói nhiều về hai chữ “trung hiếu” này. Nền tảng tu học Phật pháp, khi so sánh thì sâu dày hơn nhiều, thời gian tu học Phật pháp cũng tương đối dài hơn, đặc biệt là chú trọng ở “thâm nhập một môn, trường kỳ huân tu”. Hai câu tám chữ này vô cùng quan trọng. Chúng ta có thể có thành tựu hay không, mấu chốt là ở chỗ này. Tu học Phật pháp điều kiêng kỵ nhất là tạp tu. Trong sáu Ba-la-mật có tinh tấn Ba-la-mật. Như thế nào gọi là tinh tấn? Tinh là thuần chứ không tạp, tạp thì không tinh; một môn là tinh tấn, hai môn thì không tinh tấn rồi.

/ 128