THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 22
Các vị đồng học, xin chào mọi người!
Mấy ngày nay, chúng ta nói về hai chữ “Trung Hiếu”. Nói thật ra, người nhận thức được hai chữ này không nhiều, người có thể thật sự thể hội được nghĩa thú mà hai chữ này biểu thị thì ngày càng ít. Do hạn chế thời gian, cho nên chúng tôi chỉ có thể làm một cuộc giới thiệu, gợi ý đơn giản, vắn tắt. Nếu như quí vị có thể thể hội tỉ mỉ thì hai chữ này đã bao gồm tất cả Phật pháp. Không những tất cả pháp mà Thích-ca Mâu-ni Phật đã nói trong 49 năm, thậm chí là pháp mà mười phương ba đời tất cả chư Phật Như Lai nói, đều không nằm ngoài hai chữ này.
“Hiếu” là nói thể tướng của tất cả chúng sanh trong hư không pháp giới, còn “trung” là nói đại dụng của nó. Nếu dùng đề Kinh của Kinh Hoa Nghiêm để nói, thì hai chữ “trung hiếu” này chính là “Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh”. “Trung” là “Phật Hoa Nghiêm”, “hiếu” là “Đại Phương Quảng”. Hàm nghĩa của hai chữ này sâu rộng vô tận, chúng ta cần thể hội thật kỹ. Kinh điển gồm một tạng giáo lớn mà Thích-ca Mâu-ni Phật đã nói trong 49 năm chính là phát huy tường tận hai chữ này. Hai chữ “trung hiếu” này làm được viên mãn rồi thì chính là vô thượng Bồ-đề, chính là quả địa Như Lai cứu cánh, mỗi người thành Thánh thành Hiền, gia đình hòa hợp, xã hội bình yên, tất cả chúng sanh đều có thể chung sống hòa mục. Xa rời hai chữ này thì tất cả đều không thể làm được. Cho nên, hai chữ này chúng ta nhất định không được lơ là.
Cổ nhân nói: “Nhất gia nhân, nhất quốc nhân” (Một nhà nhân từ, cả nước nhân từ). “Nhân” là chữ “nhân” trong nhân ái. Chữ “nhân” này cũng là chữ hội ý, đó là ý gì vậy? Nhân ái chính là chúng sanh. Biểu thị của chữ này là hai người, không phải một người; có ta còn có người khác. Ta và người là một thể, ta và người không hai. Đây là ý biểu thị của chữ nhân.
Tông môn có một câu nói: “Biết được nhất thể, muôn việc đều thông”. Phật pháp thường nói: “Vào pháp môn không hai”. Thật sự “biết được nhất thể”, “vào pháp môn không hai” thì người này mới là nhân giả. Nhà Phật gọi người thì gọi là nhân giả, cách xưng hô này là vô cùng tôn kính. Phật ở trong Kinh điển gọi Bồ-tát là nhân giả. Chúng ta hãy xem từ trên mặt chữ, người nhân từ chỉ có Bồ-tát mới là “từ bi làm gốc, phương tiện làm cửa”. Chúng ta muốn một nhà đều làm được nhân ái, các vị nên biết ý nghĩa của “nhân ái” so với “thân ái” không giống nhau. “Thân ái” là xây dựng từ trên tình cảm sâu dày, còn “nhân ái” là xây dựng từ trên lý. Biết là ta và người không hai, vạn pháp nhất thể, tâm thương yêu đó là từ trên lý, từ trong tâm tánh lưu xuất ra, đó là yêu thương chân thật, vĩnh hằng, bất biến. Người khác yêu thương ta, ta cũng yêu thương họ; người khác không yêu thương ta, ta vẫn yêu thương họ; người khác dùng thiện tâm đối với ta, ta cũng dùng thiện tâm đối với họ; người khác dùng tâm bất thiện đối với ta, ta vẫn dùng thiện tâm đối với họ. Đó là Bồ-tát, đó là nhân ái, không phải thân ái mà thông thường nói có thể sánh bằng. Tình thì có nhiều biến đổi, cho nên tâm thương yêu sanh ra từ tình là vô thường, yêu thương có thể biến thành ghét, có thể biến thành hận. Những sự việc này, tôi nghĩ quí vị đồng tu đều hiểu rất dễ dàng.
Trong xã hội hiện nay, mọi người thử xem sẽ biết ngay, có bao nhiêu người lúc mới kết hợp là bạn tốt? Khi nam nữ kết hôn, ân ái biến thành vợ chồng, nhưng chẳng bao lâu đã ly hôn, biến thành oan gia, biến thành đối đầu, bạn bè biến thành thù địch, quá nhiều, quá nhiều rồi. Nguyên nhân do đâu? Sự kết hợp của ân ái là tình cảm, cho nên bên ngoài nhìn thấy rất đẹp, nhưng bên trong vấn đề rất phức tạp, nên nó không phải là vĩnh cửu. Tâm thương yêu của Phật Bồ-tát là vĩnh hằng, bất biến. Tại sao vậy? Vì trong ngoài nhất như; bên ngoài là bình đẳng, bên trong là thanh tịnh, không có vấn đề. Đây là tự tánh của chúng ta, đây mới là mặt mũi xưa nay của chúng ta. Học Phật chẳng qua là khôi phục tự tánh, khôi phục lại mặt mũi xưa nay vốn có mà thôi.