/ 128
702

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 21

 

Các vị đồng học, xin chào mọi người!

Sáng hôm qua, chúng ta đã giảng giải đơn giản về chữ “Hiếu”. Hàm nghĩa của chữ “Hiếu” này sâu rộng vô hạn. Đây là pháp môn đại tổng trì của tất cả chúng sanh trong hư không pháp giới, cũng tức là nói ngang khắp mười phương, dọc cùng ba mé đều bao gồm ở trong chữ này. Phật pháp được xây dựng bắt đầu từ hiếu và kết thúc cũng vẫn là hiếu. Chư Phật Bồ-tát dạy người chẳng qua là tận hiếu, hành hiếu mà thôi.

Điều đầu tiên trong “Tịnh Nghiệp Tam Phước” dạy chúng ta là “hiếu dưỡng phụ mẫu”. Chúng ta muốn hành hiếu, tận hiếu phải thực hiện từ hiếu dưỡng phụ mẫu, sau đó mở rộng đến hiếu dưỡng tất cả chúng sanh. Trong Kinh Bồ-tát Giới, Thế Tôn nói với chúng ta rất rõ ràng là “tất cả người nam là cha ta, tất cả người nữ là mẹ ta”. Đây là mở rộng hiếu dưỡng phụ mẫu đến hư không pháp giới, vậy mới có thể tận hiếu. Ai có thể tận hiếu một cách rất viên mãn vậy? Quả vị Như Lai mới thật sự làm được viên mãn, Bồ-tát Đẳng Giác vẫn chưa đạt đến cứu cánh viên mãn. Từ đó cho thấy, học Phật chính là học chữ “hiếu”, chính là học chữ “trung” này. Phật pháp không có gì khác, chỉ là “trung - hiếu” mà thôi.

Ân đức của cha mẹ đối với chúng ta quá lớn, mạng sống này có được từ cha mẹ, cho nên hiếu dưỡng phụ mẫu là đạo lý muôn đời. Đây mới được xem là làm người. Tu học từ trên cơ sở này mới có thể thành Bồ-tát, thành Phật. Chúng ta hiếu dưỡng phụ mẫu là dùng tâm hiếu để dưỡng phụ mẫu. Nhà Nho nói rất hay, chúng ta phải “dưỡng thân mạng của cha mẹ”, phải chăm lo đời sống vật chất cho cha mẹ; phải biết “dưỡng tâm của cha mẹ”, phải làm cho tâm trạng cha mẹ vui vẻ, không có lo lắng, không có phiền não. Muốn vậy thì chúng ta phải thuận, nếu như không thuận thì cha mẹ sẽ sinh phiền não, sẽ có lo lắng. Cho nên, chữ “hiếu” trong thực tiễn thật không dễ dàng. Nếu như không có tâm chân thành (chúng ta thường nói là “tâm chí thiện”, “tâm thuần hiếu”, “tâm thuần kính”), thì chữ “hiếu” này sẽ rất khó thực hiện. Nói tóm lại là chúng ta phải dùng chân tâm.

Ngoài ra, còn phải biết “dưỡng chí của cha mẹ”. Chí của cha mẹ là gì vậy? Là sự kỳ vọng đối với bạn. Chí của cha mẹ, chí nhỏ là hy vọng bạn thăng quan phát tài. Người có tầm nhìn tương đối xa, người xưa gọi là “mong con trai thành rồng, con gái thành phụng”, dùng cách nói hiện nay để nói là hy vọng bạn có thể vượt bậc xuất chúng, làm rạng rỡ tổ tông, khiến tổ tông, gia tộc đều lấy bạn làm vinh dự. Vào thời xưa đây là sự kỳ vọng của bậc làm cha mẹ thông thường đối với con cái. Nếu như cha mẹ giác ngộ thì họ kỳ vọng bạn, hy vọng bạn làm Bồ-tát, làm Phật, đạt đến cứu cánh viên mãn thật sự.

Chúng ta có thể khiến cha mẹ không thất vọng hay không? Làm Bồ-tát, làm Phật, bất kể thân phận gì, bất kể ngành nghề như thế nào đều có thể làm được. Làm Phật không nhất định là chỉ 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp. Tướng mà cư sĩ Duy-ma hiện là tướng Phật tại gia, còn tướng mà Hòa thượng Phong Can, Hàn Sơn, Thập Đắc hiện là hình tướng của người làm công quả rất bình thường. Quan sát họ tỉ mỉ, quả thật là hạnh Bồ-tát, quả thật là tướng Phật. Bồ-tát Quan Thế Âm có 32 ứng thân, 32 loại tướng Phật, 32 loại hạnh Bồ-tát. Cho nên bất kỳ thân phận gì, bất kỳ ngành nghề nào đều có thể làm Bồ-tát, đều có thể làm Phật.

Làm Bồ-tát, làm Phật có gì khác với phàm phu vậy? Tôi nghĩ đồng tu chúng ta đều hiểu rất rõ, đều rất sáng tỏ. Mỗi ngày chúng ta đang đọc tụng Kinh điển Đại Thừa, mỗi ngày đang nghiên cứu thảo luận nên có ấn tượng tương đối sâu sắc. Phật Bồ-tát không có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, các Ngài chỉ có một tâm chân thành, tâm thuần thiện; thuần tâm yêu thương người, yêu thương tất cả chúng sanh; thuần tâm vì tất cả chúng sanh phục vụ, không có một niệm vì bản thân; niệm niệm nghĩ đến sự an định của xã hội, thế giới hòa bình, tất cả chúng sanh hạnh phúc chân thật; khởi tâm động niệm, lời nói việc làm đều tương ưng một cách viên mãn với “ngũ giới, thập thiện” mà Phật pháp đã nói. Cho nên thập thiện nghiệp đạo, chúng ta nhất định không được xem thường, xem lướt qua. Viên mãn của thập thiện nghiệp đạo là đạo hiếu viên mãn, Phật đạo viên mãn.

/ 128