THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 20
Các vị đồng học, xin chào mọi người!
Cảm Ứng Thiên Vựng Biên giảng chữ “Trung”, trong chú giải tổng cộng có 43 điều, đại đa số là liệt kê sự tích tận trung trong nhiều đời của các ngành, các nghề để chúng ta làm tham khảo, cung cấp cho chúng ta học tập. Người tu đạo, người học Phật cần phải tận trung như thế nào, tận hiếu như thế nào. Đối với hai chữ “Trung Hiếu” phải có cách nhìn như thế nào thì phần trước chúng tôi đã nói qua với quí vị rồi.
Hai chữ “Trung Hiếu” này đều là chữ hội ý. Chúng ta từ trên ký hiệu mặt chữ này cần thể hội nghĩa chân thật ở trong đó. Hình dạng của chữ “Trung” này là “Trung” và “Tâm”, cũng chính là tâm khởi tác dụng phải gìn giữ trung đạo. Nhà Phật nói trung đạo đệ nhất nghĩa đế, nhà Nho nói trung dung, cho nên phải biết dùng trung. Trong pháp thế gian chính là Thánh Hiền, trong Phật pháp chính là Phật Bồ-tát. Thánh nhân thế gian và Thánh nhân xuất thế gian biết dùng trung. Thánh nhân thế gian dùng trung là dùng cái tương tự với trung, nếu chúng ta dùng Lục Tức trong Thiên Thai để nói thì đó là “tương tự tức trung”. Đại Thánh thế gian cũng có thể làm được “phần chứng tức trung”. Nhưng trong Phật pháp, chư Phật Bồ-tát như trong Kinh Hoa Nghiêm nói 41 vị Pháp Thân Đại Sĩ, có thể nói các Ngài đã đạt đến “cứu cánh tức trung”. Từ lời nói này của tôi các vị hãy thể hội ý nghĩa này, đó là trung đạo cứu cánh viên mãn. Trung thì không lệch, trung thì không e sợ.
Tại sao chúng ta nói chư Phật Bồ-tát dùng trung cứu cánh viên mãn hơn Thánh nhân của thế gian? Vì tâm của Phật Bồ-tát quả thật đúng là tận hư không khắp pháp giới. Đạo lý chân tướng sự thật này, Thánh nhân thế gian chưa đạt đến. Thánh nhân thế gian, cái gọi là thiên hạ, trên thực tế là chỉ trái đất này, lấy thiên hạ làm tâm, thật sự có thể yêu thương thế nhân. Tâm lượng của Phật Bồ-tát là tận hư không khắp pháp giới, bởi vì các Ngài biết hư không pháp giới tất cả chúng sanh là duy tâm sở hiện, nói cách khác chính là tướng phần của tâm. Tâm không có tướng, nhưng nó có thể hiện tướng, cho nên tướng là tướng phần của tâm. Chúng ta hiện nay là phàm phu, tướng phần trong cảm quan của sáu thức là duy thức sở hiện (do thức biến hiện). Chúng ta gọi duy thức sở hiện là vọng tướng, cho nên trong Kinh Kim Cang nói: “Phàm những gì có tướng đều là hư vọng”. Ngoài vọng tướng ra còn có chân tướng hay không? Phật nói, có! Chân tướng là Nhất Chân Pháp Giới, Thế giới Hoa Tạng là Nhất Chân Pháp Giới, Thế giới Cực Lạc cũng là Nhất Chân Pháp Giới. Từ trong ngôn từ này quý vị có nhận ra ý nghĩa trong đó hay không? Nếu bạn thật sự nhận ra được thì bạn sẽ hiểu rõ thôi.
Tướng không có chân, vọng. Nói chân, nói vọng là Phật phương tiện nói, không phải chân thật nói. Tại sao không thể nói là chân, là vọng vậy? Bởi vì trong tâm tánh không có tướng thì sao có thể nói chân, sao có thể nói vọng? Nếu như bạn nhất tâm thì tướng hiện sẽ là nhất chân. Nếu như bạn có hai tâm, ba ý thì tướng hiện sẽ là vọng tướng. Bạn có hiểu rõ hay không? Tướng là tâm hiện, là thức biến, cho nên nói tất cả hiện tượng từ tâm tưởng sinh. Đây là chân lý, là chân tướng sự thật. Nếu như bạn thể hội được thì bạn sẽ khẳng định điều mà Phật nói ở trong Kinh là “y báo chuyển theo chánh báo”. Chánh báo là tâm, y báo là cảnh giới. Cảnh giới nhất định chuyển biến tùy theo tâm niệm. Cho nên, Phật Bồ-tát ở trong cảnh giới có thể làm chủ tể. Phàm phu không hiểu đạo lý này, cũng không biết chân tướng sự thật này, cho nên tâm bị cảnh chuyển. Nghe nói thế gian này có tai nạn thì lo sợ bất an, lo nghĩ đủ bề. Tại sao vậy? Tâm chuyển theo cảnh, vậy là không tự tại rồi, là khổ không thể nói nên lời. Chư Phật Bồ-tát, bạn hỏi các Ngài có tai nạn hay không? Không có! Tại sao không có vậy? Các Ngài không những không có tâm bất thiện, mà còn không có hai niệm, vĩnh viễn sống ở trong nhất tâm, cho nên kiết hung họa phước các Ngài đều không có, khổ - lạc - ưu - hỷ - xả mà người thế gian thọ nhận các Ngài cũng không có. Đây là biết dùng trung, đây chính là tâm trung.