630

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 19

 

Các vị đồng học, xin chào mọi người!

Câu thứ 19 trong Cảm Ứng Thiên Vựng Biên là hai chữ trung hiếu”. Hai chữ này thực ra là căn bản của cảm ứng của đức hạnh. Chú giải của phần này là đoạn phong phú nhất trong toàn văn. Bản chú giải mà tôi dùng thì khác với bản mà các vị dùng. Bản chú giải của tôi tổng cộng có 17 tờ, mỗi tờ có 2 mặt. Có thể thấy các bậc Cổ Đức rất xem trọng hai chữ này. “Trung hiếu”, “hiếu” là căn bản của thành kính. Phật pháp được xây dựng trên đạo hiếu. Trung Quốc từ xưa đến nay, giáo dục của nhà Nho cũng lấy “trung hiếu” làm trung tâm, đây là giáo dục. Thế nào là giáo dục? Chỉ hai chữ trung hiếu mà thôi. Đây là điều chúng ta không thể không biết. Tức là phải học trung, phải tận hiếu.

Cổ nhân dạy chúng ta: “Làm bề tôi phải tận trung, làm con phải tận hiếu, đây là thiên lý thường hằng, là cội gốc của nhân luân”. Chú giải mở đầu là bốn câu nói này. Phật dạy: “Y nghĩa bất y ngữ” (y theo nghĩa lý, không y theo ngôn ngữ văn tự), câu nói này rất hay, bạn cần hiểu được ý nghĩa của nó. Bởi vì ngôn ngữ thì thay đổi theo thời đại, còn ý nghĩa là nguyên tắc, là cương lĩnh, vĩnh viễn không thay đổi. Trước đây, vào thời còn vua chúa, “làm bề tôi phải tận trung”, là bề tôi đối với vua thì phải tận trung. Dùng cách nói hiện đại chính là người bị lãnh đạo phải biết tận trung với người lãnh đạo. Từ ý này suy ra chính là nói phải tận trung phục vụ nhân dân, vậy thì các vị dễ hiểu hơn. Chúng ta phục vụ, phục vụ có đối tượng. Đối tượng là người nào? Đối tượng là nhân dân. Chúng ta phục vụ nhân dân, phục vụ chúng sanh, phải biết tận trung.

Làm con phải tận hiếu”, câu nói này thì dễ hiểu. Tận trung là dựa vào tận hiếu làm căn bản. Nếu một người không biết hiếu thì họ làm sao có thể tận trung được? Hiếu là lẽ thường của tự nhiên, là gốc của nhân luân. Trung là đại đạo lý của làm người. Bạn xem trong văn tự Trung Quốc chữ “trung” (忠) này là gồm chữ “trung” (中) và chữ “tâm” (心), tức là tâm của bạn phải chánh, phải ở giữa, không được lệch, không được tà. Cổ nhân giải thích cho chúng ta đó là “thành kính”, “thành kính” là tướng mạo bên ngoài. “Một niệm không sanh gọi là thành”, từ đó chúng ta lĩnh hội được tâm trung chính là nhất tâm, nhị tâm là bất trung rồi. Hai tâm thì tâm của bạn đã lệch rồi. Tâm trung là một niệm không sanh, sanh một niệm là bất trung. Từ đó cho thấy, cái chữ trung này là thành kính đến cực điểm, chân thành cung kính đến cực điểm mới gọi là trung.

Giáo dục của nhà Nho, giáo dục của nhà Phật chính là dạy điều này, đây là lẽ thường của tự nhiên. Thường là đạo thường, là vĩnh hằng bất biến. Trong Phật pháp gọi là “lẽ thường của pháp tánh”, “pháp vốn như vậy”. Người có thể thuận theo đạo thường thì được gọi là Phật, là Bồ-tát. Đánh mất đạo thường, trái ngược đạo thường, người này được gọi là chúng sanh, là phàm phu. Có thể thấy phàm, Thánh là khác biệt từ chỗ một niệm này. Cái gốc của nhân luân là căn bản của làm người. Hay nói cách khác, không còn trung hiếu nữa thì căn bản của nhân luân đã bị mất. Vẫn có hình tướng của con người nhưng trên thực tế có phải là người hay không? Không phải là người, chỉ là hình tướng con người mà thôi.

Đại sư Thiên Thai giảng Kinh Pháp Hoa đã triển khai mười pháp giới thành “bách giới thiên như” (một trăm cảnh giới, một ngàn như thị). “Bách giới” từ đâu mà có? Trong mỗi pháp giới đều có mười pháp giới. Thí dụ chúng ta là ở pháp giới người, trong pháp giới người này có Phật ở trong đó. Ai là Phật ở trong cõi người? Hai chữ trung hiếu này làm được rất viên mãn, không có một mảy may thiếu sót, đây chính là Phật ở trong cõi người. Hai chữ trung hiếu này làm được năm phần trở lên nhưng chưa làm được viên mãn, thì đây là Bồ-tát, là Duyên Giác, Thanh Văn ở trong cõi người. Hai chữ trung hiếu có thể làm được một, hai phần mười, đó mới là người ở trong cõi người. Có thể làm được bốn, năm phần thì là người trời ở trong cõi người. Nếu không làm được, hoặc làm trái ngược thì là súc sanh ở trong cõi người, ngạ quỷ ở trong cõi người. Hoàn toàn trái ngược, đại nghịch bất đạo là địa ngục ở trong cõi người.