THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 18
Các vị đồng học, xin chào mọi người!
“Tùy duyên giúp người” gồm có mười điều, đã giới thiệu tám điều rồi. Sau đây còn hai điều, điều thứ chín là “kính trọng bậc tôn trưởng”, thứ mười là “yêu quý sinh mạng chúng sanh”. Phật dạy chúng ta phải tùy duyên chứ không phan duyên. Bản thân Phật Bồ-tát đã làm được rất viên mãn rồi, làm nên tấm gương cho chúng ta thấy. “Kính trọng bậc tôn trưởng”, đặc biệt là người ngày nay đã xem nhẹ điều này. Vì sao phải kính trọng? Bậc tôn trưởng là đối tượng để chúng ta học tập kính trọng. Hơn nữa, trên thực tế, ý của Phật là muốn chúng ta tôn kính tất cả. Vì sao? Vì tôn kính là tánh đức. Chúng ta học Phật mục đích là muốn làm Phật. Làm thế nào mới có thể làm Phật? Nhất định phải phục hồi tánh đức một cách viên mãn thì liền tự nhiên thành Phật. Phật không phải miễn cưỡng mà thành tựu được, là tự nhiên thành tựu. Phật ở trong đại kinh nói cho chúng ta biết: “Tất cả chúng sanh vốn dĩ thành Phật”. Vốn dĩ chúng ta đều là Phật, hiện tại thì không phải. Nguyên nhân vì sao mà không phải? Tư tưởng, kiến giải, hành vi của chúng ta đã đi ngược với tánh đức, cho nên không phải là Phật. Nếu như thuận theo tánh đức, đó chính là Phật, cùng với hết thảy chư Phật Như Lai không hai không khác.
Từ đó cho thấy, Phật giáo hóa chúng sanh, chẳng qua là giáo hóa người thuận theo tánh đức mà thôi. Thuận theo tánh đức là tự nhiên, trái ngược với tánh đức chính là phá hoại tự nhiên. Trong Phật pháp, có khi không dùng từ “tự nhiên”, vì sợ mọi người có chấp trước, có hiểu lầm đối với từ này, mà dùng “Pháp nhĩ”. “Pháp nhĩ” nghĩa là gì? Là giống như ý nghĩa của chữ “tự nhiên”. “Pháp” là tất cả các pháp. “Nhĩ” tức là như vậy, vốn dĩ chính là như vậy.
Nói thật ra, hiện nay chúng ta muốn lĩnh hội những ý nghĩa này thì cần phải có độ sâu suy nghĩ. Vì sao vậy? Mọi người thường nói môi trường tự nhiên bị phá hoại rồi. Môi trường tự nhiên chính là môi trường sống của chúng ta, môi trường tự nhiên bị phá hoại, chính là môi trường sống của chúng ta bị phá hoại. Chúng ta hiện nay cảm thấy sống rất là đau khổ. Không những ở trong thức ăn nước uống có chứa rất nhiều vi khuẩn gây bệnh, khiến cho người khi ăn uống cảm thấy thấp thỏm lo âu mà ở trong nước cũng chứa chất độc, thậm chí là ở trong không khí cũng chứa chất độc.
Thời đại này của chúng ta, nước để uống, không khí để hít thở không bằng thời đại ngày xưa. Thời đại ngày xưa, quả thật nước uống là suối trong, hít thở là không khí trong lành, đây là nói môi trường sống của chúng ta thua xa với người xưa. Bị ai phá hoại vậy? Bản thân chúng ta phá hoại, thật sự là tự làm tự chịu. Nhưng không phải toàn thể loài người chúng ta đều đang phá hoại, chỉ thiểu số người làm mà đa số người phải chịu liên lụy. Thiểu số người phát minh, đa số người ham muốn một chút tiện ích nhỏ, ham muốn một chút lợi nhỏ, không biết là về sau sẽ có tai nạn lớn đang chờ, đây là ngu si, đây đích thực là vô tri.
Cho nên Phật dạy người không có gì khác ngoài việc hồi phục tánh đức mà thôi. Tánh đức là cái vốn có của bạn, bạn hiện tại đã mê rồi, vô lượng trí huệ đức năng không thể hiện tiền, Phật hết lòng hết dạ khuyên bảo chúng ta. Vì sao trí huệ đức năng không thể hiện tiền? Vì mê hoặc, ngu si. Từ trong si mê sanh khởi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, đúng sai, nhân ngã, tham sân si mạn, các thứ này đang tạo nghiệp, đây chính là phá hoại môi trường tự nhiên, khiến đức năng vốn có trong tự tánh chúng ta bị chướng ngại, không thể hiện tiền. Vào lúc này, Phật gọi những người này là phàm phu. Chỉ cần trừ sạch những chướng ngại này thì trí huệ đức năng sẽ hồi phục lại ngay, thì người này gọi là Phật Bồ-tát. Phật Bồ-tát khác biệt với chúng sanh là ở chỗ này. Chúng ta hễ tin lời của Phật, hiểu rõ lời của Phật, nương theo lời của Phật mà làm thì có thể hồi phục tánh đức.
Trong Kinh Hoa Nghiêm, Bồ-tát Phổ Hiền đã nêu ra mười cương lĩnh tu học cho chúng ta. Điều thứ nhất là “lễ kính chư Phật”, cũng chính là nói tu hành chân chánh phải bắt đầu từ “lễ kính chư Phật”. Tiên sinh Liễu Phàm ở chỗ này dạy chúng ta “kính trọng tôn trưởng” chính là thực hành “lễ kính chư Phật”. Đây là bước đầu thực hiện, bồi dưỡng tâm kính trọng, kính yêu tôn trọng, đây là tánh đức. Sau đó dùng sự kính yêu này, kính yêu một cách chân thành, tôn trọng một cách chân thành để đối đãi với tất cả chúng sanh, không còn phân biệt, không còn chấp trước nữa, đây chính là sự lưu lộ của tánh đức, đây chính là “lễ kính chư Phật” mà Bồ-tát Phổ Hiền thật sự đã thực hành.