/ 128
813

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 17


Các vị đồng học, xin chào mọi người!

Hôm qua đã nói đến “tích đức lũy công”, trong phần trích dẫn sách Liễu Phàm Tứ Huấn, chúng ta nói đến mục cứu người trong cơn nguy cấp của việc “tùy duyên giúp người”. Hôm nay giảng đến mục tiếp theo là “hưng kiến đại lợi” (khởi xướng, xây dựng những việc lợi ích lớn). Phàm là có ích cho xã hội, có lợi ích cho chúng sanh, đây đều là lợi ích chân thật. Nhưng thế nào gọi là đại lợi? Điều này có quan hệ mật thiết với mục “cứu người trong cơn nguy cấp” đã nói ở phía trước. Hay nói cách khác, có thể cứu giúp chúng sanh nguy cấp là đại lợi, có thể phòng ngừa đủ thứ tai họa, đó là đại lợi. Giúp đỡ chúng sanh, nhất định phải biết phòng ngừa khi họa chưa xảy ra. Làm thế nào mới thật sự biết phòng họa? Cần phải có trí tuệ, cần có sự hiểu biết phong phú. Thế là chúng ta liền nghĩ đến giáo dục mới là lợi ích lớn nhất.

Hãy nhìn từ thành quả của nó, ở Trung Quốc vào thời xưa, Khổng Lão Phu Tử dùng thân phận bình dân để làm giáo dục. Tuy là đời sống vật chất của cả đời Ngài tương đối thanh bần, nhưng việc Ngài làm thì chân thật là việc tốt, không những ảnh hưởng đến thời đại đó, ảnh hưởng đến lịch sử, mãi cho đến ngày nay sức ảnh hưởng của nó vẫn còn tồn tại. Không những ảnh hưởng không bị mất đi, mà có vẻ như dần dần mở rộng. Các vị thử nghĩ, lợi ích như thế nào mà có thể ảnh hưởng đến muôn đời như vậy? Cũng không thấy cách thức nào khác, chỉ có giáo dục mới tạo ra sự ảnh hưởng sâu xa như vậy.

Ở Ấn Độ xưa, Thích-ca Mâu-ni Phật là một tấm gương tốt, cũng dấn thân vào công tác giáo dục xã hội. Việc mà Khổng Tử và Phật-đà làm là sự việc giống nhau, sức ảnh hưởng không thể nghĩ bàn như nhau. Sự việc này thật sự có thể giúp người đoạn ác tu thiện, phá mê khai ngộ, có thể tránh được hết thảy tai nạn cho chúng sanh, có thể ngăn ngừa thiên tai nhân họa. Có thể phòng ngừa tai nạn do con người tạo ra, mọi người đều đồng ý, đều tin, nhưng tai họa tự nhiên, chúng ta thường gọi là thiên tai cũng có thể phòng ngừa được sao? Nhà Phật nói là có thể. Vì sao vậy? “Y báo chuyển theo chánh báo”. Tâm người đoan chánh, hành vi đoan chánh thì hoàn cảnh sống của chúng ta cũng theo đó mà đoan chánh, đây chính là nói rõ, thiên tai sẽ tùy theo tâm người mà sanh ra biến đổi. Chúng sanh không hiểu rõ đạo lý này, trong tâm suy nghĩ là niệm ác, việc làm là hạnh ác thì sẽ chiêu cảm đến biết bao thiên tai nhân họa. Cho nên muốn khiến tất cả chúng sanh lìa khổ được vui thì biện pháp duy nhất chính là giúp chúng sanh phá mê khai ngộ.

Vậy là chúng ta biết được, việc “hưng kiến đại lợi”, điều quan trọng nhất là giáo dục. Nền giáo dục này, chúng ta dùng cách nói của người nước ngoài để nói, vì người Trung Quốc thường hay mê tín là “mặt trăng ở nước ngoài thì sáng hơn”. Vào thập niên 70, Tiến sĩ Arnold J. Toynbee nước Anh đã nói: “Có thể giải quyết vấn đề của thế kỷ 21, chỉ có Phật pháp Đại Thừa và học thuyết Khổng Mạnh mà thôi”, đây là người nước ngoài nói. Chúng ta từ đây lĩnh hội được chỉ có nền giáo dục của Phật-đà và nền giáo dục của nhà Nho mới có thể tạo nên lợi ích lớn nhất trong việc giúp đỡ tất cả những chúng sanh khổ nạn.

Ai đi làm vậy? Người giác ngộ phải đi làm. Không có năng lực để làm, nếu có mấy người chí đồng đạo hợp muốn học thì dạy ba người, dạy năm người, dạy tám người, mười người đều được. Chỉ cần bản thân thật sự hiểu rõ rồi, toàn tâm toàn lực mà làm, quyết không cầu danh vọng lợi dưỡng, nhất định không cầu tự tư tự lợi. Chúng ta nên biết, Thích-Ca Mâu-Ni Phật năm xưa tại vườn Lộc Uyển, cũng chỉ dạy có năm người, khởi nghiệp từ năm Tỳ-kheo. Thật sự vì người khác mà làm thiện, thật sự thành tựu việc tốt của người thì tự nhiên có những người chí đồng đạo hợp đến cùng nhau học tập. Thế Tôn năm xưa giáo hóa, số người càng ngày càng nhiều. Chúng ta đọc thấy ở trong kinh điển, 1.255 người, đây là lúc Thế Tôn dạy học, lúc học trò đông nhất là có nhiều đến như vậy. Chúng ta thử xem ở Trung Quốc, nhiều đời Tổ sư dạy học, đều là tấm gương tốt nhất cho chúng ta. Địa điểm dạy học không nhất định là phải xây một cái đạo tràng, xây một ngôi trường học rồi mới có thể dạy học, vậy thì quá chậm rồi, sẽ không kịp rồi. Tùy lúc tùy nơi nhiệt tâm chỉ dạy, còn xây đạo tràng, xây trường học thì tùy duyên. Người thật sự hiểu biết, người thật sự giác ngộ thì không ai mà không cả đời tùy duyên qua ngày. Cho nên tâm trạng của họ thanh tịnh tự tại, điểm này rất quan trọng, hơi có một chút xíu tâm phan duyên, có một mảy may tâm tự tư tự lợi thì bạn liền có lo nghĩ ngay.

/ 128