THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 14
Các vị đồng học, xin chào mọi người!
Phần trước giảng đến “tích đức lũy công”, trong phần giải thích của sách Vựng Biên đã trích dẫn đoạn Tích Thiện trong sách Liễu Phàm Tứ Huấn. Đoạn này trước đây tuy đã giảng qua rất nhiều lần, thế nhưng tôi vẫn phải thường giảng lại. Vì sao vậy? Tuy đã giảng rồi nhưng chúng ta chưa làm được. Vì sao không làm được? Chúng ta cần phải suy nghĩ nhiều, phải tìm cho được nguyên nhân vì sao không làm được, rồi tiêu trừ sạch nguyên nhân không làm được thì chúng ta mới được cứu. Nếu không sẽ nhìn thấy tiền đồ của chúng ta là một màu đen tối, phải đi về hướng tam đồ, địa ngục. Những lời này đều là sự thật, nhưng chúng ta luôn luôn không chú ý. Chúng ta không đi đường Bồ-đề mà đi vào ba đường ác.
Cho nên lời khai thị này là vô cùng quan trọng. Văn trích ra rất dài, chúng ta chỉ chọn lấy mấy điều về phân biệt thiện ác để cùng với mọi người nghiên cứu một lần nữa. Trong Liễu Phàm Tứ Huấn nói: “Thiện có chân giả, có đoan khúc”. “Đoan” tức là hành vi ngay thẳng chính trực. “Khúc” tức là hành vi không ngay thẳng chính trực. “Có âm, có dương”. “Dương” là bạn hành thiện mọi người đều biết, được mọi người trong xã hội tán thán. “Âm” là bạn làm việc thiện không có ai biết, nhưng báo đáp của trời đất quỷ thần cho bạn sẽ vô cùng hậu hĩ. “Có phải có trái, có lệch có ngay, có vơi có đầy, có lớn có nhỏ, có khó có dễ.” Ông nói nhiều như vậy để giúp chúng ta phân biệt. Hai chữ “thiện ác” khi xem thấy dường như rất dễ dàng, nhưng trên thực tế rất khó phân biệt. Quả báo cảm được kiết hung họa phước vô cùng vi diệu.
Phần trước chúng ta đã đọc qua, đúng là lưới trời lồng lộng tuy thưa mà khó thoát. Một người cả đời, đời đời kiếp kiếp ở trong vòng nhân quả báo ứng. Một gia đình, một đoàn thể, một xã hội, một quốc gia, ngày nay chúng ta nói đến trái đất này, thế giới này, các vị hãy suy nghĩ quan sát thật kỹ, có gì chẳng phải là nhân duyên quả báo đâu chứ? Cho nên nhà Phật dùng hai chữ “nhân quả”, đã khái quát hết tất cả pháp thế xuất thế gian. Không những pháp thế gian là nhân duyên quả báo, mà pháp xuất thế gian cũng không ngoại lệ. Ở trong kinh luận thường nói: “Phật pháp nhân duyên sanh” (Phật pháp do nhân duyên sanh). Thấu triệt đạo lý nhân duyên quả báo và chân tướng sự thật thì người này chính là Phật, là Bồ-tát. Đối với cái chân tướng sự thật này mê mà không giác thì người này là phàm phu. Tiên sinh Liễu Phàm dựa theo tâm đắc tu học cả đời của chính ông, đã viết ra mười điều này cung cấp cho chúng ta làm tham khảo.
Chúng ta cần nên đọc thật kỹ, nghĩ thật sâu, đặt nền móng cho học Phật, cho làm người, vậy thì tốt không gì bằng. Ông có câu nói rất hay: “Làm thiện mà không rõ lý, tự cho rằng mình hành trì đúng, đâu biết là đang tạo nghiệp, chỉ uổng phí, khổ tâm, vô ích vậy” đây là lời giáo huấn chân thực, là tâm đắc chân thực của cả đời ông. Bạn muốn đoạn ác tu thiện mà chưa đủ thấu triệt đạo lý đoạn ác tu thiện, không hiểu rõ, luôn luôn tự mình cho rằng đã làm việc tốt, thực ra là tạo nghiệp. Loại hiện tượng này xưa nay trong và ngoài nước có thể thấy từng giờ, đặc biệt là hiện nay, người hiện nay không đọc sách xưa.
Chúng ta nên biết là những ghi chép trong sách xưa là kinh nghiệm của lịch sử, là kinh nghiệm của mấy ngàn năm đời đời truyền lại, sai lầm của nó không lớn, độ tin cậy rất cao. Nếu chúng ta dựa vào kinh nghiệm một đời của mình, cả đời bạn cũng chẳng qua là kinh nghiệm của mấy mươi năm mà thôi, so với kinh nghiệm mấy ngàn năm của người ta thì còn kém rất xa. Luôn luôn tự cho mình là đúng, tự cho là thiện, tạo tác chiêu cảm đến tai họa mà tự mình không thừa nhận, cho rằng đây là thảm họa thiên nhiên. Trong phút chốc đã đùn đẩy cái trách nhiệm này, giống như chẳng liên quan gì với ta, ta là người đại thiện, không biết được chính mình đã tạo nghiệt.
Tôi ở trong các buổi giảng cũng thường nói: thế gian kiết hung họa phước là ai tạo ra? Người giác ngộ thì biết là chính mình tạo nên. Người mê hoặc thì đùn đẩy trách nhiệm này cho người khác, không liên quan gì với ta. Người giác ngộ biết là do chính mình tạo nên, chính mình không làm tốt, chính mình đã không để ý. Đặc biệt là ngày nay, bản thân chúng ta khởi tâm động niệm, lời nói việc làm không đủ để làm tấm gương tốt cho người thế gian, đây chính là bản thân đã tạo nghiệt, chúng ta làm chưa đủ tốt. Chư Phật Bồ-tát thị hiện ở thế gian này, cũng cảm thán như vậy, bản thân làm vẫn chưa đủ tốt nên không thể cảm hóa người thế gian. Phật Bồ-tát quy trách nhiệm về chính mình để thành tựu đức lớn của chính mình.