/ 128
1.056

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 13


Các vị đồng học, xin chào mọi người!

Hôm qua nói đến căn bản của tu học, tức là làm thế nào để thật sự có được tâm thành kính, đối với đúng sai, tà chánh, thiện ác có được sự phân biệt thật rõ ràng. Sự việc này vốn dĩ là không dễ dàng. Vào thời xưa nền giáo dục rất tốt, tuy thời xưa trường học không phổ biến, thế nhưng các bậc làm cha mẹ đều biết cách dạy bảo con cái, tinh thần trách nhiệm của họ rất khác so với người hiện nay. Người xưa thường vô cùng xem trọng việc giáo dục, phong khí xã hội đôn hậu, khái niệm luân lý đạo đức rất phổ biến. Chúng ta có thể thấy lời chỉ dạy của bậc Thánh Hiền thời xưa ở Trung Quốc trong sách Ngũ Chủng Di Quy, hiện nay có tặng cho các vị quyển Lễ Ký Tinh Hoa Lục, ở trong đó cũng có thể xem thấy. Từ thời Dân Quốc đến nay, đường lối giáo dục của thời xưa đã bị phủ định mà tiếp nhận rộng rãi quan niệm của người phương Tây. Người phương Tây là người theo chủ nghĩa vụ lợi, họ không nhận thức được rõ ràng luân lý đạo đức. Trung Quốc bị điều này làm ảnh hưởng rất lớn. Những người trẻ tuổi ngày nay từ nhỏ đã không có người dạy, không có người giảng, xã hội cũng không chú trọng, cũng không đề xướng.

Tập khí phiền não từ vô thủy kiếp đến nay ở trong tâm, bên ngoài thì ngũ dục lục trần cám dỗ thì sao lại không động tâm, không khởi ý niệm được chứ? Ở trong hoàn cảnh này, thật sự không khởi tâm, không động niệm thì đó không phải phàm phu rồi, người này nhất định là Phật Bồ-tát tái lai. Sự thay đổi đường lối giáo dục này, chỉ có một số ít những người lớn tuổi có học sách xưa thỉnh thoảng vẫn còn đàm luận. Ở trong cửa Phật, các lão Hòa thượng khi giảng kinh thuyết pháp cũng thỉnh thoảng nhắc đến một chút, còn từ nay về sau thì rất khó nói.

Từ hiện tượng này, chúng ta thật sự lĩnh hội được vì sao pháp vận của Thế Tôn có ba giai đoạn. Trong ba giai đoạn này, giai đoạn sau không bằng giai đoạn trước, tình hình ngày một tệ dần. Chúng ta đã hiểu rõ nguyên nhân này rồi, vì không có người dạy thiện pháp. Thực tế có phải là không có người dạy hay không? Là không có người chịu nghe, không có người chịu học, không có người chịu tiếp nhận. Cho nên chư Phật Bồ-tát nhất định phải dùng cách thức khác để giúp đỡ chúng sanh, cách thức đó là trí huệ cao độ tột bậc, thêm nữa là độ khó cao mà hiệu quả thì không lớn. Đây chính là “lợi hành” và “đồng sự” trong Tứ Nhiếp Pháp, quả thật là chư Phật Bồ-tát từ bi đến cực điểm.

Sự nghiệp mà chúng ta làm ngày nay chính là kế thừa đường lối, hệ thống tư tưởng này, đó là xả mình vì người. Nếu theo quan niệm của người thế gian thì tự mình phải hy sinh to lớn, xa lìa danh vọng lợi dưỡng, xa lìa ngũ dục lục trần. Tại vì sao? Để cầu hạnh phúc cho tất cả chúng sanh. Mấy năm nay chúng tôi ở các nơi giảng kinh thuyết pháp, trong tổng đề mục chọn lấy hai câu của trường Đại học Bắc Kinh nêu ra là: “Học vi nhân sư, hành vi thế phạm” (học để làm chuẩn mực cho người khác, hành động để nêu gương cho đời), hai câu này quả thật đúng là tâm Bồ-tát, hạnh Bồ-tát. “Sư” là chuẩn mực, “phạm” là tấm gương tốt. Chúng ta khởi tâm động niệm, lời nói việc làm có thể làm tấm gương tốt cho người thế gian hiện đại hay chưa? Nếu làm tấm gương tốt cho người khác thì chính mình nhất định phải tuân thủ luân lý đạo đức, phải tuân thủ lời giáo huấn Thánh Hiền. Cho nên phải đọc thuộc kinh, phải nghiền ngẫm lý cho thật sâu, sau đó thực hiện lời giáo huấn của Thánh Hiền.

Người thế gian có thể sống đời sống sung túc, có thể hưởng thụ cái mà người thế gian gọi là lạc thú. Hậu quả của lạc thú này là gì vậy? Có nghĩ đến hay không? Họ không hề nghĩ đến. Chúng ta thì nghĩ đến rồi. Nếu sự hưởng thụ này không thể giúp thoát khỏi lục đạo luân hồi thì các vị nên biết, sự hưởng thụ này là ngắn ngủi tạm bợ. Ở trong kinh Phật có thí dụ là “nếm mật trên lưỡi dao”. Là việc không đáng làm. Cho nên chư Phật Bồ-tát thị hiện đều là thị hiện khổ hạnh là rất có đạo lý. Mục đích của sự thị hiện khổ hạnh là vì chúng sanh thời kỳ mạt pháp. Phật ở thời kỳ chánh pháp làm tấm gương tốt cho chúng sanh thời kỳ mạt pháp, ý nói cho chúng ta biết, chỉ có trải qua đời sống này, loại hành trì này thì chúng ta mới có thể giữ vững được đức hạnh. “Dục bất khả túng” (không được buông thả lòng ham muốn). Người xưa nói dục tình sinh khởi từ chỗ cực vi tế, vừa mới sinh ra thì dễ dàng khống chế. Tổ sư đại đức của Tịnh Tông dạy chúng ta một niệm “A Di Đà Phật” là có thể trừ sạch cái ý niệm vi tế này.

/ 128