/ 128
1.170

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 11


Các vị đồng học, xin chào mọi người!

Hôm qua chúng ta học đến câu thứ 14: Kỳ quá đại tiểu, hữu sổ bách sự. Dục cầu trường sanh giả, tiên tu tị chi” (tội lỗi lớn nhỏ của con người, có đến mấy trăm chuyện. Kẻ mong sống lâu, trước hết hãy nên tránh những tội lỗi này). Tội lỗi lớn nhỏ có mấy trăm loại. Chữ “sự” trong kinh văn là chủng loại. Ở trong mỗi loại thật sự mà nói là vô lượng vô biên. Cổ đức nói: “Phi nghĩa nhi động” (hành động những điều phi nghĩa), đó chính là lỗi. “Nghĩa” là “nên”, nếu tư tưởng hành vi của bạn đều là không nên thì đó chính là lỗi lầm. Lỗi lầm có lớn nhỏ; lớn chính là nghiệp chướng, nhỏ thì gọi là lỗi lầm. Thiên địa quỷ thần đều nhìn thấy tội lỗi, chư Phật Bồ-tát nhìn thấy càng rõ ràng hơn. Thành thật mà nói, điều mà thiên địa quỷ thần nhìn thấy, chúng ta thường nói đó là chuyện đương nhiên. Chư Phật Bồ-tát còn có thể nhìn thấy được đạo lý vì sao nó lại như vậy, vì sao bạn mê hoặc, vì sao bạn tạo nghiệp, vì sao bạn thọ báo.

Vì sao nói chư Phật Bồ-tát có thể nhìn thấy được cái đạo lý vì sao nó như vậy. Mọi người đã đọc Kinh Vô Lượng Thọ rồi, người ở thế giới Cực Lạc, cho dù là người mới vừa vãng sanh hạ phẩm hạ sanh, năng lực của họ cũng đều là thiên nhãn nhìn thấu, thiên nhĩ nghe suốt, tha tâm đều biết. Hay nói cách khác, đối với con người bạn, đời đời kiếp kiếp trong quá khứ của bạn, họ đều biết rõ những tình trạng đó. Cho nên họ biết lý do tại sao như vậy. Tích tập ác nghiệp trong nhiều kiếp, trong nhiều kiếp đã dưỡng thành cái thói quen xấu ác, tập khí ác này, không dễ gì thay đổi.

Chúng ta thấy trong Kinh Địa Tạng, thế gian có một số người bất thiện, tập khí nghiệp chướng rất nặng, đến cõi người từ đường ác trong đời quá khứ, nên còn mang theo cái tập khí tàn dư của đường ác. Thiên địa quỷ thần chưa chắc có thể nhìn thấy rõ được những đạo lý này. Khả năng của A-la-hán có thể nhìn thấy năm trăm đời quá khứ của một người, trước năm trăm đời thì họ không nhìn thấy. Cho nên cần phải hiểu rõ triệt để thì thuyết pháp mới có thể khế cơ, mới biết dùng pháp phương tiện gì để giúp đỡ những chúng sanh khổ nạn này.

Cảm Ứng Thiên nói ở chỗ này cũng là một nguyên tắc. Nguyên tắc này có tính phổ biến, nếu mọi người có thể tuân thủ thì chắc chắn được lợi ích. Trong quá khứ, ở Trung Quốc, ba nhà Nho Thích Đạo đều theo đuổi công tác giáo dục xã hội, đều mang tư tưởng nhất thể đa nguyên văn hóa, đối với xã hội Trung Quốc có cống hiến rất lớn. Tam giáo tuy có khác biệt nhưng cũng có chỗ tương đồng. Đó chính là bất luận tu học theo đạo nào thì nhất định phải lấy “tích đức” làm gốc, đây là điều tam giáo đều công nhận. Tích đức bắt đầu từ đâu vậy? Là từ trên tâm địa mà hạ công phu. Tâm địa nhất định phải quang minh lỗi lạc.

Nhà Phật nói “siêu phàm nhập thánh”. “Phàm” là gì? Phàm là phàm tình, chúng ta ngày nay gọi là tình cảm, tình cảm này là phàm tình. Xử sự theo tình cảm thì sẽ có lỗi lầm, chúng ta thường nói xử sự theo tình cảm. Có thể buông xả tình chấp, vứt bỏ rồi, thì người này chính là Thánh. Thánh là người hiểu biết minh bạch, người giác ngộ. Cho nên làm Thánh chính là làm người hiểu biết minh bạch, làm người giác ngộ. Nếu như không chuyển đổi tình chấp thành trí huệ thì bạn không làm Thánh được. Hay nói cách khác, bạn vĩnh viễn sẽ không hiểu rõ ràng, vĩnh viễn sẽ không giác ngộ.

Tình chấp phát sinh từ đâu vậy? Phật pháp nói từ trên lý, là phát sinh từ phân biệt, chấp trước bốn cái tướng của bạn. Bốn tướng chính là tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả, bạn phân biệt, chấp trước bốn cái tướng này, đây là nguồn gốc của tình chấp. Bởi vì bạn phân biệt chấp trước cho nên bạn mới có tự tư tự lợi, mới có nhân ngã thị phi, mới có tham sân si mạn. Không những ngôn hành của bạn tạo nghiệp mà khởi tâm động niệm cũng là tạo nghiệp. Phần trước đã nói qua một cách sơ lược điều này với các vị rồi. Khởi tâm động niệm là ý ác, tâm bạn ác, tâm không tốt. Phật Bồ-tát giác ngộ rồi, hiểu minh bạch rồi. Người giác ngộ không có ngã, không có chính mình cho nên mới có thể thật sự tôn kính người khác, người hiểu biết mới có thể làm được.

/ 128