/ 128
1.497

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 10


Các vị đồng học, xin chào mọi người.

Xin mời xem câu thứ mười hai trong Cảm Ứng Thiên: Nguyệt hối chi nhật, Táo thần diệc nhiên” (Vào ngày cuối tháng, Táo thần cũng vậy). Tám chữ này là một đoạn, bài văn này vừa mở đầu đã nói rõ cho chúng ta nguyên lý của nghiệp nhân quả báo, tiếp theo đó là nói cho chúng ta những chân tướng sự thật này, gieo nhân thiện nhất định được quả thiện, tạo nhân ác chắc chắn không tránh khỏi ác báo. Tiếp theo nữa là sự giám sát của thiên địa quỷ thần. Người xưa phần lớn đều có thể tin những sự việc này, nhưng người hiện nay cho rằng đây là mê tín, đã lơ là hết thảy sự việc này mất rồi, cho nên mới cảm ứng đến cái tai họa to lớn. Rất nhiều người cho rằng rất nhiều sự việc là tai họa tự nhiên, không phải do con người tạo nên. Cách nghĩ, cách nói này chắc chắn là sai lầm, họ không biết tất cả chúng sanh trong hư không pháp giới cùng với bản thân chúng ta là cùng một thể. Cho nên chúng ta khởi tâm động niệm đều gắn bó chặt chẽ, đều có liên quan đến tất cả chúng sanh trong hư không pháp giới.

Trong kinh luận Phật nói rất nhiều, nói rất tường tận đạo lý này rồi. Nếu chúng ta không thể thâm nhập kinh tạng thì rất khó mà lĩnh hội được những lý cùng sự này, vẫn là tùy thuận tập khí phiền não của chính mình, tự nhiên sẽ tạo ác nghiệp rất nặng. Chính mình không biết mình đã tạo những ác nghiệp này. Nếu tự biết mình đang tạo nghiệp thì người này sẽ khai ngộ, nhà Phật nói là giác ngộ rồi, giác ngộ thì có thể quay đầu, giác ngộ thì có thể được cứu, quay đầu là bờ, có thể vượt thoát tất cả tai nạn, có thể thoát khỏi lục đạo, thập pháp giới, đi làm Phật, làm Bồ-tát. Thế nhưng loại người có căn tánh này, ở thế gian thật là vô cùng hiếm hoi, trong ức vạn người khó có được một người. Phật nói ở trong kinh, loại người này là từ vô lượng kiếp đến nay, thiện căn phước đức nhân duyên của họ đã chín muồi rồi nên mới có hiện tượng này.

Đại đa số người là bất giác, Phật Bồ-tát đối với những người này hoàn toàn không từ bỏ, các Ngài từ bi đến cực điểm, vẫn thị hiện trong chúng sanh giới, trong lục đạo, dùng đủ loại phương tiện để khởi phát tánh giác của chúng sanh. Nếu trong một đời chưa độ được thì các Ngài có thể chờ nhiều đời nhiều kiếp. Chúng ta ngày nay ở ngay trong đời này có thể tỉnh ngộ, lẽ nào không phải là do Phật Bồ-tát đã gợi ý trong nhiều đời nhiều kiếp, nên chúng ta mới bỗng nhiên đại ngộ, đây đúng là nói rõ: “Trong cửa Phật không bỏ một ai”. Nhưng trước khi chúng ta lĩnh ngộ, chưa quay đầu thì biển khổ mênh mông, nghiệp báo không thể nghĩ bàn, có ai biết được chứ?

Trước mắt chúng ta nhìn thấy có tai nạn rất lớn. Những tai nạn này từ đâu mà ra vậy? Từ nghiệp lực tạo nên, Nghiệp lực của ai? Người thật sự khế nhập Phật pháp biết được là nghiệp lực của chính mình. Tại vì sao chúng sanh không thể hướng thiện? Chúng ta hãy thu nhỏ phạm vi lại. Tại vì sao bản thân các đồng tu chúng ta không thể tu hành hết mình, không thể tu hành như lý như pháp? Vì bản thân ta chưa làm tốt, ta không phải là một tấm gương tốt. Ta phải gánh vác trách nhiệm, không thể đùn đẩy cho người khác, chính mình nhất định phải làm nên một tấm gương thật tốt, như vậy mới là tự độ độ tha. Ta đã thật sự làm tấm gương thật tốt mà vẫn không thể cảm hóa, làm cho chúng sanh giác ngộ, đó là vì nghiệp chướng của họ sâu nặng, chúng ta vẫn tiếp tục nỗ lực mà giúp đỡ họ, giống như trong kinh nói là dùng đủ thứ phương tiện, trường kỳ giúp đỡ họ, cuối cùng sẽ có một ngày họ hiểu ra, họ quay đầu. Công đức giáo hóa của chúng ta sẽ có kết quả, nhất định không phải là vô ích.

Trong Cảm Ứng Thiên có nói ba đoạn về những quỷ thần giám sát nhân gian. Đoạn thứ nhất là nói thiên thần, đoạn thứ hai là nói thần Tam Thi, thần Tam Thi, trong nhà Phật gọi là thần thức. Hôm nay chúng ta thấy câu này là nói về Táo thần, Táo thần giám sát gia đình của người ta. Phần trước nói thiên thần, Tam Thi thần, đó là giám sát cá nhân chúng ta, còn đây là giám sát gia đình. Nhà của bạn hành thiện, hành ác Táo thần đều biết rõ.

/ 128