/ 7
864

BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA TÂM KINH

Người giảng: Lão Pháp sư Tịnh Không

Địa điểm: Thánh Hà Tây

Tập 6

Mời xem kinh văn: “Cố tri bát nhã ba la mật đa, thị đại thần chú, thị đại minh chú, thị vô thượng chú, thị vô đẳng đẳng chú, năng trừ nhất thiết khổ, chân thực bất hư”. Đoạn kinh văn này là tổng kết tán thán. Bản kinh trong phương thức dịch kinh đã tỉnh lược bớt phần lời nói đầu và phần lưu thông rồi, nhưng cũng có một số bản dịch còn đầy đủ ba phần. Và cách dịch này của đại sư Huyền Trang thì sao? Là chỉ dịch phần chánh văn này thôi. Đoạn kinh văn này từ chỗ “cố tri Bát nhã ba la mật đa” đến “thị vô đẳng đẳng chú”, đây là tán thán pháp bát nhã là tối thượng. Hai câu sau cùng là tán thán lợi ích công đức mà người tu học đạt được. Phật Bồ Tát đều nương theo pháp môn này mà chứng được bồ đề, niết bàn. Cho nên công dụng của bát nhã, quả thật đúng là không thể nghĩ bàn, không gì sánh bằng, nên đến cuối cùng dùng chú nghĩa để tán thán. Vậy thì trước tiên chúng ta phải biết chú này.

Chú cũng có nghĩa là nguyện, một trong bốn loại Đà La Ni. Trong cách dịch thông thường thì chú có ba loại, có loại Đà La Ni nhiều chữ (như phần sau của bản kinh, phần chú ngữ này là thuộc về nhiều chữ), có loại Đà La Ni một chữ, có loại Đà La Ni không chữ. Đà La Ni là tiếng Phạn, phiên dịch ra tiếng Trung Quốc có nghĩa là tổng trì, gọi là “tổng tất cả nghĩa, cho đến thiện pháp không mất, ác pháp không sanh”, cái này gọi là Đà La Ni.

Đà La Ni cũng có nghĩa là minh, như ở đây nói đại minh chú. Minh là trong sáng, là trí tuệ, có thể trừ sạch hết tất cả chướng ngại, có thể diệt trừ mọi sự che đậy. Minh cũng có nghĩa là ô nhiễm, nó cũng có nghĩa là mật ngữ. Từ đó cho thấy, ở trong kinh Phật nói ra rất nhiều mật chú, những chú ngữ này kỳ thực ngay cả người Ấn Độ nghe cũng không hiểu, nên gọi nó là mật ngữ. Mật không phải là bí mật, Phật pháp không có bí mật, mà là thần bí, là thâm mật. Cổ đức nói cho chúng ta biết, khi Phật Bồ Tát giảng kinh thuyết pháp, có rất nhiều chúng sanh mà mắt thường của phàm phu chúng ta không nhìn thấy cũng đang ở đó nghe pháp rất cung kính. Đây chính là chúng ta thường gọi là thiên nhân, là thiên long bát bộ, quỷ thần đẳng chúng, mắt thường của chúng ta không thể nhìn thấy. Trong chú ngữ hơn một nửa là ngôn ngữ của họ. Sau khi Phật nói kinh xong, thông thường sẽ đem đề cương của toàn kinh, dùng ngôn ngữ của họ nói sơ lược qua một lần. Điều này đối với thiên long quỷ thần mà nói là có tình cảm vô cùng thân thiết. Cho nên tuy chú ngữ là tiếng Phạn, nhưng người Ấn Độ nghe cũng không hiểu, chúng ta gọi nó là mật ngữ hay mật thuyết.

Nghĩa thứ ba của Đà La Ni là chân ngôn, vì nó có thể hiển thị ra thực tướng của các pháp, chân thật không dối. Vì sao dùng hiển thuyết mà không gọi là chân ngôn vậy? Vì hiển thuyết người bình thường sau khi nghe xong thì họ khó tránh khỏi phải dùng ý thức để phân biệt nó, để chấp trước nó, như vậy thì chắc chắn sẽ chướng ngại nghĩa thú chân thật mà Phật đã nói. Mật thuyết thì sao? Thì sẽ không có những tác dụng phụ này. Chú ngữ chúng ta không hiểu, không hiểu thì sao? Thì không có cách gì phân biệt, cũng sẽ không khởi chấp trước. Cho nên mật chú chỉ cho phép thọ trì, đọc tụng một cách chăm chỉ, dứt khoát không được phân biệt, không được tư duy tưởng tượng, trái lại dễ dàng được tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh hiện tiền, thì sẽ nhìn thấy chân tướng của các pháp. Cho nên chú ngữ này là vượt qua tất cả hý luận, vì thế gọi nó là chân ngôn.

Đà La Ni có bốn loại: có pháp, có nghĩa, có chú, có nhẫn.

- Pháp là trì pháp đã nghe. Trì là giữ gìn lâu dài không để cho mất, cũng chính là nói trải qua thời gian rất dài, vĩnh viễn không bị quên mất, pháp này gọi là Đà La Ni.

- Thứ hai là nghĩa, đây là nói ở trong tất cả giáo nghĩa của đại tiểu thừa, có thể phân biệt tà chánh, đúng sai, thiện ác, biết mỗi một pháp đều có đầy đủ vô lượng nghĩa thú. Cho nên Phật pháp khác với thế gian pháp, pháp vị của Phật pháp đậm đà không gì sánh bằng. Bất kỳ một pháp môn nào, từ khi sơ phát tâm cho đến thành Phật, pháp vị trước sau không hề suy giảm, đây là ý nghĩa của Đà La Ni. Không giống như thế gian này, thế gian pháp bất kể là thiện pháp hay là ác pháp, đều không thể gìn giữ lâu dài, vì lâu dài sẽ sinh ra chán nản. Cho nên thế gian pháp không có tính Đà La Ni.

- Loại thứ ba là chú. Chú chính là tổng trì, chú nguyện. Thần chú này quả thực linh nghiệm vô cùng. Trong mật chú, chúng ta thấy thời xưa truyền lại, có thể dùng mật chú này hô phong hoán vũ, sai khiến quỷ thần, đây chính là kêu gọi quỷ thần lại làm việc cho chúng ta, phục vụ cho chúng ta, quả thực rất linh nghiệm. Hiện nay có một số chú ngữ đã thất truyền, còn một số vẫn rất linh nghiệm. Phạm vi của chú ngữ vô cùng rộng, vô cùng phức tạp. Giao tiếp với quỷ thần, mấu chốt là có hai việc cần chú ý. (i) Thứ nhất là dùng tâm chân thành, cái này gọi là “thành tất linh”. Thành thì có thể giao tiếp với Phật Bồ Tát, với thiên địa quỷ thần. (ii) Thứ hai là âm của chú phải chích xác. Ở trong chú phần lớn là ngôn ngữ của quỷ thần, phát âm chính xác thì cảm ứng sẽ vô cùng nhanh chóng, lời bạn nói họ có thể nghe hiểu, nếu phát âm không chính xác thì họ nghe sẽ bị khó khăn. Cho nên dùng chân thành, phát âm chính xác thì sẽ có linh nghiệm không thể nghĩ bàn. Chú ngữ tổng trì vô lượng nghĩa, cái này bình thường trong nhà Phật gọi nó là tâm chú.

/ 7