BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA TÂM KINH
Người giảng: Lão Pháp sư Tịnh Không
Địa điểm: Thánh Hà Tây
Tập 5
Mời xem kinh văn: “Vô trí diệc vô đắc”. Câu kinh văn đoạn này, một câu cũng là một đoạn. Cái này gọi là tự tánh, Niết Bàn. Trước tiên phải nói cái trí này là cái trí năng quán, còn đắc là cái lý sở chứng. Vô trí chính là nói trí năng quán không thể được. Vô đắc là cái lý sở chứng cũng không thể được. Hay nói cách khác, trí năng quán là không, cảnh giới của chỗ không đó cũng là không. Cái ý này rất sâu. Phàm là người học thuộc qua Kinh Lăng Nghiêm, ít nhiều cũng có thể thể hội được cảnh giới này. Trong Kinh Lăng nghiêm nói với chúng ta, vô minh rốt cuộc từ đâu mà có vậy? Tôn giả Phú Lâu Na đưa ra vấn đề lớn này lên Phật Thích Ca Mâu Ni, Thế Tôn bảo với ông rằng: “tri kiến lập tri, thị vô minh bổn”. Quả thực Thế Tôn thực sự chỉ cần một câu đã nói tột. Hay nói cách khác, là do có trí, có trí chính là căn bản của vô minh. Nếu như có trí, có cái trí năng chứng, có cái lý sở chứng, năng sở chưa quên thì vô minh sẽ không thể dứt hết. Cho nên vô trí mới là chân trí, vô đắc mới là chân đắc. Đắc đây là gì vậy? Là tự tánh cứu cánh viên mãn. Hay nói cách khác, tự tánh đến lúc này mới thực sự hiện ra viên mãn, ngay cả cái trí năng chứng cũng không còn nữa. Tự tướng của tất cả pháp đều là không, cho nên năng thủ sở thủ, năng chứng sở chứng đều không thể được.
Nên biết Phật nói pháp, nguyên tắc nói pháp của ngài là nhằm đối trị lại với bệnh của chúng ta. Chúng sanh chấp trước tất cả pháp đều có, cho rằng tất cả pháp tướng đều là chân thực, đây là cái thấy sai lầm. Từ quan điểm sai lầm này, sinh ra cách nghĩ sai lầm, cách làm sai lầm, đó chính là phân biệt, chấp trước, có lấy có bỏ, có được có mất. Họ đâu biết rằng những hiện tượng này toàn là tướng không. Đối với dạng người này thì Phật dùng cái không này để đối trị. Cái không mà Phật nói đây, cũng hoàn toàn đúng với chân tướng sự thật, hoàn toàn không phải là giả thiết, hoàn toàn không phải là hư cấu, mà để chúng ta sau khi hiểu được chân tướng sự thật, biết được các pháp là không tướng, thì sự ảo tưởng của chúng ta về tất cả pháp, phân biệt chấp trước tự nhiên liền buông xả, do đó cái bệnh chấp trước này liền trừ sạch ngay. Nhưng có bệnh thì trừ, cũng không nên chấp trước vào không. Chấp trước không thì bạn lại sai rồi, cho nên không cũng không có. Một câu này nói đến chỗ rốt ráo, thì ngay cả trí, đắc cũng là pháp duyên sanh. Hay nói cách khác, trí, đắc cũng không có tự tánh, cũng không thể được.
Tiếp theo chúng ta xem kinh văn dưới đây. Kinh văn dưới đây biểu thị ra chỗ đại dụng của tu học Bát Nhã. Công hiệu của nó chúng ta nhìn thấy rồi, là “dĩ vô sở đắc cố”. Câu này là tổng kết những điều đã nói phía trước, tất cả pháp tướng không thể được, năm uẩn, 12 xứ, 18 giới, tất cả phương pháp tu học cũng không thể được. Tứ đế, mười hai nhân duyên, cho đến trí và đắc đều không thể được. “Dĩ vô sở đắc cố”. Cái tâm địa này thật sự trong sáng rồi, thật sự buông xả rồi, cho nên thân tâm thế giới muôn duyên đều buông bỏ. Buông xả như vậy thì vọng tình liền dứt. Vọng hết thì chân liền hiện, chân tánh liền hiển lộ ngay. Cho nên “Bồ đề tát đỏa y bát nhã ba la mật đa cố, tâm vô quái ngại.” Quái ngại tức là lo nghĩ. Người thế gian chúng ta thường nói lo nghĩ không yên. Có quái thì có chướng ngại. Nương theo ngã chấp thì khởi phiền não chướng. Phiền não chướng tâm thì tâm không thanh tịnh, tâm không tự tại, tâm không giải thoát, liền đó tạo nghiệp, trôi lăn. Cho nên cái làm chướng đại Bồ Đề này gọi là quái. Nương theo pháp chấp, thì khởi sở tri chướng. Sở tri chướng làm chướng tuệ, tuệ không được giải thoát, không hiểu được tự tâm, không thông đạt được tánh tướng. Cho dù đã đoạn kiến tư phiền não, đã ra khỏi tam giới, nhưng do có chấp pháp nên cũng chỉ có thể co cụm lại ở tiểu thừa, không thể thành Phật. Cho nên sở tri chướng làm chướng đại Niết Bàn, đây gọi là ngại. Tất cả chúng sanh đã nhận lầm tứ đại, lục trần, năm uẩn, mười tám giới. Chấp trước ngã kiến, chấp trước ngã sở, thế là mới có lục đạo luân hồi. “Bồ Tát y Bát Nhã ba la mật đa”, câu nói này phải dùng kiểu ngắn gọn rõ ràng của Trung Quốc để nói là nương theo trí tuệ cứu cánh viên mãn, đem chân tướng sự thật nhìn cho rõ, thế là tâm không còn quái ngại. Cái không còn quái ngại ở đây chính là chấp ngã, chấp pháp thảy đều xa lìa, không còn vọng tưởng, chấp trước nữa.
“Vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng”, công phu ở đây tiến thêm một bước nữa, chúng ta nhìn thấy quả đức của họ lại tiến thêm một bậc. “Khủng bố”, cái sợ hãi lớn nhất của người thế gian là sanh tử. Viễn ly khủng bố chính là trong nhà Phật chúng ta thường hay nói dứt sanh tử, ra khỏi tam giới, đoạn dứt sanh tử. Nguyên nhân của sanh tử luân hồi, trong tất cả kinh luận nói vô cùng cặn kẽ. Nó quả đúng là nương vào mê hoặc điên đảo mới tạo tác tất cả nghiệp thiện ác, nên chiêu cảm quả báo trong tam giới. Phàm phu không biết những chân tướng sự thật này, nên tâm sợ hãi lúc nào cũng luôn thường trực. Sanh tử là sợ hãi, ác danh cũng là sợ hãi. Ác đạo đây là người đã học Phật biết sáu nẻo luân hồi là đáng sợ. Trong kinh Hoa Nghiêm nói: “điều sợ hãi của chúng sanh tổng cộng có 18 loại”. Ở đây chúng ta không cần nói rõ ra từng loại. Điều sợ hãi nghiêm trọng nhất hiện ra trước mắt chúng ta đây không có gì hơn là ở trong sáu nẻo sanh tử luân hồi. Tuy trong kinh Bát Nhã đã nói rất rõ ràng cho chúng ta, chỉ cần chúng ta có thể xa lìa quái ngại, cũng chính là nói chúng ta xa lìa được chấp ngã và chấp pháp thì sẽ không có sợ hãi nữa. “Viễn ly điên đảo mộng tưởng”, điên đảo là vô minh, điên đảo là đảo lộn. Hay nói cách khác, chúng ta đã thấy sai, thấy điên đảo chân tướng của vũ trụ nhân sinh rồi.