/ 7
381

BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA TÂM KINH

Người giảng: Lão Pháp sư Tịnh Không

Địa điểm: Thánh Hà Tây

Tập 7

Mời xem kinh văn: “Cố thuyết bát nhã ba la mật đa chú, tức thuyết chú viết: yết đế yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha”.

Trong một đoạn đề mục này là muốn nói với chúng ta việc kết hiển khai mật. Bản kinh tổng cộng có 260 chữ. Ba mươi mốt chữ sau cùng này là mật thuyết, phần trước là hiển thuyết, đây chính là chú ngữ mà trong nhà Phật thường nói. Lời chú ngữ này, thông thường không dịch là thích hợp nhất. Tiểu chú dưới đây nói cho chúng ta biết lời kinh có năm loại không được dịch. Đây là quy định được đại sư Huyền Trang đời Đường lập nên trong viện phiên dịch, có năm loại không được dịch. Trong năm loại này thì chú ngữ là một trong những loại đó.

Thứ nhất chú ngữ là mật ngữ của Phật, cho nên chỉ có Phật mới hiểu, ngoài Phật ra thì không ai biết. Hay nói cách khác, Bồ Tát đẳng giác trở xuống đều không biết ý nghĩa trong đó.

Thứ hai, chú ngữ mỗi một chữ, mỗi một câu đều hàm chứa vô lượng nghĩa. Điều này chúng ta biết được khi chúng ta nghiên cứu kinh đại thừa, không những mật chú từng chữ hàm chứa vô lượng nghĩa, mà ngay cả kinh văn hiển thuyết, nghĩa lý của nó cũng vô cùng phong phú. Cho nên kinh điển của Phật, bất kể là đại thừa hay tiểu thừa, hoặc giả là liễu nghĩa, hoặc giả là không liễu nghĩa, pháp vị của nó có thể nói đều vô cùng đậm đà, khiến chúng ta đọc lâu mà không thấy chán. Chữ lâu ở đây rốt cuộc là bao lâu vậy? Có thể nói, từ lúc sơ phát tâm cho đến viên thành Phật đạo cũng đọc không chán, cũng đọc không biết mệt, huống hồ là thần chú của Như Lai.

Thứ ba là ở trong thần chú thường hay có rất nhiều danh hiệu của quỷ thần. Phật kêu gọi những quỷ thần này bảo vệ người tu hành. Cũng như trong tục ngữ chúng ta thường nói, phù hộ những người tu hành này, do đó danh hiệu của họ không hoàn toàn là ngôn ngữ của thế gian.

Thứ tư, thần chú cũng là mật ấn của chư Phật, giống như khẩu lệnh ở trong quân đội vậy, là thuộc về mật ngữ. Tụng cái thần chú này thì sao? Có thể nói là tương thông rỉ tai nhau vậy, nhất định có thể được chư Phật hộ niệm, long thiên phù hộ.

Thứ năm, đây là sự gia trì thần lực không thể nghĩ bàn của chư Phật Như Lai.

Thần chú rất phong phú như vậy, có nhiều ý nghĩa như vậy ở trong đó, cho nên đại sư Huyền Trang cho rằng, cứ giữ nguyên âm của nó chứ không dịch nghĩa là viên mãn nhất. Ở chỗ này trong tiểu chú cũng nói: “Mật là sâu xa khó nói ra nghĩa”. Điều này phần trước đã báo cáo qua với quí vị rồi. Trong Phật pháp chắc chắn không có bí mật. Phàm là bí mật thì thế nào cũng có chỗ không thể nói cho người khác nên họ mới giữ kín. Nếu như tâm địa thanh tịnh chánh đại quang minh thì làm gì có chuyện bí mật? Cho nên trong Phật pháp nói chữ mật này có nghĩa là thâm mật, nghĩa lý quá sâu, không phải người mới học, không phải người căn tánh cạn cợt mà có thể nhận ra được, cho nên gọi nó là thâm mật. Do nghĩa lý quá sâu, Phật quan sát căn cơ của chúng sanh, nếu không phải đích thực là người thượng căn lợi trí thì Phật sẽ không bao giờ nói những pháp này. Tuy không nói, nhưng có khi cũng tiết lộ một chút tin tức, như câu thần chú này, có thể nói là Phật vì chúng ta tiết lộ một chút tin tức vậy.

Về phương diện tu trì mà nói, kinh luận là hiển thuyết. Chúng ta thường hay khuyên người khác đọc tụng, không những chúng ta khuyên mà Phật ở trong tất cả kinh luận, nói đến tu trì, thường khuyên bảo đại chúng đọc tụng là một cách thức tu học quan trọng của họ. Đọc tụng kinh điển, kinh điển là hiển thuyết. Thông thường chúng ta vừa đọc tụng vừa tư duy ý nghĩa ở trong kinh đã nói. Làm như vậy thì tâm chúng ta quả thật mà nói sẽ không được thanh tịnh. Tư duy, tưởng tượng, nghiên cứu, tìm tòi là đều rơi vào ý thức thứ sáu cả. Hay nói cách khác, chắc chắn sẽ chướng ngại tâm thanh tịnh, chắc chắn sẽ chướng ngại cửa ngộ, cánh cửa khai ngộ sẽ rất khó thành tựu tam muội. Cũng chính là nói, nương theo đọc tụng kinh điển, từ xưa đến nay, người giải ngộ rất nhiều. Khai ngộ từ kinh điển gọi là giải ngộ. Người giải ngộ rất nhiều, nhưng người chứng ngộ chúng ta không thấy. Chứng ngộ phải từ định tuệ mà khế nhập. Phương pháp đọc tụng này thì tu định, tu tuệ là tương đối khó, nhưng người có căn tánh lanh lợi, chúng ta thấy trong kinh thường nói người thật thà thì dùng phương pháp đọc tụng cũng có thể thành tựu tam muội, có thể đại khai viên giải.

/ 7