BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA TÂM KINH
Người giảng: Lão Pháp sư Tịnh Không
Địa điểm: Thánh Hà Tây
Tập 4
Xin xem kinh văn: “vô vô minh diệc vô vô minh tận, nãi chí vô lão tử, diệc vô lão tử tận, vô khổ tập diệt đạo”. Đoạn này là nói lên sự thiện xảo trong cách dạy học của Thế Tôn. Bốn câu phía trước là nói mười hai nhân duyên. Câu sau cùng là nói tứ đế. Mười hai nhân duyên và tứ đế trong Phật pháp được xem là giáo nghĩa căn bản nhất. Nó đã nói rõ vũ trụ nhân sinh, cũng chính là chân tướng sự thật của sáu cõi luân hồi. Theo mười hai nhân duyên mà nói, nó tổng cộng có mười hai điều, nói rõ nhân quả ba đời. Vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên lão tử. Mười hai điều này tuần hoàn không ngừng. Cho nên liền đó đã hình thành nên sự thật luân hồi ba đời. Cũng có thể nói là hiện tượng, tạo nên hiện tượng này. Trong mười hai điều này, hai điều phía trước là thuộc về đời quá khứ. Vô minh là duyên, hành là nhân, hành chính là hành nghiệp. Vì có nhân duyên của đời quá khứ, nên mới có quả báo của đời nay. Thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, năm điều này là quả báo hiện tại.
Vô minh mà trong mười hai nhân duyên đã nói, chúng ta phải đặc biệt chú ý, vì vô minh nói ở đây không phải là căn bản vô minh như trong kinh đại thừa đã nói, mà là nói ngọn cành vô minh, nên nó không phải là căn bản. Phá được căn bản vô minh rồi thì liền thành Phật ngay. Cho nên trong mười hai nhân duyên, tuy vô minh đã phá rồi, cũng chỉ có thể đoạn kiến tư phiền não, chứng quả báo Bích Chi Phật của tiểu thừa. Điểm này phải nhận thức cho rõ ràng.
Vì vô minh, vô minh là mê hoặc, cho nên mới đi tạo nghiệp, cũng chính là nói, do chúng ta có tư tưởng kiến giải sai lầm, nên mới có hành vi sai lầm. Đã tạo nghiệp thì sau đó nhất định có quả báo, cái này chính là hoặc nghiệp khổ. Khổ là chỉ khổ báo. Quả báo thứ nhất là đến đầu thai, cũng chính là cái thức thứ ba trong mười hai nhân duyên. Thức là nói thần thức, người Trung Quốc chúng ta thường gọi là linh hồn, họ đến đầu thai. Từ đó cho thấy, nhân duyên đích thực để họ đến đầu thai là vô minh và hành, cha mẹ là thuộc về tăng thượng duyên. Điều này trong kinh điển thường nói tứ duyên sanh pháp, gồm thân nhân duyên, sở duyên duyên, vô gián duyên, tăng thượng duyên. Ba loại phía trước đều thuộc về phần mình tự có, cho nên duyên của cha mẹ bên ngoài là thuộc về tăng thượng duyên. Đương nhiên việc đi đầu thai tìm kiếm cha mẹ cũng không phải chuyện ngẫu nhiên. Phật nói cho chúng ta rất rõ ràng, duyên cha con có bốn loại là: báo ân, báo oán, đòi nợ, trả nợ, bốn loại lớn này. Nếu như đời quá khứ không có cái duyên này thì họ dứt khoát sẽ không sanh vào một nhà, quyết định sẽ không quen biết nhau. Phàm là sanh vào một nhà, phàm là quen biết nhau đều là bốn loại duyên này, chẳng qua chỉ là sự thân sơ của bốn loại duyên này khác biệt không đều nhau mà thôi.
Đã đến đầu thai rồi, khi đầu thai, trong khoảng một đến hai tuần thi chẳng nói lên gì cả. Họ đến đầu thai rồi, cho nên đặt cho họ một cái tên là danh sắc. Danh là nói họ có tinh thần, là họ đang sống. Còn sắc là họ có vật chất. Vật chất đây chính là lấy tinh cha, huyết mẹ làm thân thể của mình. Cái thần thức này nhập vào tế bào, hợp chung với tế bào này thành một thể, nhưng vẫn chưa có hình dạng của người trưởng thành. Vào lúc này danh từ của Phật học gọi là danh sắc, còn trong pháp thế gian gọi là phôi thai. Sau đó dần dần lớn lên trong bụng mẹ, thành hình dạng của con người, thì gọi đó là lục nhập hay thai nhi. Người thế gian chúng ta gọi đó là thai nhi, còn trong thập nhị nhân duyên gọi là lục nhập, tức là họ đã có thể biện biệt. Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, những cái này đều đã hình thành rồi. Xúc đây là chào đời, ra đời từ trong bụng mẹ, tiếp xúc với cảnh giới bên ngoài. Cho nên bắt đầu từ lúc chào đời đó mãi đến suốt cả đời này, đều tiếp xúc với xã hội. Từ lúc em bé chào đời cho đến khi nó lên hai - ba tuổi, nó chỉ có xúc, vẫn chưa có thọ. Nhưng hiện nay chúng ta thường nói trẻ con bây giờ thật thông minh, khi còn rất nhỏ nó đã có thọ rồi, tức là có cảm thọ khổ lạc, sầu thích. Hay nói cách khác, nó đã mất đi sự hồn nhiên ngay trong lúc chỉ có xúc mà không có thọ. Chúng ta quan sát trẻ con, trẻ con khoảng mấy tháng, nó chỉ có xúc mà không có thọ. Quan sát từ đâu vậy? Là từ động tác của nó, từ sự biểu cảm của nó mà quan sát. Ví dụ lúc ăn uống, trẻ con ăn uống, nó ăn rất vui vẻ, nó sẽ cười toe toét, ngay cả phân của nó, nó cũng ăn, khi ăn nó cũng cười toe toét. Cái này chính là nói nó chỉ có xúc mà không có thọ. Khi nó có cảm thọ khổ lạc, sầu thích rồi, thì nó sẽ có tâm phân biệt, nó liền có chấp trước, nó sẽ hiểu được cái nào là sạch sẽ, cái nào là dơ bẩn, nó sẽ có thủ xả, sở dĩ vậy là vì nó đã có thọ.