A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 288
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang sáu trăm lẻ chín:
(Sao) Hựu hữu vị “Nam-mô a di đà đa bà dạ”, thử vân “quy mạng Vô Lượng Thọ”.
(鈔)又有謂南無阿彌陀多婆夜,此云皈命無量壽。
(Sao: Lại có bản chép là “nam-mô a di đà đa bà dạ”, cõi này dịch là “quy mạng Vô Lượng Thọ”).
Chú ngữ là tiếng Phạn phiên âm, có nghĩa là “quy mạng Vô Lượng Thọ Phật”, tức là “quy mạng A Di Đà Phật”. “Quy mạng” (皈命) cũng có nghĩa là “quy y”.
(Sao) Đa tha già đa dạ, tức “đa tha a già độ”, thử vân Như Lai.
(鈔)多他伽多夜,即多他阿伽度,此云如來。
(Sao: “Đa tha già đa dạ” (Tathāgatāya) tức “đa tha a già độ”, cõi này dịch là Như Lai).
Phiên âm có đôi chút sai khác, nguyên văn tiếng Phạn như nhau, người dịch khác nhau, đạo tràng dịch kinh cũng khác nhau, danh từ, thuật ngữ chẳng có tiêu chuẩn thống nhất. Câu này dịch sang tiếng Hán là Như Lai.
(Sao) “Đá địa dạ tha”, tân dịch vân “tha đích dã thát”, cựu vân “đát điệt tha”. Điệt, âm điệt, tức địa dạ nhị hợp dã. Thử vân “tức thuyết chú viết”, tự hậu phương thị mật ngữ.
(鈔)哆地夜他,新譯云他的也撻,舊云怛絰他。絰,音迭,即地夜二合也。此云即說咒曰。自後方是密語。
(Sao: “Đá địa dạ tha” (Tadyathā): Phiên âm theo lối tân dịch là “tha đích dã thát”, cựu dịch là “đát điệt tha”. Chữ Điệt (絰) đọc là Điệt (迭), tức là Địa và Dạ đọc dính lại, cõi này dịch là “liền nói chú rằng”, từ đấy trở đi là mật ngữ).
[Nguyên văn] tiếng Phạn vẫn là cùng một chữ. Một chữ mà có vài cách phiên âm khác nhau, do người phiên dịch phiên âm khác nhau, nhưng ý nghĩa đều như nhau. Sau chữ “đá địa dạ tha” tức là từ “a di rị đô bà tỳ” trở về sau chính là mật chú. Do vậy có thể biết: Trong mười bốn câu chú ngữ, ba câu đầu là hiển thuyết, những câu sau đó mới là mật chú.
(Sao) Nhiên thần chú tùng cổ bất phiên, lược hữu ngũ ý.
(鈔)然神咒從古不翻,略有五意。
(Sao: Nhưng thần chú từ xưa chẳng dịch, nói đại lược thì có năm ý).
Có năm ý nghĩa [khiến cho] cổ nhân chẳng dịch chú ngữ, chỉ phiên âm, không dịch ý nghĩa. Trong phần trước, chúng tôi cũng đã nói với quý vị ý nghĩa của mỗi câu. Thật ra, chú này vẫn có ý nghĩa, trọn chẳng phải là hoàn toàn không có ý nghĩa[1]. Chú ngữ hoàn toàn chẳng có ý nghĩa cũng có, loại này vẫn chiếm số lượng rất lớn trong các mật chú.
(Sao) Nhất, như vương mật chỉ, vật vọng tuyên truyền, đản nghi khâm phụng cố.
(鈔)一、如王密旨,勿妄宣傳,但宜欽奉故。
(Sao: Một là như mật chỉ của vua, chớ tuyên truyền bừa bãi, chỉ nên kính cẩn phụng hành).
Giống như ý chỉ bí mật của đế vương xưa kia, quý vị chỉ chiếu theo đó mà làm, chẳng cần hỏi han ý nghĩa như thế nào, cứ y giáo phụng hành là được rồi. Thần chú giống như mật chỉ của Như Lai, chẳng cần hỏi ý nghĩa là gì, chỉ cần thật thà niệm, tam mật tương ứng là được rồi!
(Sao) Nhị, hoặc nhất ngữ quảng hàm đa nghĩa, như Tiên Đà Bà cố.
(Diễn) Tiên Đà Bà giả, thị Phạn ngữ, hữu diêm, thủy, mã, khí, tứ danh. Duy hữu trí thần nãi năng biện thức, như vương thực thời, hô Tiên Đà Bà, tắc tri yếu diêm. Như vương tẩy quán, hô Tiên Đà Bà, tắc tri yếu thủy. Như vương tác chúng vụ thời, hô Tiên Đà Bà, tắc tri yếu khí. Như vương xuất du, sách Tiên Đà Bà, tắc tri yếu mã.
(鈔)二、或一語廣含多義,如僊陀婆故。
(演)仙陀婆者。是梵語。有鹽水馬器四名。惟有智臣乃能辨識。如王食時。呼仙陀婆。則知要鹽。如王洗盥。呼仙陀婆。則知要水。如王作眾務時。呼仙陀婆。則知要器。如王出游。索仙陀婆。則知要馬。
(Sao: Hai là một chữ bao hàm rộng rãi nhiều nghĩa, như Tiên Đà Bà.
Diễn: Tiên Đà Bà là tiếng Phạn, tương ứng với tên gọi của bốn thứ là muối, nước, ngựa và vật dụng, chỉ có kẻ bầy tôi có trí mới có thể phân biệt. Như khi vua ăn, gọi Tiên Đà Bà, biết là cần muối. Như vua tắm gội, kêu Tiên Đà Bà, liền biết là cần nước. Như vua làm các việc, gọi Tiên Đà Bà, liền biết là vua cần vật dụng. Như vua xuất du, đòi Tiên Đà Bà, biết là muốn có ngựa).