/ 289
388

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 287


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang sáu trăm lẻ tám:


Tống Nguyên Gia Thiên Trúc Tam Tạng Cầu Na Bạt Đà La dịch.

宋元嘉天竺三藏求那跋陀羅譯。

(Đời Tống, trong niên hiệu Nguyên Gia, Tam Tạng Cầu Na Bạt Đà La người xứ Thiên Trúc dịch).

Trong kinh Phật, điều này được gọi là “nhân đề” (人題). Vì kinh Phật do đức Thế Tôn giảng tại Ấn Độ trong thuở ấy; về sau, các đệ tử của Ngài dùng văn tự ghi chép lại, trở thành kinh điển. Những bản ghi chép nguyên thủy đều dùng tiếng Phạn (Sankrit) để viết. Tiếng Phạn là cổ văn Ấn Độ. Sau khi được truyền đến Trung Hoa, nhất định là phải dịch sang tiếng Hán thì mới có thể lưu thông tại Trung Hoa. Do vậy, mỗi bộ kinh đều có “phiên dịch nhân đề”, [tức là] do người nào phiên dịch. Ở chỗ này, chúng ta ắt cần phải hiểu: Phiên dịch kinh Phật là công sức trước tác tập thể, chẳng phải do một người nào đó phiên dịch. Phật pháp truyền đến Trung Hoa là do chính quyền Trung Hoa vời thỉnh. Vào thời cổ, đế vương sai đặc sứ sang Tây Vực thỉnh vời cao tăng đại đức đến Trung Hoa. Vì thế, sau khi các Ngài đã tới Trung Hoa, bèn được đãi ngộ cao nhất bằng phương cách lễ ngộ. Đế vương Trung Hoa dùng lễ quốc sư đối với các vị ấy, [tức là coi các Ngài là] “thầy của đế vương”. Dùng lễ nghi ấy để tiếp đãi, hết sức long trọng. Vì đế vương tôn trọng hàng xuất gia như vậy, tục ngữ thường nói là “thượng hành, hạ hiệu” (trên hành, dưới làm theo), thần dân thấy đế vương tôn trọng người xuất gia dường ấy, dân chúng và quan viên văn võ bèn đặc biệt tôn trọng [người xuất gia]. Do đó, tại Trung Hoa, Phật giáo có địa vị rất cao tột!

Phiên dịch kinh điển có tổ chức, giống như hội đồng phiên dịch do quốc gia thành lập trong hiện thời. Đã thế, tổ chức ấy khá to lớn, dùng tài lực của quốc gia và nhân lực toàn quốc để duy trì. Gần như các vị chuyên gia ngữ văn, những học giả thế gian và xuất thế gian thuở ấy đều tham gia công tác phiên dịch. Nhưng tựa đề kinh chỉ ghi tên một vị, vị ấy chính là “chủ tịch” của viện dịch kinh, giống như hiệu trưởng trong một trường học, dùng vị ấy làm đại biểu. Đừng nên nghĩ bộ kinh này chỉ do [một mình] Ngài phiên dịch, mà là do dịch trường của Ngài phiên dịch, [hiểu như vậy] là đúng. Sử truyện ghi chép khá cặn kẽ dịch trường của La Thập đại sư, kinh Di Đà do Cưu Ma La Thập đại sư phiên dịch. Dịch trường của La Thập đại sư có hơn bốn trăm người, có thể thấy là biên chế của cơ cấu ấy khá to lớn. Dịch trường của Huyền Trang đại sư đời Đường quy mô còn to hơn nữa, có hơn sáu trăm người!

Nhìn lại chúng ta trong hiện thời. Hiện thời vì giao thông phát triển, thông tin phát triển, gần như toàn thể địa cầu biến thành một khu vực. Chỗ nào phát sanh một tí sự việc, chúng ta lập tức biết ngay. Địa cầu thu nhỏ, mối quan hệ giữa con người với nhau, mối quan hệ giữa các quốc gia trở nên ngày càng mật thiết. Mối quan hệ giữa nước này với nước kia đúng là giống như xóm giềng. Nếu muốn thật sự đạt tới thế giới hòa bình, cùng tồn tại phát triển, chỉ có cách trao đổi văn hóa thì mới có thể kiến lập một nhận thức chung, mà cũng là [hình thành] một quan niệm cộng đồng. Dựa trên quan niệm ấy thì mới có thể đạt tới sự tồn tại phát triển chung, đối xử hòa thuận với nhau. Nếu không chú trọng phương diện này, thế giới loạn lạc, chúng sanh khổ sở là chuyện chắc chắn chẳng thể tránh khỏi! Xét theo nền văn hóa của toàn thể thế giới, Phật giáo là một mắt xích rất trọng yếu. Kinh điển trên thế giới hiện thời, có kinh điển bằng tiếng Hán hoàn chỉnh, kinh điển bằng tiếng Tây Tạng; đối với kinh điển Tiểu Thừa, trừ Hán văn ra, còn có [kinh điển chép bằng] tiếng Ba Lợi (Pāḷi, tiếng Nam Phạn). Kinh điển bằng tiếng Nhật là dịch từ tiếng Hán, chỉ dịch một phần.

Hiện thời, Phật giáo thuận theo thời đại to lớn này mà truyền sang phương Tây, truyền bá đến mỗi quốc gia, mỗi khu vực trên thế giới. Công tác dịch kinh là một vấn đề to lớn trọng yếu nhất trong hiện thời! Làm thế nào để dịch từ tiếng Hán, từ tiếng Tây Tạng, hoặc tiếng Ba Lợi sang văn tự của các nước khác trên thế giới? Trong nhiều năm qua, cũng có người thực hiện công tác này, nhưng hiệu quả của công tác phiên dịch ấy đều có vấn đề. Thí dụ như lão cư sĩ Trầm Gia Trinh[1] ở Nữu Ước, Hoa Kỳ, hết sức nhiệt tâm hoằng dương Phật pháp, đã thỉnh không ít người làm công tác dịch kinh điển từ tiếng Hán sang tiếng Anh, phiên dịch rất nhiều. Tôi ở Nữu Ước, lão nhân gia bảo tôi: “Những bản dịch ấy chẳng thể xuất bản, nguyên nhân ở chỗ nào?” Người phiên dịch tiếng Hán lẫn tiếng Anh đều thông thạo, nhưng thiếu sự tu dưỡng kha khá nơi Phật pháp, chỉ dựa theo mặt chữ để dịch, nên ý nghĩa chẳng đúng! Đây là một nan đề rất lớn! Do đó, tại dịch trường xưa kia, vì sao có khá nhiều người tham gia? Mọi người cùng nhau nghiên cứu, thảo luận; mỗi chữ, mỗi câu đều phải cân nhắc. Nếu dùng phương pháp phiên dịch tập thể như thời cổ, vấn đề này có thể giải quyết. Hiện thời, dịch kinh do cá nhân thực hiện, mỗi cá nhân có thành kiến của chính mình. Đó là điều then chốt khiến cho bản dịch chẳng thể lưu thông khắp nơi! [Bản dịch] đã được đại chúng nghiên cứu, thảo luận, sẽ là khách quan, sai lầm được giảm thiểu đến mức độ thấp nhất.

/ 289