/ 289
623

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 289


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang sáu trăm mười một.


(Sao) Tam, diệc thắng chư dư công đức giả, lục độ vạn hạnh, pháp môn vô lượng, nhi chuyên trì danh hiệu, tắc chủng chủng công đức, nhiếp vô bất tận, dĩ bất xuất nhất tâm cố, như tiền văn trung quảng thuyết.

(鈔)三、亦勝諸餘功德者,六度萬行,法門無量,而專持名號,則種種功德,攝無不盡,以不出一心故,如前文中廣說。

(Sao: Ba, cũng thù thắng hơn các công đức khác. Lục Độ, vạn hạnh, pháp môn vô lượng, nhưng chuyên trì danh hiệu thì các thứ công đức đều được nhiếp trọn chẳng hết, do chẳng ra ngoài nhất tâm, như trong phần kinh văn trước đã nói rộng rãi).


Đây là Liên Trì đại sư đã chỉ ra cho chúng ta biết chỗ thù thắng chẳng sánh bằng thứ ba của pháp môn Niệm Phật. Trong phần trước đã nói: Điều thù thắng thứ nhất là niệm Phật thù thắng hơn trì chú Vãng Sanh; điều thù thắng thứ hai là nói rõ niệm Phật còn thù thắng hơn trì hết thảy các thần chú, tức là hết thảy các thần chú đều chẳng sánh bằng [danh hiệu Phật]. Nay trong đoạn thứ ba này, đại sư dạy chúng ta: Danh hiệu A Di Đà Phật siêu thắng vô lượng vô biên pháp môn. Không chỉ là các loại pháp môn do Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói trong bốn mươi chín năm đều chẳng sánh bằng công đức và lợi ích của một câu thánh hiệu A Di Đà Phật, mà cho đến vô lượng vô biên pháp môn do mười phương ba đời hết thảy chư Phật Như Lai đã vì hết thảy chúng sanh tuyên thuyết cũng chẳng thể vượt ra ngoài sáu chữ hồng danh này. Vì thế, một câu Phật hiệu thật sự là pháp môn đại tổng trì của hết thảy chư Phật trong tận hư không khắp pháp giới. Khi chúng ta đã [học tập] viên mãn Di Đà Sớ Sao, [do Sớ Sao] đã hiển thị công đức của danh hiệu chẳng còn sót, thật sự giãi bày trọn hết, chúng ta mới nhận biết pháp môn này rõ ràng, mới thật sự hiểu lợi ích do trì danh niệm Phật.

“Lục độ vạn hạnh, pháp môn vô lượng”, hai câu này bao quát trọn hết tất cả hết thảy các pháp môn, Đại Thừa bao gồm Tiểu Thừa. Lục Độ là tổng cương lãnh của toàn thể pháp Đại Thừa. “Pháp môn vô lượng”, vô lượng vô biên pháp môn, Lục Độ vạn hạnh của Bồ Tát bao gồm trọn hết. “Chuyên trì danh hiệu”, “danh hiệu” là nói về danh tự A Di Đà Phật. Hãy chú trọng một chữ Chuyên, chữ này hết sức trọng yếu. Nay chúng ta chẳng đạt được các thứ lợi ích và công đức của Niệm Phật, vấn đề là đối với chữ Chuyên, chúng ta làm chẳng đủ, thậm chí còn chưa hề làm! Chỉ cần lắng lòng phản tỉnh một phen, sẽ biết điều này, [sẽ nhận thấy: Chẳng đạt được lợi ích và công đức do trì danh] cũng là do “xen tạp” như Giác Minh Diệu Hạnh Bồ Tát đã nói. Chúng ta niệm Phật xen tạp quá nhiều thứ, xen tạp vô lượng vô biên pháp thế gian. Vướng mắc, bận tâm là xen tạp, còn xen tạp khá nhiều Phật pháp! Vì thế, công đức và lợi ích của việc trì danh chẳng thể hiển lộ được!

Nếu chúng ta có thể chuyên, bỏ sạch hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian, chuyên trì danh hiệu, công đức và lợi ích ấy sẽ hết sức rõ rệt. Lại còn trong một thời gian rất ngắn, đã thấy hiệu quả. Ngắn đến mức độ nào? Trong kinh này, đức Phật đã nói: “Hoặc một ngày, hoặc hai ngày”, tối đa là bảy ngày liền thấy hiệu quả. Nếu quý vị hỏi: “Thật ư? Có thể ư?” Xác thực là thật, xác thực là có thể. Từ Tịnh Độ Thánh Hiền Lục và Vãng Sanh Truyện, chúng ta đã thấy những tấm gương như vậy, đã thấy sự thật ấy. Chúng ta chớ nên không hiểu rõ, chớ nên không phản tỉnh sâu xa, vì “xen tạp” và “chẳng chuyên” đã gây tổn hại quá nghiêm trọng.

Từ vô lượng kiếp đến nay, chúng ta luân hồi sanh tử trong lục đạo, chẳng thể thoát lìa. Trong cái nhìn của chư Phật, Bồ Tát, chúng ta thật sự đáng gọi là “kẻ đáng thương xót”, mê mẩn trong tam giới lục đạo. Tam giới lục đạo giống như mê cung, đích xác là thời thời khắc khắc mong thoát ra, nhưng chẳng tìm thấy cửa nẻo hoặc đường lối, vĩnh viễn xoay chuyển trong ấy. Tuy đức Phật đã nói rõ ràng, nói minh bạch, nếu quý vị mong thoát ra, hãy là “một môn, chuyên tinh”. Chúng ta nghe lời này đã nhiều, cũng thấy quá nhiều, nhưng chưa hề thực hiện! Nghe nhiều, xem nhiều, mà vẫn giống y hệt như cũ, chẳng khởi tác dụng, chính mình nhất định phải nghiêm túc thực hiện!

Vào thời cổ, chúng ta thấy những gương rõ rệt nhất, trong Tịnh Độ Thánh Hiền Lục và Vãng Sanh Truyện đều có ghi chép [những tấm gương ấy]. Pháp sư Oánh Kha đời Tống niệm Phật ba ngày bèn vãng sanh, “nhược nhất nhật, nhược nhị nhật, nhược tam nhật”, chẳng sai! Ba ngày bèn thành công, có thể thấy kinh nói “từ một ngày cho đến bảy ngày” chẳng phải là gạt người. Đó là thật sự buông xuống, triệt để buông xuống, nhất tâm chuyên niệm. Thông thường, kẻ bình phàm niệm Phật, từ truyện ký, chúng ta thấy từ nửa năm đến ba năm đại khái đều thành tựu. Vì vậy, trong quá khứ, đã từng có người hỏi tôi, vì họ đọc Vãng Sanh Truyện, [nhận thấy] những người niệm Phật nói chung là niệm ba năm đều vãng sanh, bèn nói: “Cớ sao lại khéo phù hợp như vậy? Chẳng lẽ là họ niệm Phật ba năm, thọ mạng đã hết ư?” Chẳng thể nào có chuyện phù hợp vừa khéo như vậy được! [Họ chất vấn]: “Chẳng có chuyện phù hợp khéo léo như vậy, cớ sao niệm ba năm đều vãng sanh cả rồi?” [Thật ra], do ba năm công phu đã thành tựu, những người ấy có thể vãng sanh. Họ cũng có thể chẳng vãng sanh [ngay lập tức như thế], chúng ta nghĩ: “Hễ có thể chưa vãng sanh, bèn chẳng ra đi”. Người ta là hễ có thể vãng sanh, bèn vãng sanh ngay lập tức. Vì sao? Hai thế giới chẳng thể sánh tầy! [Đối với người thật sự niệm Phật], chẳng thể vãng sanh thì đành chịu, chứ thật sự có cách đi gặp Phật [lẽ nào bỏ lỡ cơ hội]. Đối với sự thù thắng trang nghiêm do sanh về thế giới Cực Lạc, chẳng cần nói chi khác, chỉ nói một chuyện thôi: Tới Tây Phương Cực Lạc thế giới, quý vị có năng lực trăm ngàn ức hóa thân, tự tại lắm! Quý vị có năng lực ấy. Do vậy, người ta công phu thành tựu bèn đi ngay lập tức, chẳng muốn trì hoãn thêm một giờ, một khắc nào trong thế giới này!

/ 289