479

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 286

 

  Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang sáu trăm lẻ bảy:

 

  Tam, kết thích chú ý.

  (Chú) Bạt Nhất Thiết Nghiệp Chướng Căn Bản Đắc Sanh Tịnh Độ Đà La Ni.

  三結釋咒意。

  (咒)拔一切業障根本得生淨土陀羅尼。

  (Ba, là kết luận bằng giải thích ý nghĩa của bài chú.

  Chú: Đà La Ni để dẹp trừ căn bản của hết thảy các nghiệp chướng, được sanh về Tịnh Độ).

 

  Trong phần chú giải, Liên Trì đại sư đã bảo:

 

  (Sớ) Thích chú ý giả.

  (疏)釋咒意者。

(Sớ: Giải thích ý nghĩa của bài chú).

 

Giải thích chú Vãng Sanh. Chú vốn chẳng thuộc vào kinh Di Đà, nhưng chú Vãng Sanh cũng là dùng Mật pháp để chuyên tu Tịnh Độ. Liên Trì đại sư ghép chú này vào kinh là có dụng ý đặc biệt. Trong Sớ Sao, sau mỗi đoạn, chúng ta đều thấy phần Xứng Lý. Lý chính là cách giảng giải tâm tánh theo Thiền Tông. Xứng Lý là bàn luận xứng tánh, thuộc về Thiền Tông. Do vậy, phương thức chú giải của Ngài là “Thiền Tịnh bất nhị”. Cuối bản chú giải lại thêm vào chú Vãng Sanh, mang ý nghĩa “Hiển Mật bất nhị”. Do vậy, mới thấy Tịnh Tông thật sự viên dung khôn sánh. Từ xưa đến nay, rất nhiều bản chú giải chẳng theo thể lệ này. Vì thế, đây là một phen khổ tâm của Liên Trì đại sư lão nhân gia, không gì chẳng nhằm mong mỏi chúng ta ai nấy đều có thể tin hiểu, ai nấy đều có thể niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, đó là đại sự! Một lòng đau đáu, chân thật từ bi!

 

  (Sớ) Dĩ chú phụ kinh, kinh đắc chú nhi di hiển, dĩ kinh tiên chú, chú đắc kinh nhi dũ linh, giao tương vi dụng, ưng kết thích dã.

  (疏)以咒附經,經得咒而彌顯,以經先咒,咒得經而愈靈,交相為用,應結釋也。

(Sớ: Dùng chú ghép vào kinh, kinh nhờ chú mà càng thêm rõ rệt. Do đặt kinh trước chú, chú nhờ kinh mà càng linh, sử dụng xen lẫn với nhau, cho nên phải giải thích thần chú để kết thúc [bản chú giải này]).

 

  “Dĩ chú phụ kinh” [nghĩa là] trước hết là giảng kinh, sau đấy, kèm thêm chú, chú ở phía sau kinh. “Kinh đắc chú nhi di hiển” (Kinh nhờ chú mà càng thêm rõ rệt), câu này nên nói như thế nào? Chúng ta ắt cần phải biết: Thuở đức Phật tại thế thuyết pháp là ứng theo căn cơ để nói. Nếu đức Phật nói với hàng sơ cơ (người mới học), đức Phật sẽ nói rất rõ ràng, rất đơn giản, hoàn toàn chẳng khó hiểu, khiến cho kẻ sơ cơ có thể tiếp nhận. Người căn khí to lớn, thông minh, trí huệ, có sức lãnh ngộ rất mạnh, đức Phật sẽ thuyết pháp khá thâm nhập. Nay chúng ta thấy đích xác là khá sâu, thường là chúng ta thấy rất khó lý giải, rất khó hiểu. Thông thường, khi nói đại kinh, trên thực tế, nhục nhãn của chúng ta chẳng thấy: Còn có những vị quỷ thần, thiên long bát bộ cũng tham dự pháp hội ấy. Đức Phật nói với chúng ta là hiển thuyết! Phải dùng ngôn ngữ của chúng ta để nói thì chúng ta mới nghe hiểu. Những vị quỷ thần đều có Ngũ Thông; do vậy, hàng quỷ thần đều có thể hiểu ngôn ngữ nhân gian. Họ cũng hết sức thích nghe đức Phật giảng kinh, thuyết pháp. Trong một bộ kinh, sau khi đã giảng viên mãn, đức Phật thường dùng chú. Chú ngữ hoàn toàn chẳng phải là tiếng Ấn Độ, mà cũng chẳng phải là tiếng Phạn. Trên thực tế, chú ngữ là ngôn ngữ của quỷ thần. Đức Phật nói mấy câu ấy, nhằm nói với những quỷ thần đến tham gia pháp hội, dùng ngôn ngữ của họ để nói mấy câu. Nói theo phía họ, [những câu ấy] hết sức thân thiết, có ý nghĩa này. Nội dung đã nói [trong mấy câu “chú” ấy] chính là cương lãnh trong kinh. Vì thế, chú chính là mật thuyết của kinh, kinh là hiển thuyết của chú, nội dung thật ra như nhau. Một đằng nói rất tỉ mỉ, một đằng là nêu ra cương lãnh, giống như giảng mấy đề mục, có ý nghĩa như thế đó. Mật chú trong kinh Phật bèn trở thành một loại thể lệ đặc biệt, trong văn học thông thường của Ấn Độ chẳng có.

Quỷ thần đối với những kẻ bình phàm như chúng ta mà nói thì có cảm ứng. Thiện thần có cảm ứng với con người, mà tà thần, ác quỷ cũng có cảm ứng với loài người. Trong ấy có cát, hung, họa, phước sai khác rất lớn. Sự cảm ứng ấy có phải là do niệm chú bèn có cảm ứng hay không? Niệm chú là một phương thức, nhưng chẳng phải là chủ yếu nhất. Điều chủ yếu, nói theo cách hiện thời, sẽ là “tâm điện cảm ứng”, còn ở Trung Hoa, vào thời cổ thì nói là “thành tắc linh”, [nghĩa là] chí thành sẽ linh. Trong cái lòng Thành ấy, rốt cuộc là thiện hay ác chẳng nhất định! Chỉ nói đến “thành” thì trong Thành chẳng có thiện hay ác, nhưng trên cơ sở lòng Thành, nguyện cầu của chúng sanh có thiện hay ác! Có người tâm địa rất từ bi, cầu thiện phước cho hết thảy chúng sanh. Cái tâm ấy là thiện lương. Có kẻ cầu quỷ thần chỉ nhằm cầu lợi ích cho chính mình, chẳng sợ tổn hại kẻ khác. Cái tâm ấy chẳng lành. Do vậy, lòng Thành có thể cảm chư Phật, Bồ Tát, mà cũng có thể cảm hết thảy thiện thần, cũng có thể cảm hết thảy ác thần. Sau khi đã cảm, trong sự nguyện cầu ấy bèn có thiện hay ác, có cát, hung, họa, phước. Chúng ta chớ nên chẳng biết điều này!

Nguồn: www.niemphat.net">www.niemphat.net">www.niemphat.net