A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 285
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang sáu trăm lẻ bốn:
(Sớ) Hựu Đại Bổn cập Pháp Diệt kinh, giai ngôn pháp diệt chi nhật, độc lưu thử kinh. Cố tri thử kinh, tổng trì Mạt Pháp, như Hoa Nghiêm Luận trung thuyết.
(疏)又大本及法滅經,皆言法滅之日,獨留此經,故知此經,總持末法,如華嚴論中說。
(Sớ: Lại nữa, Đại Bổn và kinh Pháp Diệt đều nói khi pháp diệt, riêng lưu lại kinh này. Vì thế biết kinh này tổng trì Mạt Pháp, như trong Hoa Nghiêm Luận đã nói).
Đại Bổn là kinh Vô Lượng Thọ. Pháp Diệt Kinh còn gọi là Pháp Diệt Tận Kinh, phân lượng chẳng dài, nói rõ hiện tượng suy diệt của Phật pháp. Trong Pháp Diệt Tận Kinh, nói theo cách hiện thời, chính là đức Phật đã tiên đoán. Những lời tiên đoán có khi là do suy luận Toán Học, chẳng hạn như bộ Hoàng Cực Kinh[1] xa xưa của Trung Hoa. Nói theo Phật pháp, điều này thuộc loại Tỷ Lượng (比量)[2], tánh chánh xác của nó chẳng thể đạt tới một trăm phần trăm. Đương nhiên là cũng có độ tin cậy kha khá, nhưng chẳng phải là tuyệt đối. Chỉ riêng lời tiên đoán của đức Phật chắc chắn là chánh xác, vì đức Phật dùng Hiện Lượng (現量) để quan sát. Đức Phật là ngũ nhãn viên minh, quá khứ, hiện tại, tương lai, Ngài đều đích thân trông thấy, chẳng phải là suy đoán. Trong Pháp Diệt Kinh, đức Phật nói kinh Lăng Nghiêm diệt đầu tiên, kinh diệt cuối cùng là kinh Vô Lượng Thọ. “Pháp diệt chi nhật, độc lưu thử kinh” (Khi pháp diệt hết, riêng lưu lại kinh này), “thử kinh” (kinh này) chính là kinh Vô Lượng Thọ. Vào lúc pháp diệt tận, kinh Vô Lượng Thọ vẫn còn ở trong thế gian này một trăm năm. Sau một trăm năm ấy, Phật pháp hoàn toàn diệt mất.
Pháp vận của Thích Ca Mâu Ni Phật tổng cộng là một vạn hai ngàn năm, Chánh Pháp một ngàn năm, Tượng Pháp một ngàn năm, Mạt Pháp một vạn năm. Thật ra, Phật pháp há có “vận” để nói ư? “Vận” hoàn toàn là do chúng sanh. Nếu chúng sanh ai nấy đều có thể tu đức, tích thiện, hảo vận bèn lâu dài. Mọi người đều chẳng biết tu thiện, tạo nhiều ác nghiệp, kiếp vận tốt đẹp bèn ngắn ngủi, [tức là] thời gian tốt đẹp bèn ngắn ngủi. Vì thế, [thời gian tồn tại của] Phật pháp là nói theo phía chúng sanh, chẳng phải là nói theo phía Phật hay nói theo pháp.
Câu kế tiếp mới là trung tâm của tiểu đoạn này. “Cố tri thử kinh, tổng trì Mạt Pháp” (Vì thế, biết kinh này tổng trì thời Mạt Pháp), câu này hết sức trọng yếu. Mạt Pháp [kéo dài] một vạn năm. Trong một vạn năm ấy, hết thảy chúng sanh nếu muốn “đương sanh thành tựu”, [nghĩa là thành tựu] ngay trong một đời này, nói “thành tựu” chính là quyết định vượt thoát lục đạo luân hồi. Đó là thành tựu nhỏ bé. Nếu chẳng thể vượt thoát lục đạo, sẽ không kể là thành tựu. Viên mãn thành Phật là đại thành tựu. Trong pháp môn này, có thể nói là hai thứ thành tựu ấy đều đạt tới rốt ráo viên mãn. Do vậy, thật sự là pháp môn chẳng thể nghĩ bàn. Trong thời kỳ Mạt Pháp, chúng ta gặp gỡ kinh này mà có thể tin, nhận, phụng hành, sẽ là bậc đương cơ trong thời Mạt Pháp của đức Thế Tôn. Chuyện này đáng khiến cho chính mình vui mừng, hân hạnh!
(Sao) Đại Bổn vân: “Đương lai chi thế, kinh đạo diệt tận, ngã dĩ từ bi, đặc lưu thử kinh bách tuế, chúng sanh đắc ngộ, vô bất đắc độ”.