A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 284
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang sáu trăm:
(Sao) Lãnh sở văn giả, tín chi bất nghi, thọ chi phất thất, như phụng vương sắc, như tuân phụ mạng, cố vân lãnh dã.
(鈔)領所聞者,信之不疑,受之弗失,如奉王敕,如遵父命,故云領也。
(Sao: “Nhận lãnh điều đã nghe”: Tin tưởng chẳng nghi, nhận lấy chẳng để mất, như tuân phụng sắc chỉ của vua, như tuân phụng mạng lệnh của cha, nên nói là “lãnh”).
“Lãnh” (領) là lãnh nạp (領納); nói theo cách hiện thời, sẽ là “tiếp nhận, nhận lãnh”. Tuy chúng ta hết sức mừng rỡ do được nghe pháp môn này trong đời này, nhưng nếu nghe pháp môn này xong mà chẳng thể tiếp nhận, đấy cũng là “nghe mà như không nghe”, chẳng khác gì không nghe. Do vậy, tiếp nhận hết sức quan trọng. Tu học pháp môn này, Đại Thế Chí Bồ Tát dạy chúng ta, “tịnh niệm tiếp nối”, chẳng hoài nghi, không xen tạp, đó là “tịnh niệm”. [Tịnh niệm] tiếp nối chẳng ngừng, niệm niệm chẳng gián đoạn. Đó gọi là “tương kế” (相繼: tiếp nối), chính là bí quyết trọng yếu trong Niệm Phật. Ở đây, Liên Trì đại sư bảo chúng ta: “Tín chi bất nghi” (Tin mà chẳng nghi ngờ). Đối với lời dạy của đức Thế Tôn, cũng như lời dạy của hết thảy chư Phật, chúng ta tin tưởng sâu xa, chẳng nghi ngờ.
“Thọ chi phất thất” (Tiếp nhận, chẳng để mất), chúng ta đã tiếp nhận, hoàn toàn tiếp nhận, quyết định chẳng để mất đi. “Mất đi” là gì? Quên bẵng là mất đi. Tịnh niệm chẳng thể liên tục, đứt đoạn, đó là “mất đi”! Trong Phật pháp, chúng ta gọi chuyện này là “thất niệm” (失念), [nghĩa là] đánh mất ý niệm, quên bẵng. Thông thường, [chư tổ, chư đại đức] dạy chúng ta niệm Phật, mỗi ngày phải có số lượng nhất định, đều nhằm thuận tiện cho kẻ sơ học. Kẻ sơ học vọng tưởng, phiền não quá nhiều, bất tri, bất giác, chúng bèn dấy lên hiện hành. Do vậy, có thể biết, trong A Lại Da Thức chứa đựng chủng tử của vọng tưởng và phiền não hết sức nhiều. Sức lực của chúng cũng mạnh mẽ, vì chúng có thể hiện tiền bất cứ lúc nào. Chủng tử niệm Phật ít ỏi, sức mạnh yếu ớt, cho nên niệm niệm bèn quên tuốt! Còn có rất nhiều kẻ tay lần tràng hạt, niệm “A Di Đà Phật, A Di Đà Phật”, niệm chẳng được bao lâu, quên bẵng A Di Đà Phật, tay vẫn lần tràng hạt thoăn thoắt, nhưng Phật hiệu chẳng còn nữa, kẻ ấy lại dấy lên vọng tưởng. Lúc mới học, thường có [tình trạng ấy], đó là “thất niệm”, chứng tỏ sức mạnh của Phật hiệu rất yếu. Chủng tử Phật hiệu chẳng nhiều, sẽ chẳng thể chống lại phiền não, vọng tưởng. Chúng ta phải luyện tập chẳng gián đoạn; vì thế, mỗi ngày phải ấn định niệm bao nhiêu câu Phật hiệu, nhất định là chẳng thể gián đoạn. Đấy là vun bồi.
Cổ nhân nói: “Đổi chỗ sống sít thành chỗ chín nhừ, đổi chỗ chín nhừ thành chỗ sống sít”. “Sống sít” là xa lạ. Đối với chúng ta, Phật hiệu rất xa lạ, còn phiền não tập khí lại rất quen thuộc, rất dễ hiện tiền. Thay đổi hai điều ấy một phen, dần dần phiền não tập khí sẽ trở thành xa lạ, Phật hiệu dần dần niệm thuần thục, công phu bèn thành tựu. Chúng ta thường nói “công phu thành phiến”, thật sự đảo ngược giữa hai đằng chín và sống, công phu sẽ thành phiến.
Nhưng trong xã hội hiện thời, có khá nhiều đồng tu công việc bận rộn, gia đình cũng bận tít mù, mỗi ngày phải ấn định bao nhiêu câu Phật hiệu, có thể nói là hết sức khó khăn cho họ. Nói thật ra, đối với kẻ sơ học, để có thể chuyển biến giữa sống và chín, nếu mỗi ngày niệm ít hơn một vạn câu Phật hiệu, [sẽ chuyển biến] rất khó khăn. Nói chung phải là từ một vạn tiếng trở lên! Niệm dăm ba năm mới có thể dần dần chuyển biến được. Đối với kẻ sơ học, điều này khá khó khăn, nhất là đối với những người trẻ tuổi trong hiện thời. Tôi dạy đồng tu cách Thập Niệm, cách Thập Niệm đích xác là có thể giúp chúng ta chuyển sống thành chín. Pháp Thập Niệm tốn ít thời gian, mỗi lần niệm chỉ cần một phút, nhưng một ngày chẳng thể ít hơn chín lượt niệm. Cứ cách hai, ba tiếng đồng hồ, bèn niệm một lần. Niệm theo kiểu ấy trong dăm ba năm, sẽ biến thành thói quen, [sức mạnh của thói quen] hết sức mạnh mẽ. Do vậy, có thể biết: Đây là cách niệm Phật chẳng gián đoạn, mỗi ngày chín lần, mỗi lần chẳng gián đoạn, đó là “tiếp nối”, cũng phù hợp ý nghĩa “tịnh niệm tương kế”. Tuy chúng ta niệm Phật mười tiếng, mười câu Phật hiệu ấy thanh tịnh, xác thực chẳng có vọng tưởng, chẳng có phân biệt, chẳng có phiền não, chẳng có tạp niệm. Mười câu, câu nọ tiếp nối câu kia, cứ hai ba tiếng đồng hồ lại niệm tiếp mười tiếng, dùng phương pháp này. Phương pháp này tương ứng với nguyên tắc do Đại Thế Chí Bồ Tát đã dạy. Đối với thế hệ hiện tại mà nói thì ai nấy đều có thể làm được. Có thể niệm từ chín lần trở lên, đương nhiên là càng tốt hơn, nhưng chẳng thể ít hơn chín lần được! Đương nhiên là niệm càng nhiều càng hay, mỗi lần là một phút. Chư vị thường xuyên dùng phương pháp này tức là đã “thọ” (tiếp nhận pháp môn Tịnh Độ). “Phất thất” (弗失) là không mất. Chúng ta phải tiếp nhận, phải nghiêm túc tu học.