356

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 283

 

  Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang năm trăm chín mươi bảy:

 

  (Sao) Đương cơ giả, dĩ nan tín chi pháp, duy Trí năng tín, cố thỉ chung thủ cử Xá Lợi Phất dã.

(鈔)當機者,以難信之法,唯智能信,故始終首舉舍利弗也。

(Sao: “Đương cơ”: Do pháp khó tin, chỉ có trí thì mới có thể tin tưởng. Vì thế, từ đầu đến cuối nêu tên ngài Xá Lợi Phất trước hết).

 

  Câu này nhằm giải thích câu “độc cử Thân Tử giả, dĩ đương cơ cố” (nêu một mình ngài Xá Lợi Phất vì Ngài là bậc đương cơ) trong lời Sớ. Đức Phật thuyết pháp nhất định là có thính chúng căn cơ đã chín muồi. Cũng có nghĩa là trình độ và căn tánh của họ hết sức khế hợp pháp môn này. Họ nghe xong, sẽ có thể sanh tâm hoan hỷ, có thể lý giải, có thể nương theo phương pháp này để tu học. Hạng thính chúng ấy được gọi là “đương cơ giả” (bậc đương cơ). Pháp môn Tịnh Tông, nhất là kinh A Di Đà, trong hết thảy các kinh, chính là pháp môn trực tiếp chỉ dạy chúng ta thành Phật viên mãn ngay trong một đời. Vì thế, thính chúng khế hợp pháp môn này chẳng nhiều, hết sức hiếm có, cũng ứng với “pháp khó tin” như trong phần trước đã nói. Kinh Di Đà được gọi là Tiểu Bổn, kinh Vô Lượng Thọ được gọi là Đại Bổn, hai bộ kinh này thuộc cùng một bộ, có nội dung hoàn toàn như nhau. Đại Bổn nói cặn kẽ. Trong kinh Đại Bổn, đức Phật dạy: Đương cơ của pháp môn này chỉ có hai loại người:

1) Một loại là bậc thượng căn chân thật, tức là người có trí huệ nhất. Họ nghe xong, chẳng hoài nghi, sẽ nghe hiểu, sẽ nghe thông suốt. Hạng người này sẽ được lợi ích. Như tôn giả Xá Lợi Phất, ngài Xá Lợi Phất là vị trí huệ bậc nhất trong các đệ tử Tiểu Thừa. Vì vậy, kinh này từ đầu tới cuối, đức Thế Tôn đều gọi ngài Xá Lợi Phất, chẳng gọi người khác. Giáo học Phật pháp hết sức coi trọng sự biểu thị pháp. Ngài Xá Lợi Phất biểu thị người có trí huệ chân thật. Gọi ngài Xá Lợi Phất, tức là gọi hết thảy những người có trí huệ. Họ nghe giảng sẽ chẳng có vấn đề gì, họ sẽ nghe hiểu.

2) Loại người thứ hai là những người trọn đủ thiện căn, họ cũng thích hợp. Tuy trí huệ chưa chắc nhạy bén, nhưng họ có thiện căn; thiện căn chẳng phải là đạt được trong một đời. Trong kinh Đại Thừa, đức Phật đã dạy: Đó là [thiện căn] do tích lũy đời đời kiếp kiếp từ vô lượng kiếp trong quá khứ, chín muồi trong một đời này. Tuy họ chẳng có trí huệ, mà cũng chẳng thông minh. Thậm chí chưa từng học hành, không biết chữ, nhưng họ nghe nói đến A Di Đà Phật, bèn có thể sanh tâm hoan hỷ, tin tưởng, chẳng hoài nghi. Họ cũng chẳng hỏi “có ý nghĩa là gì”, họ chịu tin, chịu niệm, nhất tâm cầu sanh Tịnh Độ. Tới khi mạng chung, thường là họ có thể đứng vãng sanh, hoặc ngồi vãng sanh, biết trước lúc mất. Đó là thiện căn thành tựu. Đúng như điều kiện vãng sanh đã nói trong kinh này: “Chẳng thể do chút ít thiện căn, phước đức, nhân duyên [mà được sanh về cõi ấy]”; họ là thiện căn, phước đức, nhân duyên thảy đều trọn đủ. Hạng người này là bậc đương cơ.

  Vừa mở đầu kinh, đức Phật kể ra mười sáu vị đệ tử Thanh Văn, ngài Xá Lợi Phất đứng đầu, ngài Mục Kiền Liên thứ hai. Mười lăm vị kể từ ngài Mục Kiền Liên trở đi đều là những người có thiện căn và phước đức chín muồi. Ngài Xá Lợi Phất biểu thị trí huệ thành tựu viên mãn. Trí huệ của chúng ta chẳng sánh bằng ngài Xá Lợi Phất. [Tuy chúng ta] chẳng phải là loại đương cơ thứ nhất, ngẫm ra, chúng ta có thể đảm đương làm loại đương cơ thứ hai. Vì sao? Chúng ta nghe kinh này xong, có thể sanh tâm hoan hỷ, cũng có thể nghe hiểu rõ ràng, thật sự phát nguyện cầu sanh, cho nên phải là loại đương cơ thứ hai. Hai loại ấy đều khó có, đáng quý, đều là vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi ngay trong một đời này. Chư vị hiểu luân hồi là khổ! Từ vô lượng kiếp đến nay, sanh tử, lưu chuyển trong ấy, chịu hết mọi nỗi khổ, chẳng có cách nào vượt thoát. Đời này gặp gỡ pháp môn này, thật sự có thể tin, có thể nguyện, chuyên tu, chắc chắn sẽ vượt thoát. Cơ hội này chẳng phải là “trăm ngàn vạn kiếp khó gặp gỡ”, mà còn là khó khăn hơn nữa. Cư sĩ Bành Tế Thanh nói: “Một ngày hiếm có khó gặp từ vô lượng kiếp đến nay”. Câu nói ấy đã hình dung vận may của chúng ta, “hiếm có, khó gặp”, [thế mà] nay chúng ta đã gặp gỡ.

 

  (Sao) Nhiếp tỳ-kheo trung giả.

Nguồn: www.niemphat.net">www.niemphat.net">www.niemphat.net